T6, 31/03/2023 10:27

Sản phẩm OCOP: “Đại sứ truyền thông” đắc lực

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Chương trình OCOP đã trở thành phong trào sâu rộng trên địa bàn nhiều tỉnh, thành trong cả nước; có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều cách làm hiệu quả, sáng tạo, mô hình hay góp phần đưa sản phẩm hàng hóa nông nghiệp dồi dào về số lượng, thể loại, chất lượng và giá trị. Đồng thời, thu nhập người dân từ đó ngày càng được nâng cao, góp phần đưa diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc.

Hiện, trên địa bàn TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh có 14 sản phẩm mới tham gia thi, đánh giá sản phẩm đạt chuẩn OCOP, nâng số sản phẩm đạt chuẩn trên địa bàn lên 42 sản phẩm. Trong đó có 3 sản phẩm 5 sao, 8 sản phẩm 4 sao, 31 sản phẩm 3 sao và 23 sản phẩm đang tham gia chu trình OCOP chưa dự thi đánh giá, phân hạng. 100% sản phẩm OCOP và sản phẩm tham gia chu trình OCOP trên địa bàn đã thực hiện giao dịch trên sàn thương mại điện tử Voso.vn và Postmart.vn. Các sản phẩm của OCOP Hạ Long nổi tiếng được nhiều người tin dùng, như: Chả mực Hiền Nhung, ruốc tôm Hiền Nhung, ruốc tôm Tuyết Lan…

Năm 2023, thành phố duy trì, nâng cấp các sản phẩm OCOP hiện có và phát triển thêm 5 sản phẩm mới tham gia chu trình OCOP, trong đó có ít nhất từ 3 sản phẩm đạt sao; phát triển mới ít nhất 2 tổ chức kinh tế/năm tham gia chương trình các HTX. Đồng thời, phát triển mới 1 trung tâm/điểm bán hàng OCOP bảo đảm 95 – 100% sản phẩm OCOP được đưa lên sàn thương mại điện tử.

Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Hạ Long, ngay từ khi thực hiện OCOP, thành phố yêu cầu các địa phương, doanh nghiệp chủ động khai thác các đặc trưng, khác biệt để tạo ra ưu thế, tăng sức cạnh tranh với các địa phương khác. Chất lượng sản phẩm luôn phải đặt lên hàng đầu; công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng phải thực hiện thường xuyên, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cơ sở trong quá trình thực hiện. Thành phố yêu cầu siết chặt công tác đánh giá phân hạng sản phẩm một cách khách quan, công khai, minh bạch; chỉ đạo ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong phát triển sản phẩm OCOP; nâng cao chất lượng, xúc tiến thương mại sản phẩm nhằm nâng cao tính cạnh tranh sản phẩm trên thị trường trong nước và quốc tế. Đồng thời, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, công bố chất lượng, truy xuất nguồn gốc, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm; chính sách thưởng cho các tổ chức, cá nhân có sản phẩm đạt 3 sao trở lên…

Trong thời gian qua, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An đã tích cực triển khai xây dựng Chương trình OCOP đối với các sản phẩm từ nông nghiệp, chế biến thực phẩm tại cơ sở sản xuất, chế biến trên địa bàn trở thành thương hiệu quốc gia. Đến nay, trên địa bàn thị xã đã có 19 sản phẩm đạt thương hiệu OCOP, trong đó có 18 sản phẩm đạt 3 sao và 1 sản phẩm đạt 4 sao. Trong đó: chế biến hải sản gồm 11 sản phẩm, tinh bột nghệ 2 sản phẩm, sắn dây, tinh bột sắn dây chanh leo, viên nghệ ngào mật ong, miến gạo. 

Nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh Quảng Ninh được bày bán tại Hội chợ OCOP Quảng Ninh. Ảnh: Minh Đức

Phát huy lợi thế và tiềm năng của một địa phương ven biển, có số lượng tàu thuyền tham gia đánh bắt hải sản lớn nhất thị xã, sản lượng khai thác hàng năm đạt số lượng lớn, đa dạng chủng loại, tươi ngon; Công ty CP Biển Quỳnh đã đầu tư mua máy móc, trang thiết bị hiện đại, không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Năm 2019, Công ty tiến hành xây dựng và phát triển các sản phẩm hải sản đạt thương hiệu OCOP, ban đầu với các sản phẩm như mực một nắng, cá thu một nắng, mực ống… Các sản phẩm này đa dạng về chủng loại, chất lượng đảm bảo giá cả hợp lý giúp cho người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn. Từ đó, uy tín và thị trường của hải sản Biển Quỳnh đã được nhiều nơi biết đến và đã ký kết hợp đồng phân phối hàng hải sản lâu dài. Hiện nay, hải sản Biển Quỳnh đã có 11 sản phẩm đạt thương hiệu OCOP, trong đó có chả cá trích đạt thương hiệu 4 sao. 

Tính đến nay, Bạc Liêu có hơn 100 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP. Một trong những kết quả đáng ghi nhận là thông qua việc thực hiện Chương trình OCOP đã khai thác, khơi dậy và phát huy tốt các tiềm năng, lợi thế từ sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, từ chương trình này đã xây dựng nên những sản phẩm đặc trưng mang bản sắc và văn hóa Bạc Liêu. Điển hình như: Muối Bạc Liêu, khô Đông Hải và các loại mắm như: mắm chua Vĩnh Hưng, mắm cá trắm cỏ Hồng Dân, mắm cá chốt, mắm cá lóc Phước Long…

Có hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất tôm, năm 2021, HTX Trúc Thương (ấp Tân Hiệp, xã Tân Dân, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau) được thành lập và có sản phẩm đầu tiên tôm khô đạt chuẩn 3 sao OCOP cho riêng mình. Bà Trần Xuân Oanh, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX chia sẻ, hiện tại, HTX có 4 sản phẩm, gồm tôm khô, tôm khô chà bông, mắm tôm và tôm thẻ ép được công nhận 3 sao OCOP. Bình quân mỗi tháng HTX thu mua từ 5 – 6 tấn tôm nguyên liệu, bán ra khoảng 400 kg sản phẩm các loại, gần Tết thì lượng tôm mua vào tăng khoảng 10 tấn. Giá sản phẩm bán ra được nâng mức, tôm khô đất loại 1 trước đây chỉ 1,2 triệu đồng/kg thì nay đã lên 1,8 triệu đồng. Ðối tác và người tiêu dùng tin tưởng, sẵn sàng mua sản phẩm, một phần vì thương hiệu, một phần vì OCOP đã mang lại sự tín nhiệm cho khách hàng.

HTX Trúc Thương đang nỗ lực toàn diện, từng bước để nâng từ chất đến lượng, quy trình sản xuất rõ ràng minh bạch, theo tiêu chuẩn, có truy xuất nguồn gốc đáp ứng nhu cầu thị trường. Mỗi sản phẩm gắn sao được ví von như một “đại sứ truyền thông”, qua đó chuyển tải những câu chuyện khởi nghiệp và truyền cảm hứng về vùng miền, cơ sở có tập quán sản xuất lâu năm, sẵn sàng tham gia những chương trình mới để chuyển mình hội nhập.

>> Cả nước phấn đấu đến năm 2025, có ít nhất 10.000 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, trong đó ít nhất có từ 400 - 500 sản phẩm OCOP đạt 5 sao. Chương trình OCOP sẽ ưu tiên hỗ trợ các HTX, doanh nghiệp để có ít nhất 40% chủ thể OCOP là HTX và 30% chủ thể là các doanh nghiệp...

Hồng Hạnh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!