Theo quy định tại Nghị định 67/NĐ-CP, ngư dân vay vốn đóng mới tàu khai thác hải sản xa bờ sẽ kéo dài khoảng 16 năm thì nay chủ tàu có thể nhận hỗ trợ một lần, tương đương với mức hỗ trợ của chính sách tín dụng.
Điều kiện
Ngày 31/10/2016, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định 47/2016/QĐ-TTg quy định thí điểm cơ chế hỗ trợ một lần sau đầu tư cho chủ tàu đóng mới tàu theo quy định tại Nghị định 67 và 89. Theo đó, đối tượng được hỗ trợ sau đầu tư là tổ chức, cá nhân đặt hàng đóng mới và sở hữu tàu khai thác hải sản xa bờ và tàu dịch vụ hầu cần khai thác hải sản xa bờ có tổng công suất máy chính từ 800 CV trở lên.
Để được hưởng chính sách này, chủ tàu phải đáp ứng các điều kiện: Đang hoạt động nghề cá có hiệu quả, có khả năng tài chính và có phương án sản xuất cụ thể, được UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phê duyệt; Là thành viên của tổ đội, hợp tác xã, doanh nghiệp khai thác hải sản; Tàu phải lắp đặt thiết bị thông tin có khả năng định vị kết nối với trạm bờ để quản lý quan sát hành trình.
Cùng đó, nghề khai thác hải sản phải phù hợp với quy định tại Quyết định số 1445/QĐ-TTg ngày 16/8/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản đến năm 2020, tầm nhìn 2030; theo đó, phát triển các nghề vây khơi, câu khơi kết hợp chụp mực, câu cá ngừ đại dương, trừ các nghề lưới kéo, nghề cố định, nghề lưới vó, nghề mành và một số nghề lưới rê ven bờ; Tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ phải có giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá, giấy chứng nhận đăng ký tàu cá; đăng ký thường xuyên hoạt động dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ với cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản tại địa phương nơi đăng ký hoặc cư trú và không được kiêm nghề khai thác thủy sản; Chủ tàu thực hiện ký hợp đồng đóng mới tàu trong thời gian từ 25/11/2015 đến hết ngày 31/12/2016.
Tàu hậu cần hỗ trợ ngư dân khai thác biển xa Ảnh: Thế Duyệt
Nguyên tắc
Nhà nước chỉ hỗ trợ sau đầu tư đối với tàu đóng mới đã hoàn thành là tàu khai thác hải sản xa bờ vỏ thép, vỏ vật liệu mới, vỏ gỗ; tàu dịch vụ hậu cần vỏ thép.
Tàu cá đóng mới phải sử dụng máy thủy mới. Đồng thời, máy móc, trang thiết bị hàng hải; thiết bị phục vụ khai thác; ngư lưới cụ; thiết bị bảo quản hải sản, bảo quản hàng hóa; bốc xếp hàng hóa cũng phải mua mới, bởi các loại máy móc, trang thiết bị đã qua sử dụng sẽ không nhận được hỗ trợ.
Cùng đó, trường hợp có nhiều chính sách hỗ trợ đóng mới tàu thì nếu đã được hưởng chính sách hỗ trợ đóng mới tàu của Nhà nước sẽ không được hỗ trợ sau đầu tư theo quy định tại Quyết định này.
Định mức
Đối với đóng mới tàu dịch vụ hậu cần khai thác xa bờ, trường hợp đóng mới tàu vỏ thép có tổng công suất máy chính từ 800 CV đến dưới 1.000 CV mức hỗ trợ không quá 8 tỷ đồng/tàu; tàu vỏ thép có tổng công suất máy chính từ 1.000 CV trở lên không quá 9,8 tỷ đồng/tàu.
Đối với tàu khai thác hải sản xa bờ, tàu vỏ thép có tổng công suất máy chính từ 800 CV đến dưới 1.000 CV mức hỗ trợ không quá 6,7 tỷ đồng/tàu; tàu có tổng công suất máy chính từ 1.000 CV trở lên không quá 8 tỷ đồng/tàu.
Tàu cá vỏ composite có tổng công suất máy chính từ 800 CV trở lên mức hỗ trợ không quá 6,7 tỷ đồng/tàu. Riêng với tàu cá vỏ gỗ có tổng công suất máy chính từ 800 CV trở lên sẽ được hỗ trợ 15% tổng giá trị và không quá 2 tỷ đồng/tàu.