(TSVN) – Tại Hội nghị Nâng cao hiệu quả của tổ chức quản lý cảng cá diễn ra mới đây, Phó Cục trưởng Cục Thủy sản và Kiểm ngư Vũ Duyên Hải cho biết “Sẽ tạo điều kiện tối đa để cảng cá hoạt động hiệu quả, đóng góp quan trọng trong phát triển ngành khai thác thủy sản và chống khai thác bất hợp pháp, tháo gỡ “Thẻ vàng” EC”. Hội nghị do Cục Thủy sản và Kiểm ngư phối hợp với Hội Thủy sản Việt Nam tổ chức.
Báo cáo tại Hội nghị, ông Phạm Ngọc Tuấn, Trưởng phòng Khai thác thủy sản (Cục Thủy sản và Kiểm ngư) cho biết: Tính đến ngày 18/4/2025, cả nước có 82.333 tàu cá. Trong đó, tàu có chiều dài từ 6 – 12m là 39.330 chiếc; từ 12 – 15m là 14.404 chiếc; từ 15 – 24m là 26.095 chiếc; trên 24m 2.453 chiếc. Cùng đó, nước ta có diện tích ngư trường rất lớn, với trên 1 triệu km2 gồm vùng bờ, vùng lộng, vùng khơi. Tổng sản lượng khai thác hải sản trung bình 3,6 triệu tấn.
Về hiện trạng hạ tầng cảng cá, theo ông Phạm Ngọc Tuấn, tổng số cảng cá được quy hoạch đến năm 2030 là 173 cảng, gồm 39 cảng loại I, 80 cảng loại II và 54 cảng cá loại III. Sản lượng qua cảng là 2,98 triệu tấn/năm. Trong đó, tổng số cảng cá được đầu tư xây dựng là 84 cảng; sản lượng qua cảng là 2,333 tấn.
Đến nay, cả nước có 76 cảng cá được công bố, bao gồm 3 cảng loại I; 56 cảng loại II; 17 cảng loại 3. Theo quy hoạch, tổng sản lượng thủy sản qua cảng là 1.858 triệu tấn/năm, tuy nhiên, trong thực tế, sản lượng qua cảng năm 2024 chỉ đạt 462.000 tấn. \
Toàn cảnh Hội nghị Nâng cao hiệu quả của tổ chức quản lý cảng cá diễn ra chiều 25/4 tại Hà Nội. Ảnh: TH
Cũng theo ông Phạm Ngọc Tuấn, thuận lợi của hệ thống cảng cá nước ta là có bờ biển dài, nhiều cửa sông, ngư trường hoạt động rộng, đội tàu cá lớn. Hơn nữa, hệ thống cảng cá của nước ta hiện rất được quan tâm quy hoạch và đầu tư xây dựng.
Tuy nhiên, tình hình cảng cá ở nước ta hiện gặp nhiều khó khăn vì sản lượng qua cảng thấp, thiếu nguồn lực đầu tư tự phát, manh mún. Trong khi đó, ý thức chấp hành của chủ tàu chưa cao, công tác quản lý vẫn bị buông lỏng và việc xử lý vi phạm chưa nhiều.
Về vấn đề truy xuất nguồn gốc tại cảng cá, theo ông Nguyễn Văn Hưng, Phòng Khai thác thủy sản (Cục Thủy sản và Kiểm ngư), nhật ký điện tử và truy xuất nguồn gốc (eCDT), hiện nay đã thiết lập hệ thống 82.315 tàu cá, 86 cảng cá, 28 Chi cục Thủy sản, 172 Đồn Biên phòng, 259 doanh nghiệp. Tính đến ngày 24/4/2025, đã cập nhật được 135.925 lượt tàu xuất cảng, 117.422 lượt tàu cập cảng, sản lượng cập cảng 476.775 tấn. Số giấy BN 12.218 giấy; Số giấy SC là 1.298; Số giấy CC đã cấp là 268. Tổng số tàu là 22.626 chiếc.
Kết quả đạt được này là do ngư dân, cán bộ cảng, cơ quan quản lý, doanh nghiệp nhận thức được ý nghĩa, mục tiêu tầm quan trọng của eCDT, việc truy xuất được thực hiện đủ các bước, nhiều tính năng mới được bổ sung…
Tuy nhiên, việc triển khai eCDT vẫn có một số hạn chế nhất định, chẳng hạn như thể thức, giao diện chưa khoa học gây khó khăn cho người dùng. Một số tính năng còn thiếu (như báo cáo, nhật ký điện tử) hệ thống treo, cập nhật thông tin chậm. Cùng đó, một số nơi, một số cán bộ cứng nhắc, nguyên tắc, không dám áp dụng dẫn đến hiệu quả chưa cao…
Riêng về việc cấp Giấy SC trong 3 năm qua, một nghịch lý là số giấy cấp vẫn tăng nhẹ nhưng khối lượng lại giảm. Cụ thể, năm 2022, tổng số giấy SC được cấp là 2.592 giấy, khối lượng 76.605 tấn, nhưng đến năm 2023, tổng số giấy SC được cấp là 2.801 giấy nhưng khối lượng giảm còn 65.821 tấn. Năm 2024, tổng số giấy được cấp là 2.880, nhưng khối lượng chỉ còn 48.856 tấn. 4 tháng đầu năm 2025, tổng số giấy cấp là 497, nhưng khối lượng chỉ là 7.742 tấn.
Đồng thời vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế như nhiều tỉnh còn thiếu cảng hay cảng nhỏ. Thiết bị và đường truyền tại cảng thiếu và yếu, nguồn nhân lực chất lượng còn thiếu… Chưa kể, một số nơi còn cứng nhắc, máy móc gây khó khăn cho ngư dân, doanh nghiệp, trong đó có việc yêu cầu thêm thành phần hồ sơ ngoài quy định, quy trình thực hiện cấp SC, GBN chưa rõ ràng, ý thức tuân thủ của ngư dân hạn chế, nhất là về ghi chép nhật ký, tắt thiết bị…
Ông Phan Huy Hoàng, Chủ tịch Hội Nghề cá Quảng Ngãi chia sẻ: Mục tiêu quản lý cảng cá là quản lý tàu cá, sản lượng đánh bắt được, nhưng trong thống kê cho thấy cả nước mới đầu tư hơn 86 cảng, không đáp ứng được nhu cầu số lượng tàu cá hiện nay, nên trong thực tế mới chỉ quản lý được hơn 20% sản lượng thủy sản khai thác. “Trong khi đó, phải quản lý được tất cả các cảng cá, bến cá, kể cả của tư nhân thì mới kiểm soát được toàn bộ tàu cá xuất nhập bến”, ông Hoàng nhấn mạnh.
Ông Hoàng đề xuất, Cục Thủy sản và Kiểm ngư cần tham mưu cho Bộ, nhà nước tăng cường quản lý toàn bộ cảng cá, bắt buộc đăng ký quy mô, hệ thống thông tin, công nghệ. Toàn bộ các loại cảng, bến cá tư nhân cũng cùng phải được tập huấn… như vậy mới quản lý được.
Còn đại diện Ban Quản lý cảng cá tư nhân tại Bà Rịa – Vũng Tàu mong muốn được cho phép chỉnh sửa khoảng thời gian từ lúc cập cảng đến lúc xác nhận sản lượng qua cảng. Bởi theo hiện nay trong thực tế có thời điểm tàu cá vào cảng nhiều, mặc dù làm thủ tục đã xong nhưng chưa kịp thời bấm số lượng, mà để chậm sau đó thì lại không khớp với dữ liệu.
Ông Nguyễn Hữu Dũng, Tổng Thư ký Hội Thủy sản Việt Nam, chia sẻ: Để thuận lợi cho quản lý và dễ dàng cho ngư dân, từ kinh nghiệm cá nhân tôi cho thấy phần mềm đưa vào sử dụng phải thật đơn giản với ngư dân, thao tác nhập dữ liệu dễ dàng họ sẽ làm. Đồng thời mong muốn cơ quan nhà nước có cơ chế để các hội nghề nghiệp tham gia sâu hơn nữa bởi thực tế vai trò của hội tại các địa phương rất quan trọng, đặc biệt là đưa vai trò các Tỉnh hội gắn với vai trò hoạt động của cảng cá.
Kết luận Hội nghị, Phó Cục trưởng Vũ Duyên Hải nhấn mạnh: Cục Thủy sản và Kiểm ngư ghi nhận những đóng góp của đại biểu, trước mắt đề xuất xây dựng định mức quản lý, khai thác, để lãnh đạo Bộ điều phối giữa 2 đơn vị là Cục Quản lý khoáng sản với Cục Thủy sản và Kiểm ngư. Cùng đó, phát triển phần mềm ứng dụng để giảm sức lao động, đồng thời hợp tác chặt chẽ với Hội thủy sản địa phương, các cảng để ngư dân được hưởng dịch vụ tốt nhất, hạn chế các vi phạm.
Phan Thảo