T2, 06/07/2020 10:01

Săn cá quý sông Gâm

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Sông Gâm chảy qua thị trấn Pác Miều (Bảo Lâm, Cao Bằng), được thiên nhiên ban tặng nhiều loài cá quý. Đó là “ngũ quý hà thủy”, gồm: Cá anh vũ, dầm xanh, lăng, chiên và cá bỗng.

Cân cá bạc triệu

Có dịp lên thị trấn Pác Miều, chúng tôi vào quán ăn cơm, vị chủ quán mời chào: Đã đến Pác Miều mà không thưởng thức các món ăn từ sông Gâm thì chưa đến đây rồi.

Nói xong, chủ quán kéo tôi ra bể, trong có hai con cá chiên. Tôi hỏi giá thì chủ quán bảo 1 triệu/kg, cá mới bắt dưới sông. Ở đây bán 1 triệu là rẻ, còn ăn ở TP Việt Trì, TP Hà Giang, Hà Nội thì vài triệu đồng/kg. Giờ các loài cá này cũng nuôi được rồi, anh ăn ở đó dễ mắc lừa cá sông, cá nuôi đó.


Con cá chiên nặng 10 kg được bắt từ sông Gâm

Nghe xong, tôi mặc cả 800 ngàn đồng/kg thì chủ quán lắc đầu. Ăn cơm xong, tôi hỏi chủ quán về những tay săn cá thì được bà chỉ đường: Cứ đi ra hai bên bờ sông, mùa này người từ mọi nơi đổ về đây đi săn. Họ ăn nằm bên sông cả ngày lẫn đêm nhiều lắm.

Tôi tìm đến chỗ những những lán trại của những tay săn cá cách thị trấn Pác Miều không xa. Ghé vào lán Nông Văn Nam (28 tuổi dân tộc Tày) đang chuẩn bị lưới cho một đêm săn cá. Cạnh đó, ông Nông Văn Uyên (63 tuổi), đồng hành với Nam, loay hoay dưới bếp nấu bữa cơm tối. Đang vá những chỗ lưới rách, Nam cho hay: “Mỗi con cá chiên có giá vài triệu nên khi mắc lưới mình phải xé để tránh cá trầy xước hoặc chết. Bỏ đi một đoạn lưới chẳng đáng là bao nhưng có tiền triệu bỏ túi”.

Hơn 10 năm nay hành nghề săn cá trên sông Gâm, Nam đã thuần thục từng khúc sông, mỏ cá nơi đây. Lịch trình săn các loài cá được Nam nắm chắc trong tay. Vào cuối mùa xuân đầu mùa hè, lúc này thời tiết ấm dần lên thì loài cá chiên từ những hang đá ra đi ăn và sinh sản. Còn đến mùa mưa lũ về bắt đầu từ tháng 7 trở đi thì cá chép. Tháng 10, 11 thì dầm xanh, lăng. Đặc biệt vào mùa đông giá rét thì có cá anh vũ.

Khi những tay lưới được Nam vá xong, trời nhá nhem tối, Nam cùng ông Uyên ăn cơm và bắt đầu một đêm mưu sinh. Ngỏ ý đi săn cá cùng thì Nam phản đối. Sau một hồi thuyết phục, cuối cùng Nam đồng ý cho tôi đi theo đánh cá quý.

Chiếc bè bé tẹo, nó gồm 8 cây nứa khô ghép lại, ba người nặng gần 2 tạ. Nam ngồi một đầu, tôi ngồi giữa cùng đống lưới, còn ông Uyên ngồi sau chèo lái. Bè trôi giữa dòng nước chảy xiết, nước vào bè lên đến quá mắt cá chân. Lúc này Nam bảo tôi: Việc lật bè giữa sông là chuyện thường nhưng anh yên tâm biết bơi sẽ không chết đâu. Bè không bao giờ chìm cứ níu vào nó là được.

Khi đến khúc sông mà người Tày gọi cái tên Pác Luồng (miệng rồng) nơi hợp lại con suối Nà Làng, suối Nam Quang chảy vào dòng sông Gâm. Hai bên núi đá dựng đứng có nhiều hang. Từ đây, Nam bắt đầu thả lưới giữa dòng nước xiết còn ông Uyên chèo lái bè. “Sông Gâm chảy qua huyện Bảo Lâm thì đoạn này có nhiều cá quý nhất. Ở đây có nhiều hang đá, nước sâu, hai anh tôi bắt được rất nhiều cá nhưng “mỏ cá” này vẫn đang còn cá quý”, Nam cho biết.

Sau gần 1 tiếng hồ thì 7 tay lưới được thả xuống, tuy nhiên không chỉ có Nam và ông Uyên thả lưới trên khúc sông mà có nhiều người khác cũng đang hành nghề.

Lưới thả xong trời đã tối mịt, chúng tôi quay lại lán. Nam lôi chai rượu ra cả ba ngồi nhâm nhi. Thấy “tiến độ” chậm, tôi cầm chén rượu mời nhưng Nam và ông Uyên đều từ chối. Nam nói: “Lát nữa chúng tôi phải đi quăng chài nữa. Đêm nào cũng vậy, hai người thức thâu đêm hành nghề, hết thả lưới chuyển qua quăng chài. Uống mấy chén cho ấm bụng, còn say thì làm sao quăng chài được. Lát nữa anh ngủ một mình, tầm 4 giờ sáng chúng tôi về gọi đi lấy lưới nhé”.

 

Săn kiểu hủy diệt

Theo lời Nam, tôi ở lại trong lán. Nam và ông Uyên lại ra sông bắt đầu một đêm quăng chài. Tuy nhiên đến 1 giờ sáng thì họ lại mò về lán. Thấy vậy, tôi lên tiếng: Trúng mánh hay sao mà về sớm vậy? Nam nhăn nhó: Đêm nay trời lạnh quá nên cá không ra đi ăn. Có được mấy con cá nhỏ anh em mình nướng uống rượu tiếp thôi.

Tuổi đời đang còn trẻ so với những “rái cá” trong vùng, tuy nhiên nói về việc đánh bắt được nhiều cá quý thì Nam xếp hạng nhất nhì trong vùng. Ngồi trong đêm, hết chén rượu này đến chén khác Nam kể về đời theo đuôi con cá quý. “Vào mùa này anh em chúng tôi về đây, còn mùa khác thì tung hoành khắp nơi. Trên sông Gâm chảy qua Bảo Lâm khúc sông nào cũng in hằn dấu chân ở đó”, Nam tâm sự.

Nam kể: Như năm trước đúng vào thời điểm này mình cũng có vài chục triệu bỏ túi nhưng năm nay chưa được bao nhiêu. Tôi hỏi sao vậy? Nam chua chát: “Giờ người săn cá thì nhiều, có phải riêng người Bảo Lâm mà người nơi khác kéo về. Họ thành phường, thành đội ngày đêm bám lấy sông bắt cá. Đặc biệt dân từ Hà Giang, Việt Trì (Phú Thọ) lên đây, họ trang bị lưới và phương tiện hiện đại lắm. Lưới được giăng kín dòng sông, sau đó dùng kích điện dí. Cá to, cá nhỏ đều bị hốt hết”.


Trắng tay là chuyện thường ngày đối với thợ săn như Nam

Nhớ lại thời gian trước, khi cá chiên 1 kg bán được 100 ngàn đồng, có những hôm Nam và ông Uyên bắt được cả tạ. “Nếu như ngày trước cá bán đắt như bây giờ anh em tôi, mỗi ngày có vài chục triệu bỏ túi. Giờ cá đắt nhưng đã khan hiếm rồi, từ đầu mùa đến giờ mới tóm mấy con chiên bán được hơn chục triệu. Ở đây chưa có mặt hàng nào dễ bán như cá, có bao nhiêu thương lái thu gom hết”, Nam chia sẻ.

Trời tờ mờ sáng, tôi tiếp tục theo Nam và ông Uyên lên bè đi lấy lưới. Hết tay này, đến tay lưới khác nhưng chẳng được con nào. Nam thở dài: “Hôm nay trời lạnh nên cá ở trong hang không ra. Hiện giá bán cá anh vũ thương lái mua với giá 1,6 triệu đồng/kg, dầm xanh 1,2 triệu đồng/kg, cá lăng 1 triệu đồng/kg, nheo 150 ngàn/kg. Có những đêm chúng tôi bắt được vài yến, anh em chia ra mỗi người bỏ túi vài ba triệu bạc, tuy nhiên cảnh trắng tay là chuyện thường”.

>> Đã hơn 40 hành nghề săn cá, ông Uyên nói về nghề: “Bắt được con cá bán lấy tiền triệu nhưng cái chết luôn rình rập. Trên khúc sông này có mấy “rái cá” đã bỏ mạng. Người chết vì lật bè, người mắc kẹt trong hang đá, có người tàn tật suốt đời. Đến với cái nghiệp này mạng sống dễ mất như chơi”.

Sông La

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!