Sản xuất thủy sản tại các tỉnh phía Nam 6 tháng năm 2021

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Theo báo cáo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, tình hình sản xuất thủy sản 6 tháng đầu năm tại các tỉnh phía Nam vẫn diễn ra tương đối ổn định và có tăng trưởng nhẹ so cùng kỳ 2020. Tuy nhiên, do tác động của sự bùng phát dịch COVID-19 dẫn đến vận chuyển tiêu thụ khó khăn nên giá tôm, cá thương phẩm có chiều hướng giảm nhẹ.

Cụ thể, tôm nước lợ: sản lượng tôm nước lợ 6 tháng đầu năm 2021 đạt 371.000 tấn (tăng 12% so cùng kỳ năm 2020); trong đó, sản lượng tôm sú đạt 113.000 tấn và TTCT đạt 258.000 tấn. Bạc Liêu dự kiến thu hoạch đến hết tháng 12/2021 đạt 140.000 tấn; Cà Mau khoảng 70.000 tấn; Bến Tre sẽ thu hoạch trong quý III và IV đạt 52.000 tấn; Kiên Giang: 46.000 tấn; Trà Vinh: 41.000 tấn; Bà Rịa – Vũng Tàu: 5.400 tấn; Đồng Nai: 1.500 tấn. Nhìn chung, tình hình sản xuất tôm vẫn diễn ra tương đối ổn định, việc vận chuyển tiêu thụ gặp khó khăn nên giá tôm đang có chiều hướng giảm nhẹ từ 10.000 – 20.000 đồng/kg so với trước khi dịch COVID-19 bùng phát tại các tỉnh phía Nam.

Về cá tra: Diện tích thả nuôi đạt 1.750 ha, tăng 1,01% so cùng kỳ năm 2020, sản lượng thu hoạch đạt 704.100 tấn, tăng 0,9%. Giá cá tra thương phẩm loại 1 hiện dao động ở mức 21.800 – 22.500 đồng/kg. Trong đó:  5 tỉnh trọng điểm nuôi cá tra, chiếm 82% sản lượng của cả nước gồm: Đồng Tháp (34%), An Giang (19%), Bến Tre (11%), Cần Thơ (11%) và Vĩnh Long (7%). 

– Đồng Tháp: Dự kiến sản lượng thủy sản thu hoạch từ nay đến cuối năm là 305.751 tấn, bình quân dao động từ 46.000 – 55.000 tấn/tháng. Tập trung nhiều nhất vào tháng 9 và tháng 10, với trên 55.880 tấn. Trong đó, sản lượng cá tra chiếm trên 85 – 87% sản lượng chủ yếu cung cấp cho chế biến xuất khẩu. 

– Cần Thơ: Hiện nay đa số các hộ nuôi cá tra đều có liên kết tiêu thụ nên không có tình trạng tồn đọng (tuy nhiên giá bán vẫn ở mức thấp và tương đương giá thành sản xuất). Các đối tượng thủy sản khác cũng đảm bảo nguồn cung. Sản lượng thủy sản cung ứng cho người tiêu dùng khoảng 10.400 tấn/tháng, trong đó khoảng 10.000 tấn cá tra và 400 tấn cá khác (lươn, cá lóc, rô, trê, thát lát, cá nuôi bè). Nhìn chung, các mặt hàng thủy sản hiện nay đảm bảo đủ cung cấp cho thị trường, riêng mặt hàng cá tra có xu hướng tăng lên khoảng 15.000 tấn do nhu cầu thị trường ưa chuộng kích cỡ 700 – 800 g/con.

Về khai thác thủy sản: Bạc Liêu: Đạt 60.516 tấn trong 6 tháng đầu năm (trong đó tôm 7.044 tấn, cá và thủy sản khác 53.472 tấn), ước sản lượng khai thác từ nay đến cuối năm sẽ đạt thêm 91.000 tấn. Bến Tre: ước sản lượng đạt 105.000 tấn. Bà Rịa – Vũng Tàu: Tổng sản lượng khai thác 6 tháng cuối năm ước đạt trên 100.400 tấn, ngoài ra còn có một số lượng lớn nguyên liệu khai thác từ tàu cá các tỉnh khác cập cảng của tỉnh, cung ứng nguồn nguyên liệu cho hoạt động chế biến thủy sản của tỉnh vào khoảng 260.000 tấn/năm (chiếm khoảng 40%). Cà Mau: Trong tháng 7 và 8/2021, ngoài việc cung cấp cho nhu cầu trong tỉnh thì còn dư khoảng 69.000 tấn thủy sản có thể cung cấp cho các tỉnh khác. Kiên Giang: Đến cuối năm 2021, ước tính tổng sản lượng thủy sản đạt 410.000 tấn, trong đó khai thác đạt 244.000 tấn, nuôi trồng đạt 166.000 tấn, riêng tôm nuôi đạt 46.000 tấn. TP Hồ Chí Minh: Tổng sản lượng thủy sản ước đạt 29.529 tấn (tăng 1,1% so cùng kỳ), trong đó, sản lượng nuôi 17.226 tấn (tăng 2% so cùng kỳ) và sản lượng khai thác 12.303 tấn (xấp xỉ so cùng kỳ). Trà Vinh: Trong tháng 7, thu hoạch 26.507 tấn (20.732 tấn, sản lượng khai thác 5.775 tấn). Nâng tổng số đến nay thu hoạch 127.945 tấn, đạt 53,87% kế hoạch, cao hơn cùng kỳ 4.154 tấn, trong đó sản lượng nuôi 83.277 tấn, gồm: tôm nước lợ 40.788 tấn, cua biển 2.300 tấn, cá lóc 26.740 tấn và cá nuôi các loại khác; sản lượng khai thác 44.668 tấn (khai thác nội đồng 4.186 tấn, khai thác biển 40.482 tấn). Dự kiến trong tháng 8 tiếp tục thu hoạch 26.000 tấn, trong đó tiêu thụ ngoài tỉnh khoảng 60 – 65%

Hiện các tỉnh phía Nam vẫn duy trì diện tích, sản lượng nuôi và khai thác thủy sản nên vẫn đảm bảo nguồn cung nguyên liệu phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Chính vì vậy, cần có các biện pháp để hỗ trợ lưu thông, vận chuyển và điều tiết hàng thủy sản đến các điểm tiêu thụ trong bối cảnh giãn cách xã hội.

Ngọc Anh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!