T3, 20/08/2024 08:00

Rùa biển, thú biển liên tục xuất hiện tại Bình Định

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Trong những năm qua cá voi, cá heo và cả rùa biển liên tục xuất hiện tại các vùng biển trên địa bàn tỉnh Bình Định. Đây là những tín hiệu tốt cho công tác bảo tồn biển tại Bình Định, mở hướng đi mới cho việc phát triển du lịch gắn với hoạt động bảo tồn biển tại địa phương.

Vùng biển ven bờ vịnh Quy nhơn tỉnh Bình Định là khu vực có hệ sinh thái rạn san hô và thảm rong tảo, cỏ biển đa dạng với tổng diện tích biển có rạn san hô khoảng 152ha được phân bố ở vùng ven biển 4 xã phường Nhơn Lý, Nhơn Hải, Nhơn Châu và Ghềnh Ráng thuộc TP Quy Nhơn. Đây là nguồn tài nguyên đa dạng sinh học quý giá, đồng thời là giá trị cảnh quan để phát triển du lịch. Những năm gần đây Quy nhơn nổi lên là 1 điểm du lịch hấp dẫn với loại hình du lịch biển tham quan lặn ngắm san hô với lượng khách tham quan rất lớn. 

Một trong những lý do khiến du khách thích thú khi thăm quan tại Quy Nhơn, Bình Định trong những năm gần đây đó là sự xuất hiện thường xuyên của rùa biển và các loài thú biển.

Rùa biển mang thẻ VN1079 lên bãi biển xã Nhơn Hải đẻ ổ trứng thứ 3 vào đêm 11.8. Ảnh: TCCĐ

Theo Chi cục Thủy sản, trong năm 2024, chỉ trong vòng chưa đầy 3 tháng (từ 21/5 – 11/8) đã có 08 lượt rùa biển (thuộc loài Rùa Xanh, Vích (Chelonia mydas) – thuộc Nhóm “đang bị đe dọa” theo phân loại của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế IUCN, Phụ lục I của công ước CITES về cấm buôn bán vận chuyển quốc tế)  lên bãi biển ven bờ ở Quy Nhơn để đẻ trứng. Trong đó tại bãi biển trước khu dân cư trước xã Nhơn Hải có 7 ổ trứng được đẻ bởi 2 rùa mẹ mang thẻ VN1078, VN1079 và ở bãi Nam, xã Nhơn Châu có 1 ổ trứng, với tổng số gần 800 quả trứng.

Ông Nguyễn Ngọc Nam, phó chủ tịch UBND xã Nhơn Hải, trưởng ban đại diện Tổ chức cộng đồng ( TCCĐ) xã Nhơn Hải cho biết vì một số ổ trứng được đẻ gần sát mép biển dễ bị triều cuốn khi sóng lớn nên được TCCD di dời đến nơi an toàn tại khu vực khoanh vùng bãi đẻ rùa biển ở mũi Cồn, xã Nhơn Hải. Có  3 trong 7 ổ trứng đã nở với 169 rùa con /304 trứng chào đời đạt tỉ lệ nở thành công bình quân trên 55%.

Người dân làng chài Nhơn Hải và du khách vui mừng khi tận mắt chứng kiến rùa con chào đời.  Ảnh: TCCĐ

Theo ông Chu Thế Cường, chuyên gia bảo tồn rùa biển IUCN cho biết tại Việt Nam, chỉ có một số bãi biển còn rùa lên đẻ: Đảo Cô Tô ở Quảng Ninh, một số bãi ở đảo trong vịnh Nha Trang, bãi Dài ở Cam Lâm Khánh Hòa, Núi Chúa ở Ninh Thuận, đảo Hải Giang – Hòn Khô Bình Định, đảo Hòn Cau Bình Thuận, Côn Đảo (có nhiều rùa đẻ nhất), Cù Lao Xanh (Bình Định).  Phần lớn các bãi đẻ chủ yếu nằm ở khu vực đảo xa bờ, hoang vắng hoặc trong khu vực bảo vệ chứ không phải là nơi tập trung nhiều dân cư ngoại trừ các bãi dọc bờ biển ở Quảng Trị và bãi biển trước khu dân cư ở làng chài Nhơn Hải.

Du khách thích thú xem cá heo tại khu du lịch Kỳ Co, trưa ngày 22/7. Ảnh cắt từ Video của ca nô Khánh An cung cấp

Không chỉ có rùa biển, thời gian qua các loài thú biển cũng liên tục xuất hiện tại Bình Định. Cụ thể cá voi edeni xuất hiện tại biển Đề Gi liên tiếp trong 2 năm  2022, 2023; cá nhám voi xuất hiện ở biển Nhơn Lý vào tháng 7 năm 2023.

Còn trong năm nay cá voi edeni xuất hiện kiếm ăn tại Hòn Sẹo Nhơn Lý vào tháng 6 và tại vùng biển Mũi Gành xã Hoài Hải, (TX Hoài Nhơn) vào tháng 7. Bên cạnh đó Cá heo cũng xuất hiện bơi gần bờ ở biển Trung Lương, Cát Tiến vào tháng 5 và biển Kỳ Co Nhơn Lý vào tháng 7.

Ông Nguyễn Hữu Đảo, chủ ca nô Khánh An cho biết, khoảng 10h trưa 22/7, trong lúc đưa khách qua thăm quan khu du lịch biển Kỳ Co thì phát hiện một con cá heo dài khoảng 1.6 m, ước nặng  hơn 100 kg xuất hiện tại vùng biển gần bờ khu du lịch Kỳ Co, xã Nhơn Lý, làm du khách bất ngờ, thích thú.Thời điểm cá heo xuất hiện có rất đông du khách đang tắm biển ở khu vực này. 

Bà Hà Thị Thanh Hương, Phó Giám đốc Sở TN&MT Bình Định phấn khởi cho hay  rùa biển, cá heo, cá voi… liên tiếp xuất hiện ở vùng biển Bình Định, đây là tín hiệu tích cực cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học ở địa phương. Vì vùng biển nào có rùa biển, thú biển thì chứng tỏ nơi đó có môi trường và hệ sinh thái khá tốt.

Bà Bùi Thị Thu Hiền, chuyên gia Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế (IUCN) cho biết sắp tới IUCN sẽ phối hợp với Hiệp hội Thủy sản Bình Định nghiên cứu nhanh về đánh bắt không chủ ý (rùa biển, cá mập, cá voi, cá heo…) và tập huấn cứu hộ rùa biển, thú biến cho ngư dân để đảm bảo hiệu quả công tác bảo tồn các loài động vật hoang dã, quý hiếm ở biển được tốt hơn.

Ái Trinh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!