T2, 06/07/2020 10:21

Rộn rã mùa sứa

Chưa có đánh giá về bài viết

Từ đầu tháng 2 âm lịch tới nay, nguồn lợi thu được từ sứa – một loại nhuyễn thể thân mềm đã đem lại niềm vui cho nhiều người dân sống ven đầm Thủy Triều (huyện Cam Lâm, Khánh Hòa).

Tấp nập đi bắt sứa

Đứng trên cầu Mới (xã Cam Hải Đông) chỉ một thời gian ngắn, chúng tôi đã chứng kiến cả chục chiếc thuyền, bè tấp nập cập bến, trên khoang là những thùng nhựa chứa đầy sứa. Vừa trở về sau chuyến bắt sứa tại khu vực đầm Thủy Triều, vợ chồng anh Phan Thanh Bình (xã Cam Hải Đông) lộ vẻ vui mừng: “Chúng tôi đã đi từ 5 giờ sáng để kịp giờ con nước lên. Ra tới nơi, sứa nhiều vô kể, cứ thế, chúng tôi thay nhau vớt…”. Đầu năm, khi các chuyến lưới ghẹ thất bát do nạn đánh bắt tận diệt, con sứa xuất hiện như một cứu cánh đối với những ngư dân quanh năm bám biển, bám đầm như anh Bình. “Mỗi ngày, vợ chồng tôi vớt được khoảng 40 thùng sứa tươi, sau khi chế biến được 10 thùng sứa thành phẩm, bán ra với giá 70.000 đồng/thùng, thu nhập mỗi người 350.000 đồng/ngày, khỏe hơn nhiều so với đi lưới ghẹ”, anh Bình nói.

Tấp nập cảnh trên bến dưới thuyền đi bắt sứa. 

Tấp nập cảnh trên bến dưới thuyền đi bắt sứa.

Trên chiếc bè tự chế bằng 30 vỏ can nhựa, cha con ông Nguyễn Ninh (xã Cam Hải Tây) bước xuống khiêng vội những thùng sứa đầy ắp vào bờ phơi cho kịp nắng. Do không đủ tiền sắm ghe nên khi mùa sứa rộ, ông Ninh nghĩ cách làm bè để bắt sứa. “Cả nhà tôi dậy sớm lên đường từ 4 giờ sáng; đến trưa đem sứa về phơi và chế biến đến 2 – 3 giờ chiều là tư thương tới mua. Mỗi ngày, một người cũng kiếm được 200.000 đồng. Tuy giá rẻ nhưng do năm nay sứa được mùa nên thu nhập vẫn khá cao. Tuy nhiên, sứa đánh trong đầm con nhỏ nên giá thấp hơn sứa bắt tại khu vực phường Cam Nghĩa (TP. Cam Ranh) và xã Cam Thành Bắc (huyện Cam Lâm)”, ông Ninh cho biết.

Cha con ông Ninh chuyển sứa từ bành sang hồ phơi 

Cha con ông Ninh chuyển sứa từ bành sang hồ phơi

Ở Cam Lâm có hai điểm tập kết sứa tại thôn Bắc Vĩnh (xã Cam Hải Tây). Tại đây, cảnh mua bán sứa diễn ra tấp nập. Trên bờ, mọi người chen nhau chờ đón ghe sứa trở về, dưới nước ghe đậu kín bãi. Ghe nào cũng đầy ắp sứa…

Cả làng vào vụ

Thôn Bắc Vĩnh (xã Cam Hải Tây) tiếp giáp với nguồn nước đầm Thủy Triều nên đa số người dân ở đây sống bằng nguồn lợi từ đầm. Mùa sứa đến, cả làng tham gia làm sứa. Ai cũng thức dậy từ sớm để ra đầm. Anh Nguyễn Hoài Phong đang ở tuổi thanh niên, chưa có việc làm nên cũng phụ giúp cha mẹ thu hoạch sứa. Phong nói: “Ra đầm thấy sứa mà ham, cứ việc cào, hốt không nghỉ tay. Từ khi có sứa, ngày nào, tôi cũng thức dậy từ rất sớm…”. Không chỉ thanh niên chưa có việc làm mà những người trung niên có nghề nghiệp ổn định cũng tham gia đi bắt sứa vì thu nhập cao.

Ông Ba Tòi dùng trang đánh nhào cho sứa ra hết nước. 

Ông Ba Tòi dùng trang đánh nhào cho sứa ra hết nước.

Tuy trời vẫn còn nắng chang chang nhưng ông Ba Tòi và nhiều người khác đã ra hồ sứa để tiến hành công đoạn chế biến. Ông Ba Tòi dùng trang cào qua cào lại cho sứa ra hết nước. Thỉnh thoảng, ông lại rắc thêm chút phèn chua cho sứa nhanh bốc hơi. Ông Ba Tòi cho biết, năm nay, sứa rất nhiều nên tha hồ bắt, trong khi mọi năm tìm sứa “đỏ con mắt”. Sứa đem về được bỏ trong những hố vuông nhỏ được đào sẵn và lót bạt để phơi nắng. 2 – 3 giờ chiều, khi những con sứa đã chết, người ta dùng trang đánh và cắt thân sứa cho vã nước. Sau khi sứa đã bị vắt kiệt nước, người ta dùng phèn chua với lượng rất nhỏ để làm khô sứa, chuyển sang dạng thành phẩm. 5 giờ chiều là lúc các tư thương tới thu mua.

Điều đáng nói, tại các hồ sứa ven đầm, mọi người mạnh ai nấy đào hố để bỏ sứa. Đây cũng là nơi tiếp giáp với nguồn nước của đầm nên sau khi đánh sứa xong, nước sứa chết hôi tanh được người dân vô tư đổ xuống đầm. Một người dân nói: “Đổ nước này xuống đầm thì không hôi, còn nếu đổ ra đất càng ô nhiễm hơn”.

Nhiều hồ chế biến đổ nước thải gây ô nhiễm.  

Nhiều hồ chế biến đổ nước thải gây ô nhiễm.

Bà Nguyễn Thị Phước – một tư thương mua sứa tại Bắc Vĩnh cho biết, hiện nay, giá sứa đang rẻ do lượng sứa nhiều, được mùa. Hàng ngày, cùng với các tư thương trong vùng, bà Phước thu mua vài tạ sứa gửi đi tiêu thụ các nơi trong và ngoài tỉnh. Bà nói: “Sứa Thủy Triều rất được người dân và du khách ưa chuộng vì giòn, thơm và ngon hơn hẳn sứa ở nơi khác, Mặt khác, mùa này nóng nên ăn sứa mát, thanh nhiệt… nên nhiều vẫn tiêu thụ hết”.

Ông Nguyễn Minh Tâm – Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Cam Hải Tây cho biết, vùng thu hoạch sứa trên đầm Thủy Triều trải dài từ Cam Thành Bắc đến Cam Hải Tây, phía Nam cầu Long Hồ. Hàng ngày, lượng người tham gia bắt sứa lên tới 50 hộ, khoảng 100 người, chủ yếu là người dân thôn Bắc Vĩnh, xã Cam Hải Tây. Sản lượng sứa thành phẩm lên tới hơn 10 tấn/ngày. Sau khi chế biến, sứa được tiêu thụ khắp nơi, từ Khánh Hòa đến Bình Định, Đà Nẵng và các tỉnh Tây Nguyên. Hiện nay, trên địa bàn có 3 tư thương thu mua sứa. Từ đầu vụ đến nay giá trị thu mua đạt hơn 1 tỷ đồng. Mỗi buổi sáng tại cây xăng Châu Pháp (Cam Hòa), số lượng sứa trung chuyển đi xa hơn 6 tấn…

>> Ông Nguyễn Minh Tâm, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Cam Hải Tây: Vụ sứa này, có người thu nhập trên 6 triệu đồng/tháng, bình quân 300 ngàn đồng/ngày. Nhờ có vụ sứa mà bà con đỡ vất vả mưu sinh bằng lưới ghẹ hay đánh bắt các loài thủy hải sản. Tuy nhiên, hiện nay, sứa cũng bị đánh bắt tận diệt, việc thu hoạch không phân biệt sứa nhỏ, sứa con. Ô nhiễm môi trường do chế biến sứa không nhiều. Nhưng chúng tôi đã khuyến cáo bà con không nên xả nước thải ra đầm làm ô nhiễm đầm…

Phú Lâm

Báo Khánh Hòa

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!