Sản phẩm thủy sản đã qua chế biến sẽ được miễn kiểm dịch

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Chiều 14/8, Báo Nông nghiệp Việt Nam phối hợp với Cục Thú y, Vụ Pháp chế Bộ NN&PTNT tổ chức Tọa đàm trực tuyến “Phổ biến và giải đáp một số quy định mới của pháp luật về thú y”. Liên quan đến lĩnh vực kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản, Thông tư số 06/2022/TT-BNNPTNT có nhiều điểm mới.

Buổi tọa đàm là dịp để Cục Thú y phổ biến, truyền thông sâu rộng và giải đáp các quy định pháp luật mới được sửa đổi, bổ sung về thú y, các quy định của pháp luật về thú y trong công tác phòng, chống dịch bệnh động vật, kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y và quản lý thuốc thú y. Từ đó, bảo đảm khống chế thành công các loại dịch bệnh động vật nguy hiểm tại Việt Nam, bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm đối với sản phẩm động vật lưu thông trong nước, thúc đẩy giao lưu thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm động vật đi các nước trên thế giới như trứng, thịt, sữa, mật ong, tổ yến, thủy, hải sản,… góp phần thực hiện tốt chiến lược phát triển ngành chăn nuôi, thủy sản, thú y Việt Nam.

Trong Thông tư số 06/2022/TT-BNNPTNT quy định rõ: đối với Danh mục sản phẩm động vật thủy sản thuộc diện phải kiểm dịch, sản phẩm động vật thủy sản bao gồm phôi, trứng, tinh dịch và ấu trùng của các loài thủy sản ở dạng tươi sống hoặc tươi sống được bảo quản ở dạng ướp lạnh, đông lạnh. Các đối tượng sản phẩm động vật thủy sản khác thuộc diện phải kiểm dịch sẽ theo yêu cầu của nước nhập khẩu hoặc theo quy định của các Điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập.

Bên cạnh đó, danh mục sản phẩm thủy sản thuộc diện miễn kiểm dịch sẽ bao gồm: sản phẩm động vật thủy sản nhập khẩu làm nguyên liệu để gia công xuất khẩu, sản xuất xuất khẩu (chiếm khoảng 80% tổng số lượng thủy sản nhập khẩu); sản phẩm thủy sản đã qua chế biến như hàng khô, đồ hộp, ăn liền, ngâm muối, xông khói,…); sản phẩm động vật thủy sản làm hàng mẫu thử nghiệm; sản phẩm động vật thủy sản nhập khẩu để trưng bày hội chợ, triển lãm; sản phẩm động vật thủy sản làm thực phẩm xuất khẩu bị triệu hồi hoặc trả về.

Ông Nguyễn Hoàng Tùng, Phó trưởng phòng Kiểm dịch động vật, Cục Thú y trình bày một số nội dung mới về chỉ tiêu kiểm dịch trong Thông tư số 06/2022/TT-BNNPTNT. Ảnh: PV

Ông Nguyễn Hoàng Tùng, Phó trưởng phòng Kiểm dịch động vật, Cục Thú y cho biết: Thông tư số 06 cũng đưa ra một số nội dung mới về chỉ tiêu kiểm dịch. Theo đó, áp dụng tần suất lấy mẫu đối với các lô hàng phải kiểm dịch, nếu kết quả xét nghiệm 3 lô hàng liên tiếp đạt yêu cầu, thì 5 lô hàng tiếp theo chỉ lấy mẫu ngẫu nhiên 1 lô hàng để kiểm tra. Gộp 5 mẫu thành 01 mẫu xét nghiệm, điều này sẽ giúp giảm chi phí xét nghiệm trong một lần lên đến 80%); bổ sung bệnh Trắng đuôi trên tôm càng xanh (Macrobrachium rosenbergii).

Ngoài ra, chỉ tiêu quy định xét nghiệm đối với sản phẩm thủy sản dạng tươi sống, ướp lạnh, đông lạnh là các chỉ tiêu tác nhân gây bệnh trên động vật thủy sản, được lựa chọn trên cơ sở Danh mục bệnh động vật thủy sản của OIE; bệnh phải công bố dịch theo quy định của Việt Nam đối với từng họ, loài thủy sản, các dịch bệnh này có liên quan đến thương mại quốc tế động vật, sản phẩm động vật thủy sản. 

Toàn cảnh Tọa đàm trực tuyến do Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Nguyễn Văn Nam và Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam Nguyễn Ngọc Thạch chủ trì. Ảnh: Thùy Khánh.

Về những điểm mới trong Thông tư 06, ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y nhấn mạnh: Cục đã báo cáo tham mưu cho Bộ NN&PTNT rà soát chỉnh sửa, cắt giảm tối đa khoảng trên 25% các thủ tục hành chính, giảm tối đa các chi phí cho các doanh nghiệp. Nếu như trước đây các doanh nghiệp phải lấy mẫu xét nghiệm các loại mầm bệnh, các chỉ tiêu về An toàn thực phẩm thì nay chỉ xét nghiệm chỉ tiêu về mầm bệnh giúp giảm 80% chi phí so với trước đây. Theo đề nghị của Hiệp hội VASEP (Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam), tất cả các nguyên liệu thủy sản nhập khẩu để sản xuất gia công chế biến hàng xuất khẩu thì không phải kiểm dịch nữa. Như vậy, chúng ta đã giảm rất nhiều chỉ tiêu xét nghiệm giúp cho các doanh nghiệp đặc biệt là trong lĩnh vực thủy sản có thêm nhiều cơ hội để đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu. 

Thùy Khánh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!