Sản xuất giống thủy sản gặp khó ở Vĩnh Long

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Hiện, các cơ sở sản xuất giống thủy sản tại tỉnh Vĩnh Long đang gặp rất nhiều khó khăn vì chi phí đầu vào tăng cao trong khi sản phẩm khó tiêu thụ, tồn đọng khiến không ít nơi hoạt động cầm chừng, thậm chí gặp cảnh thua lỗ, phá sản.

Khó đủ bề

Theo Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản Vĩnh Long, hiện toàn tỉnh có 2 trại sản xuất cá tra bột với công suất khoảng 560 triệu cá bột/năm (gồm: trại giống thuộc Trung tâm giống Vĩnh Long và Trung tâm Giống thủy sản của Caseamex huyện Trà Ôn). Diện tích ương cá tra giống tập trung sản xuất chủ yếu ở các huyện Long Hồ, Tam Bình, Mang Thít, Bình Tân, Vũng Liêm và Trà Ôn. Tuy nhiên, do giá cá tra nguyên liệu giảm thấp kéo dài đã ảnh hưởng đến giá con giống cũng giảm theo, khiến tình hình sản xuất cá tra bột 9 tháng qua giảm đáng kể, trong khi năng lực sản xuất là rất lớn. Cụ thể, so cùng kỳ năm trước, diện tích ương cá tra giống đã giảm hơn 17%, chỉ còn 28 hộ ương với 40,87 ha; sản lượng cá giống giảm 39,8%.

Không chỉ cá tra mà sản xuất các loại giống thủy sản khác như: lươn, cá lóc, ếch… cũng gặp khó, nhiều hộ thua lỗ, ngừng nuôi do không có vốn tái sản xuất. Thêm vào đó, ảnh hưởng của các cơn bão và chất lượng nguồn nước trên sông biến động khiến dịch bệnh trên thủy sản xuất hiện nhiều làm ảnh hưởng hiệu quả sản xuất.

Theo anh Lê Văn Cường, chủ cơ sở sản xuất giống cá lóc ở xã Tân Hội, TP Vĩnh Long, năm trước ảnh hưởng của dịch bệnh, cơ sở đã thiệt hại nặng. Năm nay càng khó khăn hơn, nên cơ sở phải ngừng làm giống, chờ khi nào dịch được kiểm soát hoàn toàn mới có dự định sản xuất tiếp. Tương tự, anh Nguyễn Văn Thành, xã Thới Hòa, huyện Trà Ôn chia sẻ: “Tôi sản xuất lươn giống được gần 4 năm nay, những năm trước đầu ra rất ổn định, có khi không đủ nguồn cung nhưng vài tháng nay thị trường tiêu thụ giảm 70 – 80% so trước khi xảy ra dịch COVID-19. Không chỉ khó trong khâu vận chuyển, mà còn bất lợi khi mua thức ăn”.

Thay đổi để thích ứng

Trong khi một số cơ sở sản xuất giống khác bị “ứ giống” vì khó đầu ra phải dừng sản xuất, thì cũng đã có một số cơ sở thay đổi phương thức sản xuất để kịp thích nghi. Anh Thành cho biết, để vượt qua giai đoạn này, anh đã chuyển sang nuôi lươn thương phẩm để có thêm đầu ra; song song đó, chú trọng hơn về nâng cao chất lượng con giống. “Nuôi lươn giống trong giai đoạn này đòi hỏi phải có kỹ thuật, kinh nghiệm đúc kết nhiều thì tỷ lệ ương con giống mới đạt chất lượng cao. Trong thời điểm này, mưa nhiều, hộ nuôi bằng nước sông phải chú ý vấn đề mầm bệnh, đảm bảo nguồn nước sạch, môi trường nuôi lươn bố mẹ phải được xử lý thường xuyên, có hệ thống hoàn chỉnh, nếu không rất dễ nhiễm bệnh. Hiện, tỷ lệ lươn giống của tôi đạt 90%. Do đó, được khách hàng tin tưởng, hứa hẹn sau khi dịch bệnh kiểm soát sẽ đặt hàng nhiều”, anh Thành chia sẻ thêm.

Trong giai đoạn ảnh hưởng của dịch bệnh như hiện nay, Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản Vĩnh Long khuyến cáo các cơ sở sản xuất giống cần phải bình tĩnh, chọn thời điểm thích hợp thả nuôi, ương giống. Đồng thời, phải đảm bảo chất lượng nguồn giống bố mẹ, chú trọng nâng cao kỹ thuật ương giống, để tạo con giống chất lượng, đáp ứng yêu cầu của người nuôi.

>> Tính đến tháng 9/2021, toàn tỉnh Vĩnh Long có 422 cơ sở sản xuất giống thủy sản, tập trung ở huyện Tam Bình với 150,42 ha ương cá giống các loại (basa, điêu hồng, rô phi, các loại cá trắng khác); 15 cơ sở kinh doanh giống; 12 cơ sở sản xuất và kinh doanh giống; 2 trại sản xuất cá tra bột.

Lê Loan

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!