(TSVN) – Ngày 13/10, tại TP Hòa Bình, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp Phát triển nuôi thủy sản lòng hồ đạt hiệu quả cao và bền vững hướng tới sản phẩm OCOP tại các tỉnh miền núi phía Bắc. Tham dự có ông Kim Văn Tiêu, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia; ông Vương Đắc Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hòa Bình, cùng các đại biểu Trung tâm khuyến nông, nông ngư dân các tỉnh.
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Kim Văn Tiêu, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, nhấn mạnh, như một chuyên gia từng nói chúng ta đã để hồ chứa “ngủ quên” lâu quá rồi, đến lúc đánh thức tiềm năng này. Từ năm 2011 đến nay, Trung tâm đã có các dự án phát triển nuôi cá lồng miền núi nhưng ở các cấp độ khác nhau, thay thế lồng gỗ, tre bằng lồng sắt, hướng đến phát triển nuôi cá lồng an toàn thực phẩm, cho sản phẩm OCOP.
Ban Cố vấn tại Diễn đàn
Trong quá trình nuôi, sử dụng chế phẩm sinh học, tiến bộ kỹ thuật, xử lý môi trường nước, cá nhanh lớn, sản phẩm an toàn… Hiện, người tiêu dùng thông minh khi mua sản phẩm phải an toàn, truy xuất được nguồn gốc, sản phẩm OCOP thể hiện được điều đó. Để sản xuất được sản phẩm OCOP, chúng tôi phải vận động, thuyết phục, hỗ trợ người dân để sản phẩm được sản xuất ra có giấy chứng nhận an toàn, bảo vệ môi trường, truy xuất nguồn gốc. Để khắc phục bài toán “Chặt chặt – trồng trồng”, các dự án khuyến nông đều hướng đến liên kết với doanh nghiệp, việc liên kết giúp đảm bảo người nuôi được hỗ trợ trong quá trình sản xuất, đảm bảo đầu ra ổn định, bền vững. Thời gian tới, Trung tâm đẩy mạnh việc tổ chức những diễn đàn, tọa đàm để vận động người nuôi học tập làm theo.
Mô hình phát triển nuôi cá lồng quy mô lớn
Ông Vương Đắc Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hòa Bình, cho biết: Hòa Bình có nhiều tiềm năng lớn phát triển nuôi cá lồng quy mô lớn các các loài chủ lực như: Lăng, chiên, tầm, trắm đen, bỗng, rô phi, diêu hồng… hướng đến thị trường xuất khẩu. Đến nay đã có 4,7 nghìn lồng, tương đương 329 nghìn m3 lồng, bè nuôi, sản lượng trên 4 nghìn tấn, tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho trên 2.000 lao động. Đưa sản lượng thủy sản toàn tỉnh đạt trên 11 nghìn tấn, giá trị sản xuất ngành thủy sản từ 2,4% năm 2015 đến nay đạt trên 6,2%/năm trong cơ cấu ngành nông, lâm thủy sản. Hiện có 20 cơ sở nuôi lồng bè, có quy mô trên 20 lồng/cơ sở, 4 cơ sở nuôi trên 100 lồng, một số doanh nghiệp đã ký kết liên kết với các hộ dân nuôi cá lồng theo tiêu chuẩn VietGAP; liên kết sản xuất, tiêu thụ cá sông Đà tại Hà Nội và các tỉnh phía bắc, tương ứng khoảng 800 lồng nuôi. Điển hình như Tập đoàn Marvin, Công ty TNHH Xây dụng Dịch vụ Cường Thịnh, Công ty TNHH Hải Đăng… Nhãn hiệu Cá, Tôm sông Đà Hòa Bình đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận là điều kiện phát triển sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm và hướng đến thị trường xuất khẩu.
Đại biểu Diễn đàn đi tham quan mô hình
“Để phát triển nuôi cá lồng trong giai đoạn tới, chúng tôi tập trung vào đẩy mạnh liên kết sản xuất giữa các hộ nuôi lồng, bè hình thành các hợp tác xã nghề cá liên kết với doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ trong và ngoài tỉnh hướng sản phẩm ra thị trường khu vực và thế giới; mở rộng quy mô nuôi lồng, bè nuôi trên các thủy vực; lựa chọn và phát triển đối tượng nuôi chủ lực theo đề án tái cơ cấu lĩnh vực thủy sản hướng đến nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Hiện đã có 2 sản phẩm cá phi lê là cá lăng và cá rô phi đã đạt tiêu chuẩn chứng nhận sản phẩm OCOP; trong thời gian tới phấn đấu có 4 – 6 sản phẩm cá nuôi lồng, bè đạt OCOP” – ông Vương Đắc Hùng chia sẻ.
ThS Nguyễn Thị Hà trực tiếp mổ khám bệnh phẩm cá và đưa ra khuyến cáo bệnh
Tại Diễn đàn, Ban Cố vấn đã trả lời những câu hỏi liên quan đến kỹ thuật, chăm sóc, phòng và trị bệnh trên cá nuôi lồng. Với các mẫu cá bệnh phẩm ngư dân mang đến, ThS Nguyễn Thị Hà – Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 1 đã trực tiếp mổ, phát hiện bệnh và đưa ra những khuyến cáo cụ thể với từng trường hợp.
Cũng nhân dịp này, chiều ngày 12/10, đoàn đại biểu được tham quan mô hình nuôi cá lồng tại lòng hồ sông Đà, xã Hòa Bình, TP Hòa Bình.