(TSVN) – Trong Báo cáo Nghề cá và nuôi trồng thủy sản thế giới mới công bố, FAO dự báo, sản lượng nuôi trồng thủy sản sẽ lần đầu tiên vượt 100 triệu tấn vào năm 2027 và sẽ tăng lên 106 triệu tấn vào năm 2030, tăng 22% (tương đương tăng gần 19 triệu tấn) so với năm 2020.
Sản lượng đánh bắt thủy sản được dự kiến sẽ phục hồi vào năm 2030, đạt khoảng 96 triệu tấn, tăng 6% (tương đương hơn 5 triệu tấn) so với năm 2020. Theo đó, tổng sản lượng đánh bắt và nuôi trồng thủy sản toàn cầu sẽ đạt 202 triệu tấn vào năm 2030, tăng 14% (tương đương 24 triệu tấn) so với số liệu năm 2020.
Sản lượng nuôi trồng thủy sản sẽ tăng lên 106 triệu tấn vào năm 2030. Ảnh: Sfa.gov.sg
Năm 2030, Trung Quốc dự kiến vẫn sẽ là nhà sản xuất thủy sản hàng đầu thế giới, với ngành nuôi trồng thủy sản tăng 21,1% trong giai đoạn 2020 – 2030 lên 60,1 triệu tấn. Tuy nhiên, mức tăng trưởng giảm gần một nửa so với mức tăng 40% trong thập kỷ trước. Trung Quốc chiếm 57% sản lượng nuôi trồng thủy sản toàn cầu trong năm 2020 và được dự báo giảm nhẹ xuống còn 56% vào năm 2030. Trong khi đó, sản lượng nuôi trồng thủy sản của châu Mỹ tăng 29% lên 5,6 triệu tấn, châu Phi tăng 23% lên 2,76 triệu tấn và châu Á tăng 22% lên 94,1 triệu tấn. Sản lượng nuôi trồng thủy sản của châu Á sẽ tiếp tục chiếm 88% trong tổng sản lượng toàn cầu năm 2030. Sản lượng nuôi trồng thủy sản ở châu Âu và châu Đại Dương cũng được dự báo tăng lần lượt 13,5% và 15,7%, lên 3,7 triệu tấn và 264.000 tấn vào năm 2030.
Cũng theo FAO, thương mại thủy sản toàn cầu cho đến năm 2030 sẽ tăng trưởng chậm lại. Trung Quốc sẽ tiếp tục là nhà xuất khẩu thủy sản lớn, tiếp theo là Việt Nam và Na Uy. Phần lớn tăng trưởng xuất khẩu thủy sản sẽ diễn ra ở châu Á, đóng góp 52% trong tổng kim ngạch xuất khẩu vào năm 2030.
Nam Hồng