T2, 02/12/2024 09:00

Rộng cửa vào thị trường UAE

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) được coi là thị trường tiềm năng vì nhu cầu tiêu thụ thủy sản, trong đó có tôm, ngày một tăng.

Cuối tháng 10 vừa qua, Hiệp định Ðối tác kinh tế toàn diện Việt Nam – UAE (CEPA) đã được ký kết, trở thành hiệp định thương mại tự do đầu tiên Việt Nam ký với một nước Ả Rập. Đây là tiền đề quan trọng để Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu những mặt hàng thế mạnh sang Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.

Kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam sang UAE đạt khoảng 20 triệu USD mỗi năm. Ảnh: Đặng Thu

Theo Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), hiện nay UAE là một trong những đối tác thương mại, đầu tư quan trọng hàng đầu của Việt Nam tại khu vực Trung Ðông, là cửa ngõ để Việt Nam tiếp cận các thị trường Trung Ðông cũng như Tây Á và châu Phi.

Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, giai đoạn 2018 – 2023, tổng trao đổi thương mại giữa hai nước bình quân đạt khoảng 5 tỷ USD/năm. Về cán cân thương mại, Việt Nam luôn xuất siêu sang thị trường UAE với giá trị lớn, từ 3 – 4 tỷ USD/năm. Kết quả này có sự đóng góp của nhiều ngành hàng nông nghiệp, khi những năm gần đây xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang UAE đều ghi nhận tăng trưởng.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, giai đoạn từ 2018 – 2022, UAE đứng thứ 16 về nhập khẩu tôm từ Việt Nam, chiếm tỷ trọng khoảng 0,5% tổng giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam đi các thị trường. Mỗi năm, kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam sang UAE đạt khoảng 20 triệu USD.

Mặc dù chiếm thị phần nhỏ nhưng UAE được coi là thị trường tiềm năng vì nhu cầu tiêu thụ thủy sản, trong đó có tôm, ngày một tăng và nhất là khi Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam – UAE vừa mới được ký kết, mở thêm cơ hội cho xuất khẩu tôm sang thị trường này. Trong 9 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt 7,4 triệu USD, chiếm tỷ trọng 0,3% và tăng trưởng 34% so cùng kỳ năm trước.

Trên thị trường UAE, tôm Việt Nam phải cạnh tranh với tôm Ấn Độ, Trung Quốc, Ecuador. Ấn Độ chiếm gần 60 – 70% thị phần, Ecuador mới thâm nhập thị trường vài năm gần đây với 15% thị phần, trong khi thị phần tôm Việt Nam chỉ chiếm khoảng 5 – 7%. Ấn Độ dường như đã tận dụng tốt lợi thế thuế quan tại thị trường này để gia tăng thị phần xuất khẩu tôm của mình trong những năm qua.

VASEP kỳ vọng với Hiệp định CEPA mới được ký kết, tôm Việt Nam sẽ được hưởng ưu đãi thuế cao nhất, sớm nhất, để có thể tăng thị phần tại thị trường UAE.

Thái Bình

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!