Sản xuất nông nghiệp trong bối cảnh BĐKH

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Thiên tai cực đoan và biến đổi khí hậu (BÐKH) đã và đang tác động tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp của Việt Nam. Vì vậy, các giải pháp nhằm bảo đảm an ninh lương thực, xóa đói, giảm nghèo… trong bối cảnh BÐKH đang là những vấn đề cấp bách đặt ra đối với ngành nông nghiệp.

Giải pháp thích ứng

Chia sẻ tại Hội nghị quốc tế Nông nghiệp và Môi trường bền vững lần thứ 4 năm 2022 (SAE 2022), PGS.TS Nguyễn Tất Toàn, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh cho biết, những thách thức trong bối cảnh hiện nay có tác động đến hoạt động nông nghiệp và an ninh lương thực như BĐKH, đất đai bị thu hẹp và thoái hóa, thiếu nước ngọt, diễn biến bất thường của thời tiết, ô nhiễm môi trường… là rất lớn. Những vấn đề trên đặt ra yêu cầu phải tìm ra những giải pháp phù hợp để thích ứng, chuyển đổi trong các hoạt động nông nghiệp thiết yếu và trở thành mắt xích của một hệ sinh thái mới về công nghệ số và chuyển đổi.

Nằm ở cuối châu thổ sông Mê Kông, ĐBSCL nước ta có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội; đây cũng là một trong những vùng đồng bằng chịu ảnh hưởng nặng nề do BĐKH và nước biển dâng. Từng bước thích ứng, các địa phương trong vùng đã có nhiều giải pháp, mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng đảm bảo năng suất, giảm nhẹ ảnh hưởng của BĐKH cùng các hình thái thời tiết cực đoan. Như tại tỉnh Hậu Giang, để thích ứng, phát triển nông nghiệp bền vững, giai đoạn 2014 – 2020, Hậu Giang đã triển khai nhiều giải pháp, chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng thích ứng BĐKH, gia tăng hiệu quả sản xuất. Trong giai đoạn mới, HĐND tỉnh đã thông qua Đề án phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, thích ứng BĐKH giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến 2030 với nhiều giải pháp căn cơ như: Phát triển nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản) theo 3 tiểu vùng (vùng ngọt, vùng chồng lấn ngọt – lợ và vùng lợ ngoài đê), xây dựng cơ cấu cây trồng phù hợp, tăng cường hệ thống tưới tiêu và các biện pháp chống chịu với ngoại cảnh. Tỉnh cũng từng bước xoay trục chiến lược, thủy sản – trái cây – lúa gạo, phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, trong đó ưu tiên các nội dung thích ứng BĐKH và phòng chống rủi ro thiên tai.

Nuôi tôm siêu thâm canh là một trong những giải pháp hữu hiệu để thích ứng với BĐKH. Ảnh: Gia Bảo

Còn tại tỉnh Cà Mau, trước những thách thức của BĐKH, địa phương đã đề ra nhiều giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững, trong đó có NTTS. Hình thức nuôi tôm kết hợp phát triển rừng ngập mặn (nuôi tôm dưới tán rừng) đang phát huy hiệu quả tại địa phương, góp phần mục tiêu tăng trưởng xanh, ứng phó linh hoạt với BĐKH. Phát triển hình thức nuôi tôm kết hợp trồng rừng ngập mặn này, những năm qua, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản đã phối hợp với Ban quản lý bảo vệ rừng, địa phương, đơn vị và người dân thực hiện các dự án phát triển liên kết chuỗi giá trị tôm – rừng vùng ven biển tỉnh Cà Mau. Đến nay, tỉnh có hơn 19.000 ha tôm nuôi dưới tán rừng ngập mặn được các tổ chức quốc tế chứng nhận đạt tiêu chuẩn quốc tế. Sản phẩm tôm nuôi theo hình thức này được các doanh nghiệp thu mua với giá cao hơn khoảng 5 – 10% so với sản phẩm truyền thống khác.

Nâng cao năng lực cho các HTX

Tính đến hết tháng 10/2022, vùng ĐBSCL có 2.546 HTX nông nghiệp (chiếm 15% số HTX nông nghiệp cả nước), tăng 1.379 HTX so năm 2012, là vùng có số lượng HTX tăng nhiều nhất. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, BĐKH đã và đang ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp ngày càng trầm trọng, các HTX nông nghiệp vùng ĐBSCL đang gặp nhiều khó khăn, như: nhận thức, hiểu biết của người dân và HTX về BĐKH chưa cao; chưa tổ chức áp dụng đồng bộ các giải pháp hiệu quả thích ứng với BĐKH; chưa lồng ghép được giải pháp thích ứng với BĐKH trong xây dựng và thực hiện phương án sản xuất kinh doanh; thiếu nhân lực, thông tin, phương tiện, máy móc, dụng cụ quan trắc BĐKH…

Do đó, ngày 22/11, Bộ NN&PTNT đã phối hợp với UBND TP Cần Thơ tổ chức hội nghị triển khai Ðề án nâng cao năng lực HTX nông nghiệp thích ứng với BÐKH vùng ÐBSCL, giai đoạn 2021 – 2025. Với mục tiêu nhằm thúc đẩy phát triển bền vững các HTX nông nghiệp vùng ÐBSCL. Phấn đấu đến năm 2025, vùng ÐBSCL có 100% HTX nông nghiệp được tuyên truyền, bồi dưỡng nâng cao nhận thức về BÐKH và biện pháp thích ứng với BÐKH trong sản xuất kinh doanh, chế biến, bảo quản sản phẩm nông lâm, thủy sản và diêm nghiệp; mỗi tỉnh, thành phố xây dựng từ 3 – 5 mô hình HTX nông nghiệp áp dụng các biện pháp thích ứng hiệu quả với BÐKH, kết hợp mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường để nghiên cứu, học tập và nhân rộng…

Để đạt được mục tiêu này, Đề án ưu tiên hỗ trợ HTX nông nghiệp áp dụng biện pháp thích ứng với BĐKH gắn với tổ chức sản xuất quy mô lớn, cơ giới hóa đồng bộ, ứng dụng công nghệ cao, liên kết chuỗi giá trị và xây dựng thương hiệu nông sản; hỗ trợ HTX nông nghiệp và thành viên HTX phát triển mô hình kinh tế nông nghiệp tuần hoàn trong sản xuất kinh doanh, chế biến, bảo quản lúa, gạo, trái cây, chăn nuôi, NTTS, hải sản. Cùng đó, khuyến khích sử dụng phụ phẩm trong quá trình sản xuất nông nghiệp để sản xuất ra sản phẩm mới có giá trị gia tăng cao; phát triển đa dạng mô hình liên kết giữa HTX với doanh nghiệp, giữa HTX với hộ nông dân, mô hình chuỗi giá trị nông sản khép kín của HTX nông nghiệp gắn với phát triển sản phẩm OCOP, du lịch nông nghiệp nông thôn, mô hình thích ứng BĐKH kết hợp kiến thức bản địa…

Hồng Hạnh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!