Sản xuất thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Biến đổi khí hậu (BĐKH) đang tác động mạnh mẽ đến nhiều lĩnh vực của nền kinh tế, trong đó đặc biệt là với sản xuất nông nghiệp. Do vậy, để ngành nông nghiệp phát triển cân bằng, ổn định, đảm bảo an ninh lương thực, bảo vệ môi trường, thì việc nghiên cứu đưa ra các phương pháp canh tác nông nghiệp thông minh, thích ứng với sự BĐKH là yêu cầu cấp thiết.

Tác động to lớn

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, mùa khô năm 2023 – 2024, tổng lượng dòng chảy từ thượng nguồn sông Mekong (trạm Kratie-Campuchia) về hạ lưu và ĐBSCL, có khả năng thấp hơn trung bình nhiều năm từ 5 – 10%. Mực nước đầu nguồn sông Cửu Long dao động theo thủy triều, với xu thế xuống dần. Từ đó, xâm nhập mặn mùa khô năm 2023 – 2024 sẽ đến sớm hơn và cao hơn trung bình nhiều năm, tại một số thời điểm có khả năng thiếu nước cục bộ do xâm nhập mặn vào sâu. Thời gian xâm nhập mặn ở các cửa sông Cửu Long có thể xuất hiện từ tháng 12/2023, trong đó xâm nhập mặn cao tập trung trong tháng 2, tháng 3/2024; riêng các sông Vàm Cỏ, sông Cái Lớn vào các tháng 3, 4, 5/2024.

Trong khi theo dự báo, phần lớn vùng ĐBSCL và đồng bằng sông Hồng sẽ bị chìm trong nước, do tác động của mực nước biển dâng vào năm 2070, gây ra những tác động bất lợi đối với ngành nông nghiệp nói chung và ngành thủy sản nói riêng. NTTS trong ao, hồ, đầm, đìa, vuông, có thể bị thiệt hại hoàn toàn do nước biển dâng. BĐKH cũng sẽ làm giảm tính đa dạng của các loại thủy sản, làm suy thoái chất lượng đất, nước.

Theo các kịch bản BĐKH của Bộ Tài nguyên và Môi trường, dự báo trong tương lai, các xu thế tác động đến sự BĐKH sẽ diễn ra nhanh và phức tạp hơn. Do vậy, đây được coi là một thách thức hết sức lớn đối với sản xuất nông nghiệp. Từ đó, việc chuyển đổi sang sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp thông minh, nhằm ứng phó với sự BĐKH là xu thế tất yếu, không chỉ riêng Việt Nam áp dụng, mà đang được nhân rộng mô hình trên toàn thế giới.

Thích ứng nhanh nhạy

Việt Nam hiện đang có nhiều thuận lợi để phát triển ngành nông nghiệp thông minh, thích ứng với sự BĐKH. Đảng và Nhà nước đã có “tầm nhìn chiến lược”, thể hiện tại các văn kiện của Đại hội Đảng lần thứ XIII, Nghị quyết 19 và trong Chương trình mục tiêu Quốc gia về thích ứng với sự BĐKH… Những giải pháp quan trọng, nhằm ứng phó với sự BĐKH đối với ngành nông nghiệp như: Áp dụng nông nghiệp công nghệ cao, giảm phát thải khí nhà kính, phát triển kinh tế nông nghiệp tuần hoàn…

Theo Trung tâm Thông tin, Ứng dụng khoa học – công nghệ tỉnh Cà Mau: Mô hình “Ốc đảo ngọt trên đất mặn” được coi là mô hình đa giá trị, thích ứng với sự BĐKH trên vùng đất lợ, mặn tại Cà Mau. Bên cạnh đó là mô hình nuôi heo thương phẩm, kết hợp với cá rô phi và nuôi cua biển. Mô hình này xây dựng và xâu chuỗi các mối quan hệ có lợi, tối thiểu hóa nguyên liệu đầu vào, gắn với các mắt xích trong chu trình sản xuất nông nghiệp thích ứng với tự nhiên.

Với sự hỗ trợ từ Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT), trong khuôn khổ Nền tảng đối tác kinh doanh tại khu vực ĐBSCL; Chương trình hỗ trợ tăng tốc kinh doanh nông nghiệp thích ứng với sự BĐKH dành cho phụ nữ (gọi tắt là Chương trình Delta Accelerate), sẽ được triển khai trong 2 năm (2024 – 2025), với những hoạt động đào tạo và hỗ trợ tài chính không hoàn lại, cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, hoặc doanh nghiệp tập trung vào phụ nữ tại khu vực ĐBSCL.

Chương trình Delta Accelerate góp phần cải thiện khả năng ứng phó với tình trạng BĐKH tại khu vực ĐBSCL, tăng cường năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tập trung vào phụ nữ. Chương trình sẽ giúp thúc đẩy các công ty do phụ nữ lãnh đạo có tính tác động cao và có khả năng tạo ra sự khác biệt, trong việc thích ứng với khí hậu ở cộng đồng địa phương. Đây là một mô hình kinh doanh kiểu mẫu, có khả năng sẽ nhân rộng toàn ĐBSCL và sau đó trên khắp Việt Nam.

Để ứng phó với thách thức kép về khí hậu cực đoan, nhất là tình trạng suy thoái môi trường, cũng như góp phần thực hiện cam kết của Chính phủ, về việc đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050; các tỉnh ĐBSCL đã triển khai mô hình tôm – lúa quảng canh cải tiến (1 vụ tôm – 1 vụ lúa), mô hình đã và đang phát triển. Đây là hệ thống canh tác lúa – tôm trong cùng một diện tích với việc luân canh. Khi áp dụng mô hình này, hiệu quả kinh tế tăng lên. Mô hình này cũng được điều chỉnh, theo sự dao động giữa nước mặn và nước ngọt do mực nước biển dâng ở khu vực ĐBSCL.

Ông Nguyễn Văn Lý, ấp Thứ Nhất, xã Tây Yên, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang cho biết: “Mấy năm qua gia đình tôi duy trì sản xuất 1 vụ lúa 2 vụ tôm và tuân thủ gieo sạ lúa, thả giống thủy sản theo lịch khuyến cáo của ngành khuyến nông, nên đạt hiệu quả tương đối. Với 2 ha, gia đình tôi thu về khoảng 15 tấn lúa, thu nhập hơn 120 triệu đồng/vụ. Còn về con tôm, thu về khoảng 700 kg tôm sú, thu nhập hơn 130 triệu đồng/năm. Nhờ sản xuất lúa hữu cơ, ít sử dụng phân thuốc hóa học và nuôi tôm quảng canh, không cho ăn thức ăn, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận từ lúa, tôm của gia đình tôi khoảng 100 triệu đồng/ha/năm. Đây cũng là mức lợi nhuận thời gian gần đây, của hầu hết các nông dân áp dụng mô hình lúa – tôm ở địa phương”.

Vân Anh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!