Rộn ràng chuyến biển đầu năm

Chưa có đánh giá về bài viết

Nghề câu mực khơi đem lại thu nhập cao cho nhiều ngư dân trong năm vừa qua. Những ngày này, tại cảng cá An Hòa (xã Tam Giang, Núi Thành), các phương tiện lại tất bật cho chuyến đi biển đầu tiên trong năm.

Mùa ra khơi

Trời bừng nắng khiến không khí chuẩn bị ra khơi ở cảng cá An Hòa thêm chộn rộn. Trên bến cảng, nhiều xe tải chở nhu yếu phẩm vào ra đậu đỗ chen giữa những chiếc thúng chai ngổn ngang. Cảng An Hòa bỗng chốc trở thành cái “chợ” với đầy đủ các mặt hàng thiết yếu bày ra và lần lượt được bốc xếp đưa lên tàu. Âm thanh ồn ã cũng vọng lên từ mặt sông – nơi hàng chục “chiến hạm” mực khơi đang neo đậu; tiếng máy chát chúa, tiếng đinh búa va đập và cả tiếng kêu thúc giục tranh thủ trời nắng ráo làm nốt những công việc còn lại trên tàu để chuẩn bị ra khơi.

 

alt

Kéo thúng lên tàu.    

 

Đây là chuyển biển đầu tiên trong năm của nghề câu mực khơi và thời tiết đang thuận lợi để đội tàu xa bờ của Tam Giang ra khơi bám biển. Ông Hoàng Văn Tâm, tài công tàu câu mực khơi QNa 91117 cho biết: “Mấy năm trước, ngay sau tết là nhiều tàu xuất bến nhưng năm nay trễ hơn vì nhiều chủ tàu phải chờ cho giá cả lương thực, thực phẩm hạ xuống mới lấy “tổn” ra khơi. Mỗi chuyến biển, trung bình mỗi tàu lấy “tổn” hơn 0,5 tỷ đồng. Hiện thời tiết rất thuận lợi, chỉ vài ngày nữa là đội tàu đồng loạt nhổ neo”.

Ông Tâm quê ở Tam Phú (TP. Tam Kỳ) nhưng làm nghề tài công trên tàu câu mực ở nhiều địa phương hơn 15 năm qua. Hiện ông lái tàu cho anh Phạm Ngọc (thôn Đông Mỹ, xã Tam Giang). Năm vừa qua tàu anh Ngọc đi 4 chuyến biển, khai thác được hơn 60 tấn mực khô, doanh thu gần 10 tỷ đồng, riêng ông Tâm thu nhập 260 triệu đồng. Hơn 15 năm gắn bó với nghề câu mực khơi, ông cho biết chưa năm nào nghề này mang lại thu nhập cao như vừa qua. “Ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa đều cho sản lượng mực dồi dào. Năm vừa qua trên tàu chúng tôi anh em đi bạn đều có thu nhập khá, người ít nhất cũng được trăm triệu đồng” – ông Tâm nói.

 

Thu nhập tiền tỷ

Theo ông Phạm Văn Châu, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Giang, nghề câu mực khơi năm qua trúng “đột biến” khiến nhiều ngư dân rất phấn khởi. Tam Giang hiện có 69 phương tiện câu mực khơi với tổng công suất 27.000CV, giải quyết cho khoảng 2.200 lao động. Năm vừa qua toàn xã khai thác hơn 9.320 tấn mực, doanh thu đạt gần 266 tỷ đồng, tăng gần 131 tỷ đồng so với năm 2010. Nhiều chủ phương tiện có thu nhập trên 2 tỷ đồng như tàu anh Lương Văn Cam, Lương Văn Tới, Trần Văn Ảnh… Giá mực năm vừa qua tăng cao và ổn định, hiện 1kg mực khô có giá hơn 100 nghìn đồng, năm 2011 có thời điểm giá 1kg mực khô lên đến 230 nghìn đồng đã mang lại thu nhập cao cho nhiều ngư dân. Nghề câu mực khơi bội thu đã tạo động lực cho ngư dân đầu tư sắm mới phương tiện, cải hoán công suất máy để bám biển dài ngày. Hiện đội tàu Tam Giang có phương tiện đạt công suất máy 1.100CV với trang thiết bị hiện đại như máy định vị GPS. Cũng theo ông Tâm, nghề câu mực khơi ẩn chứa nhiều rủi ro do phải bám biển dài ngày, khai thác ở ngư trường thường xuyên có gió bão nguy hiểm. Tuy nhiên gần đây ngư dân rất vững tâm vì nhiều phương tiện được đầu tư hiện đại, đội tàu câu mực khơi địa phương sẵn sàng hỗ trợ nhau khi có dự cố trên biển.

 

alt
Lắp chân vịt vào tàu, chuẩn bị ra khơi.

 

Nghề câu mực khơi trúng lớn khiến những ngày qua tấp nập lao động ở nhiều địa phương đổ về Tam Giang để “đầu quân” cho đội tàu xa bờ. Anh Trần Văn Lý (thôn Lộc Đông, xã Tam Tiến, Núi Thành) đang loay hoay trên bến cảng cá An Hòa với “bộ đồ nghề” câu mực khơi gồm vàn câu, thúng chai, máy bộ đàm…, chuẩn bị đưa lên tàu ra khơi. Anh cho biết, gần 10 năm nay cứ vào mùa biển động (từ tháng 8 âm lịch) là gác lại nghề mành bãi ngang, vào tận đảo Phú Quốc câu mực đến qua tháng giêng mới trở về. Năm nay vì nghề câu mực khơi trên địa bàn tỉnh trúng lớn nên anh Lý ở lại quê, đi bạn trên 1 tàu ở Tam Giang. Anh nói: “Cực chẳng đã mới làm biển xa quê vì tốn kém chi phí, thu nhập cũng không cao. Mấy tháng trước tết ruột tôi cứ nóng ran vì phải ở nhà đợi mùa biển mới, trong khi anh em đi bạn có người thu nhập hàng trăm triệu đồng sau mỗi chuyến biển”. Anh Lý vẫn được xem là may mắn vì tìm được phương tiện đi bạn trong năm nay, những ngày qua nhiều lao động đến Tam Giang rồi về tay không bởi nhiều tàu câu mực khơi đã chật chân, không nhận người nữa – trái với cảnh đìu hiu vài năm trước đây, chủ phương tiện câu mực khơi phải giữ chân lao động bằng cách bao ăn uống, cho mượn tiền trước tiêu xài trong dịp tết.

>> Ông Phạm Văn Châu, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Giang cho biết, năm 2011 địa phương có 11 phương tiện câu mực khơi được hỗ trợ giá dầu theo Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg ngày 13.7.2010 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách khuyến khích hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa (mỗi phương tiện được hỗ trợ 1 chuyến biển). Địa phương đang khuyến khích nhiều phương tiện câu mực khơi đầu tư máy định vị GPS để xác định ngư trường khai thác, tạo thuận lợi cho công tác hỗ trợ. Ngoài ra, xã Tam Giang cũng tổ chức lớp đào tạo máy trưởng hạng 4 cho 59 ngư dân theo Quyết định số 20/2010/QĐ-UBND của UBND tỉnh.

Minh Đức

Theo Báo Quảng Nam

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!