(TSVN) – Ngay từ những ngày cuối tháng 12, tại các nơi sản xuất cá cảnh ở nhiều địa phương đã bắt đầu tích cực kiểm tra, chăm sóc để chuẩn bị nguồn cung ứng ra thị trường, phục vụ nhu cầu văn hóa tâm linh của người dân Việt Nam.
Đáp ứng nhu cầu của thị trường, những năm gần đây, Trung tâm Thủy sản tỉnh Tuyên Quang đã thực hiện sản xuất, nuôi cá chép đỏ quy mô lớn nhất tỉnh. Thông thường, mùa sinh sản chính của cá chép đỏ là vào đầu năm. Thế nhưng, để đảm bảo cá sinh sản phục vụ nhu cầu thị trường, các kỹ thuật viên sẽ lựa thời điểm cho cá chép đỏ sinh sản là sau kỳ sinh sản của các loại cá truyền thống. Thường là vào tháng 8 dương lịch hàng năm, khi tần suất mưa rào dày là lúc những con cá bố, cá mẹ sẽ được ghép đôi để sinh sản. Và để tạo ra thế hệ cá tương lai có màu sắc rực rỡ, bắt mắt, cá bố mẹ được lựa chọn rất kỹ càng. Những con cá nổi trội về ngoại hình như mình thon, vảy óng, đuôi váy dài, rộng, màu đậm sẽ được chọn lựa làm cá giống sinh sản để tạo ra cá con chuẩn nhất, đẹp nhất.
Nuôi cá chép đỏ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: ST
Thông thường cứ sau rằm tháng Chạp là thị trường tiêu thụ cá chép đỏ sôi động. Để đáp ứng nhu cầu của thương lái, trước thời điểm đó, chủ ao sẽ chuyển cá từ ao sang một ao vây bằng lưới để giúp cá không bị ngạt bùn rồi chuyển đi tiêu thụ.
Nuôi cá chép đỏ để phục vụ cho ngày Tết ông Công ông Táo đã trở thành một ngành nghề sản xuất kinh doanh của Trung tâm Thủy sản tỉnh Tuyên Quang mang lại hiệu quả kinh tế cao. Bởi trong 6 tháng chăm sóc, nuôi dưỡng, sau khi trừ chi phí mỗi ao nuôi cá chép đỏ với diện tích khoảng 100 m2 có thể mang lại lợi nhuận từ 40 – 50 triệu đồng.
Ngay từ những ngày cuối tháng 12 dương lịch, các hộ nuôi cá tại làng nghề sản xuất cá chép đỏ Thủy Trầm, xã Tuy Lộc, huyện Cẩm Khê đã bắt đầu tích cực kiểm tra, chăm sóc những ao cá chép đỏ để chuẩn bị nguồn cung ứng ra thị trường, phục vụ nhu cầu văn hóa tâm linh của người dân Việt Nam.
Nghề nuôi cá chép đỏ ở làng Thủy Trầm bắt đầu từ những năm 1960 và phát triển cho đến bây giờ, trở thành làng nghề truyền thống nổi tiếng trong và ngoài tỉnh.
Cá giống được nuôi từ giữa năm, ban đầu những con cá giống bố mẹ đẹp về màu sắc, ngoại hình, khỏe về thể chất được chọn để nhân giống và chăm sóc đặc biệt trong bể riêng, khi trứng nở 4 ngày, cá con được đưa ra ao nuôi. Thông thường đến khi thu hoạch, cá có kích cỡ bằng 3 ngón tay là đạt tiêu chuẩn. Khoảng từ ngày 17 tháng Chạp, các hộ bắt đầu hút ao, đánh bắt cá để bán cho người dân địa phương và các thương lái trong, ngoài tỉnh.
Theo ông Bùi Văn Chữ – Trưởng làng nghề cá chép đỏ Thủy Trầm: “Toàn xã có trên 40 ha nuôi cá chép đỏ với hơn 400 hộ dân, trong đó tại làng nghề nuôi cá chép đỏ Thủy Trầm có 250 hộ trực tiếp sản xuất, kinh doanh cá, tổng sản lượng lên đến 40 tấn”.
Như những năm trước, giá bán cá chép đỏ tại bờ từ khoảng 80.000 – 100.000 đồng/kg trở lên, trừ chi phí, bình quân thu nhập 25 triệu đồng/sào, trên 40 triệu đồng/người/năm.
Khoảng 20 năm trở lại đây, nắm bắt được nhu cầu chơi cá cảnh của người dân trên địa bàn tỉnh, người nuôi cá xóm Kim, xã Mỹ Thắng (thành phố Nam Định) đã chuyển từ nuôi cá thịt sang nuôi các loại cá cảnh. Thời gian đầu, họ nuôi cá chép cảnh, cá tam dương ngũ sắc, cá vàng bốn đuôi,… Khoảng 6 – 7 năm trở lại đây, nhanh nhạy nắm bắt nhu cầu thị trường, người dân xóm Kim tập trung vào nuôi các giống cá có giá trị kinh tế cao hơn là cá Koi và cá rồng. Theo ước tính của các hộ nuôi cá cảnh xóm Kim, tỷ lệ người nuôi cá Koi trong xóm chiếm khoảng 80%.
Đối với mỗi loại cá, người nuôi áp dụng chế độ chăm sóc, kích thích cá sinh sản khác nhau. Cụ thể, đối với các loại cá tam dương ngũ sắc, chép cảnh, các hộ nuôi có thể tự nhân giống bằng cách bán cho nhau. Riêng đối với cá vàng bốn đuôi, phải mua giống từ TP Hải Phòng. Cá cảnh nói chung sau khi đẻ trứng 3, 4 ngày thì thành cá con.
Những ngày này, thương lái tấp nập ra tận các bể, ao nuôi cá cảnh chọn cá, “đặt” trước các giống cá phục vụ nhu cầu lễ ông Công, ông Táo và chơi Tết. Mùa “làm ăn” bận rộn nhất trong năm của những người nuôi cá cảnh đã đến.
Thời điểm hiện tại, với giá bán các loại cá Koi Nhật dao động từ 5 – 10 triệu đồng/con, cá Koi Việt từ 150.000 – 500.000 nghìn đồng/kg, cá vàng đầu lân từ 10.000 – 50.000 đồng/đôi, cá chép đuôi dài từ 100.000 – 200.000 đồng/kg, cá tam dương từ 100.000 – 120.000 đồng/kg, trung bình mỗi ngày hộ nuôi cá cảnh có thể bán được vài chục cân cá. Đặc biệt, trước lễ ông Công, ông Táo khoảng 1 tuần, hộ nhiều có thể xuất bán tới 1 – 2 tạ cá/ngày. Cá cảnh của hộ nuôi hiện được bán cho nhiều tỉnh, thành phố phía Bắc như: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh,… và một số tỉnh ở miền Trung và miền Nam như: Quy Nhơn, Đà Nẵng, Nha Trang, TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu,… Hàng năm, từ nghề nuôi cá cảnh, sau khi trừ chi phí, các hộ nuôi cá thu về từ 120 – 200 triệu đồng.
Lê Loan
(Tổng hợp)