Sản lượng thủy sản nuôi trồng toàn cầu tăng 180% trong chưa đầy 20 năm

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Sản lượng nuôi trồng thủy sản trên toàn cầu đã có tốc độ tăng trưởng đáng kể gần 180% chỉ trong vòng chưa đầy 20 năm, tăng từ 43 triệu tấn lên 120,1 triệu tấn từ năm 2000 đến 2019, theo một nghiên cứu đánh giá gần đây đăng trên tờ Journal of World Aquaculture Society.

Sản lượng tăng chóng mặt

Năm 2019 đã chứng kiến một cột mốc quan trọng trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản với sản lượng động vật nuôi đạt con số ấn tượng 85,4 triệu tấn, trong đó thủy sản chiếm 34,7 triệu tấn.

Trong khi châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, tiếp tục thống trị với thị phần ấn tượng 92% trong sản lượng nuôi trồng thủy sản toàn cầu, thì 8% còn lại có nguồn gốc từ châu Mỹ, châu Âu, châu Phi và châu Đại Dương cho thấy tiềm năng tăng trưởng và đa dạng hóa đáng kể chưa được khai thác ở các khu vực này.

Sản lượng cá có vây toàn cầu thông qua nuôi trồng thủy sản đã tăng từ 20,8 triệu tấn năm 2000 lên 56,3 triệu tấn vào năm 2019, tăng 170%. Trong số này, 86% được sản xuất trong đất liền, và 14% là từ nuôi trồng thủy sản biển, chủ yếu được nuôi ở châu Mỹ, châu Âu và châu Đại Dương.

Trung Quốc tiếp tục thống trị với thị phần ấn tượng 92% trong sản lượng nuôi trồng thủy sản toàn cầu. Ảnh: Alamy

Cá chép, loài cá được nuôi phổ biến nhất (60%) trên toàn cầu vào năm 2000, đã giảm dần xuống còn 46% vào năm 2019. Ngược lại, cá rô phi và cá da trơn lại có sự tăng trưởng nhẹ trong giai đoạn này, lần lượt tăng 5% và 6%. Ngoài ra, cá hồi Đại Tây Dương cũng cho thấy mức tăng khiêm tốn, chiếm 5% sản lượng cá có vây toàn cầu trong năm 2019.

Tuy nhiên, sự phát triển đáng chú ý nhất trong giai đoạn này là sản lượng giáp xác, với mức tăng đáng kinh ngạc từ 1,7 triệu tấn lên 10,5 triệu tấn, tốc độ tăng trưởng 520%. Giáp xác chiếm 12% sản lượng thủy sản nuôi. Riêng tôm thẻ chân trắng, với sản lượng 5,4 triệu tấn, chiếm hơn một nửa sản lượng giáp xác toàn cầu trong hoạt động nuôi trồng thủy sản. Ngoài ra, 3 loài giáp xác phổ biến khác là tôm càng đỏ, cua da và tôm sú.

Vai trò của RAS

Vai trò của các hệ thống nuôi trồng thủy sản tuần hoàn (RAS) đã được mở rộng từ năm 2000 đến năm 2019, với việc tăng cường áp dụng, đa dạng hóa các loài được sản xuất và bảo vệ lợi ích môi trường. Do đó, RAS đã trở thành một thành phần thiết yếu của nuôi trồng thủy sản hiện đại, cung cấp các hệ thống sản xuất bền vững và có kiểm soát cho các loài thủy sản khác nhau.

Tuy nhiên, RAS còn nhiều thách thức và hạn chế như việc xây dựng và vận hành tốn kém, đòi hỏi đầu tư đáng kể lực lượng lao động lành nghề để quản lý thành công. Ngoài ra, RAS có lượng khí thải carbon cao xét về nhu cầu thức ăn hỗn hợp và năng lượng tại chỗ, đặc biệt nếu có nguồn gốc từ nhiên liệu hóa thạch. RAS nước mặn phải đối mặt với việc thay thế, bổ sung do thiết bị bị ăn mòn.

Cho đến nay, các nhà sản xuất sử dụng hệ thống RAS cho quy mô thị trường vẫn còn hạn chế về lợi nhuận nhưng những nỗ lực mở rộng quy mô sản xuất để đạt được hiệu quả kinh tế và giảm chi phí vẫn đang được các nhà sản xuất tích cực theo đuổi.

Nghiên cứu này cũng lưu ý rằng khi ngành nuôi trồng thủy sản tiếp tục mở rộng, cần phải chú ý đến các ưu tiên chính như tính bền vững, đa dạng hóa sản xuất, trao quyền cho các hệ thống thực phẩm địa phương, thích ứng với biến đổi khí hậu và thúc đẩy hợp tác để mở đường cho nguồn cung cấp thực phẩm đa dạng và linh hoạt. Trong đó bao gồm: Phát triển các hệ thống nuôi trồng thủy sản nằm trong các hệ thống thực phẩm địa phương, giảm thiểu thất thoát chất dinh dưỡng, tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên và áp dụng các biện pháp canh tác tuần hoàn.

Ngoài ra, ngày càng có nhiều nhu cầu giải quyết các thách thức do biến đổi khí hậu gây ra và thúc đẩy sự hợp tác giữa các bên liên quan để khai thác toàn bộ tiềm năng của nuôi trồng thủy sản.

Hải Phong

Theo WAS

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!