T2, 06/07/2020 10:20

Săn “ông hoàng của biển cả”: Kiếm cơm trong giông bão

Chưa có đánh giá về bài viết

Mãi đến nay, niềm ao ước được theo ngư dân một chuyến đánh bắt tôm hùm giống của tôi mới được toại nguyện. Sau thời gian dài neo ghe để dự lễ hội Cầu ngư và nghỉ qua con trăng, sáng 1/4, ngư dân Lê Công Chỉnh, chủ ghe BĐ 10665 TS ở thôn Hải Nam, xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn, Bình Định) gọi điện cho tôi: “Chiều nay ghe tui đi đánh tôm hùm, anh có tham gia thì vác ba lô xuống đi”.

Kiếm cơm trong giông bão

So với hầu hết các nghề đánh bắt hải sản trên biển, có lẽ nghề đánh bắt tôm hùm giống là nghề đặc biệt nhất. Bởi lẽ, nếu như các nghề khác chỉ đánh bắt hiệu quả khi trời yên, biển lặng thì đằng này, quãng thời gian trời bão gió, biển động mới là vụ đánh bắt chính của nghề săn tôm hùm giống.


300.000 đ/con tôm giống

16 giờ chiều, tôi ngồi nhâm nhi ly cà phê tại bãi biển xã Nhơn Hải đợi ghe xuất bến. Đúng 17 giờ, chủ ghe Lê Công Chỉnh cùng 2 ngư dân vác dằm ra bến. Không như các nghề đánh bắt xa bờ khác, mỗi chuyến biển phải cần hàng vài chục thuyền viên, nghề làm mành trũ săn tôm hùm giống chỉ cần 3 người là đủ. Thậm chí trong chuyến “đánh” tôm hùm giống này, trong 3 thuyền viên (cả chủ ghe) có một ngư dân “nhí” là Hà Văn Vũ, mới chỉ 17 tuổi.

Ngư dân “nhí” góp tay kéo neo cho ghe ra biển

Muốn ra chỗ ghe neo đậu, chúng tôi phải xuống thúng. Vừa lắc thúng, chủ ghe Lê Công Chỉnh vừa giải thích thắc mắc của tôi vì sao tôm hùm giống chỉ xuất hiện lúc biển động: Theo ông bà xưa ở làng chài Nhơn Hải, khi biển sôi sục sóng gió, đáy biển bị xáo trộn, khi ấy lòng biển tung ra nhiều loại thức ăn khoái khẩu của lũ tôm hùm. Những loại thức ăn này đầy rẫy trong các tầng nước nên lũ tôm hùm thích lang thang tìm mồi. Do đó, mùa biển động là thời vụ chính của nghề đánh bắt tôm hùm giống. Đó là quãng thời gian từ tháng 10 âm lịch năm trước sang đến tháng 2 âm lịch năm sau. Bây giờ đang thời điểm cuối mùa, tôm cũng còn xuất hiện nhưng rất ít. Nếu may mắn 1 mẻ lưới kiếm được 10 con thì cũng kiếm được 3 triệu đồng”.

Vừa bước lên ghe, ngư dân Hà Văn Chiêm (42 tuổi), cha của ngư dân “nhí” Hà Văn Vũ, hỏi tôi: “Ông có bị say sóng không?”. Tôi khoe: “Tôi đã từng theo ngư dân làm nghề lưới vây rút chỉ lênh đênh trên biển Đông suốt gần tháng trời mà chẳng biết say sóng là gì”. Vừa nhổ neo, thuyền viên Chiêm vừa lắc đầu, vừa cười: “Chưa chắc. Tàu to thì sóng nhỏ. Ghe nhỏ thì sóng to. Coi chừng nó lắc một chặp là lộn ruột lên đầu đó”. Không biết có phải do lời khuyến cáo của anh Chiêm tác động hay không, mà dù ghe chưa chạy, tôi đã thấy nôn nao trong bụng. Quả thật, chiếc ghe bé tí tẹo, chỉ 30CV, trong khi đó chiếc tàu cá của lão ngư Nguyễn Văn Ái đưa tôi đi biển Đông to đến 900CV. Do chiếc ghe quá nhỏ nên mặc dù đang neo gần bờ, biển ít sóng nhưng vẫn nhồi dữ dội.

Sau khi nhổ hết 3 chiếc neo, chiếc ghe bắt đầu hướng ra biển. “Vào mùa đánh bắt chính, tụi tui đi lựa luôn, mỗi chuyến kéo dài cả 20 ngày. Cứ đi cách bờ 1 – 2 hải lý, đánh dần vào tới Phú Yên, Khánh Hòa. Đánh đến đâu, ghé bờ bán tôm và mua lương thực ở đó. Giờ tôm đang rất hiếm, đi càng dài ngày càng lỗ tổn to, xăng dầu lại tăng vùn vụt nên chỉ dám đánh gần, nếu biển không cho tôm thì tối đi sáng về đỡ lỗ tổn”, chủ ghe Lê Công Chỉnh tâm sự.

Ngư dân Chiêm câu mực cải thiện chờ tôm đóng lưới


Đêm ngóng tôm

Chỉ sau khoảng nửa giờ, ghe chúng tôi đã ra đến Mũi Chính, bên này là Hòn Khô, bên kia là Hòn Yến. Sau khi nhìn con nước, chủ ghe chọn đây làm điểm thả mành. Ngư dân Hà Văn Chiêm cho biết: “Bây giờ trời đang trở gió bấc, con nước sẽ đi lên (đi ra theo hướng bắc), ghe mình đứng đây, thả mành đón chúng theo hướng đi con nước thì may ra mới có tôm mang về”.

Tấm lưới có chiều dài 37 sải (1,7 m/sải), chiều sâu hơn 10 sải (đụng đáy biển) cùng với những khoan chì nặng trịch được 3 ngư dân hùng hục kéo, lần lượt thả xuống biển. Không kể 2 ngư dân lão luyện Chỉnh và Chiêm đã có hơn 10 năm trong nghề, nhìn ngư dân nhí Hà Văn Vũ tác nghiệp, tôi thật sự không hiểu sức mạnh chứa ở đâu trong cái cơ thể ốm teo kia mà Vũ lại có thể làm được công việc nặng nhọc đến nhường này.

Sau khi tấm lưới dược thả trọn vẹn xuống biển, 2 ngư dân Chỉnh và Chiêm nhìn mặt biển, định vị lại một lần nữa rồi mới dùng thuyền thúng chở những chiếc neo sắt nặng đến 60 – 70 kg/chiếc lần lượt thả xuống biển 3 nơi khác nhau để dằn tấm lưới nằm đúng vị trí theo hình tam giác. Quá nửa giờ, công việc thả lưới mành mới hoàn tất. Lau 2 bàn tay bị thấm nước sũng nhão vào chiếc áo cũng đã ướt nhèm, ngư dân Chiêm mồi điếu thuốc, rít lấy rít để. Vừa nhả hơi thuốc đầu tiên, Chiêm vừa nối tiếp câu chuyện khi nãy: “Con nước đi lên theo gió bấc có nghĩa là đi từ trong ra. Mành trũ mình phải bủa thành hình tam giác, theo hướng “đáy tam giác” nằm ở phía trong để đón lũ tôm, “đỉnh tam giác” nằm phía ngoài để hứng tôm. Nhiệm vụ giữ cho chiếc mành nằm đúng vị trí tam giác như thế thuộc về 3 chiếc neo và các dây neo có tên gọi là dây neo lui, dây neo tới và dây neo đãy. Khi rút mành để thu hoạch, mình chỉ cần cho tời kéo lần lượt 3 dây neo nói trên là xong”.

Hoàn tất việc thả mành, 6 bóng đèn cao áp mắc dọc 2 bên mạn ghe được thắp sáng. Cùng thời điểm này, tất cả các ghe làm mành trũ săn tôm hùm giống trong vùng đều lên đèn khiến vùng biển Mũi Chính trông như thành phố trên biển về đêm. “Ánh sáng rực rỡ của 6 bóng đèn cao áp sẽ dẫn dụ lũ tôm đi lang thang trong vùng biển này tập trung đến đây”, ngư dân Chiêm giải thích.

Tôm hùm giống

Trong quãng thời gian đợi tôm đi lang thang mắc vào lưới, 2 ngư dân Chỉnh và Chiêm không ngả lưng nghỉ ngơi mà bắt tay vào ngay việc câu mực để cải thiện. “Ít nhiều gì anh em mình cũng có mực tươi độn với mì tôm bổ sung thêm năng lượng để gần sáng có sức mà cảo mành”, chủ ghe Lê Công Chỉnh nói vui.

Mặc dù là vùng biển gần bờ nhưng cũng lắm con mực chịu khó đi “ăn đêm”. Lũ mực quả là loài “háo sắc”, do vậy những miếng mồi giả bằng nhựa ngũ sắc óng ánh dưới ánh đèn cao áp liên tục bị chúng tợp. Mà khi đã tợp là chúng không thể thoát khỏi lưỡi câu rường (có nhiều móc). Nhờ đó, chỉ loáng chốc, trên sàn ghe đã có đến hơn 10 con mực lá to bằng nửa cổ tay người lớn nằm… thở. Ngư dân Chiêm cho biết: “Khoảng 15 con như thế này là cân được 1 kg. Loại mực này cách đây 1 tháng có giá 110.000 – 120.000 đ/kg, giờ giá hạ chỉ còn 70.000 – 80.000 đ/kg. Trong quãng thời gian chờ cảo mành, tụi tui có thể câu được 2 – 3 kg, kiếm thêm mỗi đêm vài ba trăm ngàn là chuyện bình thường”.

>> 11 giờ đêm mới cảo mành, tôi ngả lưng trên nóc ca bin nhắm mắt mơ màng. Tiếng sóng vỗ, tiếng pô ghe nổ giòn giòn, tiếng gió rít trong biển trời mênh mông; chừng ấy giai điệu làm nên bản hòa tấu đưa tôi vào giấc ngủ không còn gì thanh bình hơn. Dưới boong, các ngư dân vẫn thức cùng những bóng đèn cao áp, vừa câu mực cải thiện, vừa mơ đến mẻ lưới đầy tôm hùm giống…

Vũ Đình Thung

Báo Nông nghiệp Việt Nam

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!