T5, 30/03/2023 10:30

Sản xuất thủy sản quý I/2023 khá trầm lắng

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Ba tháng đầu năm nay, do tiếp tục chịu ảnh hưởng của tình hình lạm phát khiến nhu cầu nhập khẩu thủy sản giảm và chi phí đầu vào cũng như xuất khẩu tăng cao. Chính vì vậy, hoạt động của ngành thủy sản khá trầm lắng.

Theo Tổng cục Thống kê, sản lượng thủy sản tháng 3/2023 ước đạt 703,8 nghìn tấn, tăng 1,5% so cùng kỳ năm trước, bao gồm: cá đạt 519 nghìn tấn, tăng 1,1%; tôm đạt 63 nghìn tấn, tăng 5,9%; thủy sản khác đạt 121,8 nghìn tấn, tăng 0,6%.

Sản lượng thủy sản nuôi trồng trong tháng ước đạt 353,5 nghìn tấn, tăng 3,8% so cùng kỳ năm trước, trong đó: cá đạt 259,7 nghìn tấn, tăng 3%; tôm đạt 52,1 nghìn tấn, tăng 7,6%.

Sản lượng thu hoạch cá tra trong tháng tiếp tục tăng khá so cùng kỳ năm ngoái do Trung Quốc đã mở cửa thông quan cho nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam, cùng với đó giá cá tra nguyên liệu duy trì ổn định ở mức cao. Sản lượng cá tra trong tháng ước đạt 128,6 nghìn tấn, tăng 2,5% so cùng kỳ. Sản lượng TTCT trong tháng ước đạt 32,3 nghìn tấn, tăng 10,6%; sản lượng tôm sú đạt 16,2 nghìn tấn, tăng 2,5%.

Sản lượng thủy sản khai thác trong tháng ước đạt 350,3 nghìn tấn, giảm 0,8% so cùng kỳ năm 2022, bao gồm: cá đạt 259,3 nghìn tấn, giảm 0,7%; tôm đạt 10,9 nghìn tấn, giảm 1,8%; thủy sản khác đạt 80,1 nghìn tấn, giảm 1,4%. Sản lượng thủy sản khai thác biển ước đạt 336,9 nghìn tấn, giảm 0,9% so cùng kỳ do giá xăng dầu vẫn ở mức cao và số lượng tàu thuyền có xu hướng giảm do phải đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật của khai thác thủy sản bền vững.

Tính chung quý 1/2023, sản lượng thủy sản ước đạt 1.889,2 nghìn tấn, tăng 1,4% so cùng kỳ năm trước, bao gồm: Cá đạt 1.404,6 nghìn tấn, tăng 1,4%; tôm đạt 184,5 nghìn tấn, tăng 2,2%; thủy sản khác đạt 300,1 nghìn tấn, tăng 0,7%.

Mặc dù sản lượng thủy sản nuôi trồng vẫn tăng, nhưng theo VASEP, hiện giá thức ăn chăn nuôi thủy sản tăng cao kỷ lục và không ổn định, trong khi xuất khẩu suy giảm, tiêu thụ đầu ra khó khăn. Người nuôi tôm và cá tra đang lâm vào tình trạng thua lỗ hoặc chỉ hòa vốn. Thực tế hiện nay, khô đậu tương là mặt hàng nguyên liệu chính, chiếm 80 – 90% giá thành thức ăn nuôi thủy sản và thức ăn chăn nuôi. Tuy nhiên, mặt hàng này đang có giá nhập khẩu cao và không được hưởng cơ chế giảm thuế nhập khẩu như lúa mì và ngô, theo như nghị định 101/NĐ-CP ngày 15/11/2021 của Chính phủ. Do vậy, VASEP đã gửi công văn tới Bộ Tài chính và Bộ NN&PTNT kiến nghị điều chỉnh giảm thuế suất thuế nhập khẩu khô đậu tương từ mức 2% về mức 0%.

Về hoạt động xuất khẩu, nửa đầu tháng 3/2023, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 336,4 triệu USD, giảm 23% (so cùng kỳ năm 2022). Lũy kế từ đầu năm đến ngày 15/3, Việt Nam xuất khẩu thủy sản đạt 1,4 tỷ USD, giảm 27%. 

Xuất khẩu tôm giảm mạnh nhất trong quý I/2023. Ảnh: ST

Thông tin từ VASEP cho thấy, quý I/2023 xuất khẩu nhiều mặt hàng thủy sản sụt giảm mạnh. Trong đó, tôm là mặt hàng xuất khẩu chủ lực quý I năm nay lại là mặt hàng có mức giảm mạnh nhất, tới 40%, tương ứng trị giá 335 triệu USD; tiếp đến cá tra giảm 38%, tương ứng 240 triệu USD; cá ngừ giảm 30%, tương ứng trị giá 109 triệu USD; cua ghẹ và giáp xác khác giảm 46%… Top 5 thị trường xuất khẩu thủy sản chính, chiếm 58,18% tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành đều sụt giảm mạnh, cụ thể: Nhật Bản đạt 187 triệu USD, giảm 11%; Mỹ đạt 155 triệu USD, giảm 55%; Trung Quốc đạt 151 triệu USD, giảm 11%; Hàn Quốc 104 triệu USD, giảm 14%…

Tuy nhiên, trong khi 3 mặt hàng chính xuất khẩu bị giảm mạnh thì nhóm thủy sản phụ lại có tín hiệu tích cực. Cụ thể, 2 tháng đầu năm 2023, các sản phẩm nhuyễn thể có vỏ (nghêu, ốc, hàu, sò điệp…) đạt giá trị xuất khẩu 19 triệu USD, tăng 39% so với cùng kỳ. Nghêu là sản phẩm chủ lực trong nhóm này, thu về 11 triệu USD, chiếm 56%. Thị trường xuất khẩu chính là EU, Mỹ. Năm 2022, xuất khẩu các sản phẩm nhuyễn thể có vỏ của Việt Nam đạt hơn 144 triệu USD, tăng nhẹ 1,6% so năm 2021.

Chia sẻ tại cuộc họp với Bộ NN&PTNT ngày 27/3, đại diện VASEP cho biết, sản phẩm tôm Việt Nam nhập khẩu vào Hàn Quốc đang bị vướng quy định về hạn ngạch. Tình trạng Chính phủ Hàn Quốc yêu cầu đấu giá mua Quota nhập khẩu tôm từ Việt Nam vào nước này với giá 14 – 16% giá trị nhập khẩu. Nếu ngoài Quota thì mức thuế nhập khẩu là 20%. Vì vậy ngày 15/3/2023, VASEP đã gửi công văn số 25/CV-VASEP tới Bộ trưởng Bộ Công thương kiến nghị Chính phủ, Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao rà soát và kiến nghị với phía Hàn Quốc xem xét việc bãi bỏ Quota nhập khẩu tôm từ Việt Nam. 

Cùng đó, VASEP cũng có Công văn số 22/CV-VASEP ngày 15/3/2023 gửi Bộ NN&PTNT kiến nghị liên quan đến một số khó khăn, bất cập trong việc thực hiện cấp Giấy xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác (Giấy S/C).

Để đảm bảo việc cấp Giấy S/C đúng quy định, tránh làm ảnh hưởng đến hoạt động chế biến, xuất khẩu thủy sản của doanh nghiệp, Tổng cục Thủy sản vừa có Công văn số 386/TCTS-KTTS gửi các Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố ven biển và Tổ chức quản lý cảng cá, các đơn vị liên quan chỉ đạo việc thực hiện cấp Giấy S/C đảm bảo theo đúng quy định, minh bạch và đồng bộ. Theo đó, yêu cầu các đơn vị trên phải tăng cường thực hiện việc giám sát sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng (đặc biệt đối với cá ngừ, cá cờ kiếm), đảm bảo chính xác về thành phần loài, khối lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng của tàu cá theo quy định. Các cảng xác định thời gian khai thác của tàu cá ghi trên Giấy S/C: Trường hợp xác nhận nguyên liệu thủy sản cho tàu đánh bắt nguồn lợi thủy sản – không chuyển tải: Thời gian khai thác ghi trên Giấy S/C là thời gian tính từ ngày thả mẻ lưới đầu tiên đến ngày thu mẻ lưới cuối cùng trong chuyến biển của tàu đánh bắt nguồn lợi; Trường hợp xác nhận nguyên liệu thủy sản cho tàu hậu cần đánh bắt nguồn lợi thủy sản (chuyển tải/thu mua thủy sản từ tàu đánh bắt về cảng), thời gian khai thác được tính theo tàu đánh bắt đã chuyển/bán số lượng thủy sản cho tàu hậu cần, tính từ ngày thả mẻ lưới đầu tiên đến ngày thu mẻ lưới cuối cùng trong chuyến biển của tàu đánh bắt nguồn lợi đã thực hiện và chuyển/bán cho tàu hậu cần. Trường hợp tàu đánh bắt hoạt động dài ngày trên biển, thực hiện nhiều đợt chuyển/bán thủy sản sang tàu hậu cần thì mỗi lần chuyển/bán được tính riêng theo lượng thủy sản tương ứng với thời gian khai thác của tàu đánh bắt.

Vân Anh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!