(TSVN) – TS. Lê Thanh Lựu, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I, Trưởng Ban Hợp tác Quốc tế Hội Thủy sản Việt Nam khẳng định, sản xuất xanh trong ngành thủy sản là “xu hướng không thể khác được”.
Phóng viên: Thưa Tiến sĩ Lê Thanh Lựu. Là một người đã gắn bó cả cuộc đời với ngành thủy sản, nhìn lại chặng đường nhiều thế kỷ phát triển của thủy sản Việt Nam, nhất là lĩnh vực nuôi trồng, ông có nhận xét gì?
TS. Lê Thanh Lựu: Có thể nói rằng, trong 40 năm qua ngành nuôi trồng thủy sản đã có bước phát triển rất kì diệu, đặc biệt là khi có Chương trình 224 (Quyết định 224/1999/QĐ-TTg phê duyệt chương trình phát triển nuôi trồng thủy sản thời kỳ 1999 – 2010 do Thủ tướng Chính phủ ban hành – PV) thì coi như đã có những bước phát triển mà làm cho nhiều nước trên thế giới phải thừa nhận, thán phục.
Sự phát triển đó thể hiện ở ba điểm. Một là phát triển ở cả ba môi trường là ngọt, mặn, lợ, mặc dù nuôi biển vẫn yếu hơn một chút. Thứ hai là đa dạng các đối tượng nuôi. Và thứ ba là năng suất được cải thiện rất đáng kể vì phần lớn hướng tới nuôi thâm canh, siêu thâm canh, chỉ một phần nhỏ nuôi kết hợp là tôm – rừng, tôm – lúa. Chính vì vậy mà năng suất và sản lượng thủy sản đều tăng lên, góp phần tích cực cho xuất khẩu thủy sản. Có thể nói đây là sự phát triển rất ấn tượng.
Phóng viên: Trong bối cảnh hiện nay, để phát triển bền vững, ngành thủy sản định hướng đẩy mạnh lĩnh vực nuôi trồng, tuy nhiên, sẽ không phát triển mạnh về diện tích và chủ đích là nâng cao năng suất. Ông đánh giá như thế nào về chủ trương này và theo ông liệu ngành thủy sản sẽ gặp áp lực gì trong vấn đề này không?
TS. Lê Thanh Lựu: Thực ra, chủ trương nhìn chung là đúng, ưu tiên cho nuôi trồng, nhưng tôi có ý khác một chút. Theo tôi, hiện nay năng suất các đối tượng nuôi của chúng ta gần như đạt cao rồi, có thể nói là năng suất phần lớn ở trình độ thâm canh và siêu thâm canh, chẳng hạn như cá tra, cá quả, tôm… Các loài cá khác cũng vậy, như cá rô phi rồi cá rô ta các loại đều ở trình độ đó. Vì vậy, tôi cho rằng chúng ta không cần thiết phải mở rộng diện tích, và năng suất cũng không cần thiết phải tiếp tục nâng cao hay cải thiện, nhưng chúng ta phải làm sao cho doanh thu cao hơn và hiệu quả kinh tế tốt hơn. Để đạt được điều này thì cần phải có sự cải tiến về kỹ thuật, đặc biệt là với mô hình nuôi mà hiện nay chúng ta gọi là kinh tế tuần hoàn.
Thực ra, chúng ta đã có nền tảng của kinh tế tuần hoàn, trước đây chúng ta gọi là nuôi kết hợp, do đó, việc hiện nay chúng ta phải làm là đưa vào như thế nào để làm giảm chi phí, để tăng hiệu quả nuôi.
Phóng viên: Hiện nay, Chính phủ chủ trương phát triển kinh tế xanh, ngành nông nghiệp cũng hướng tới tăng trưởng xanh. Và không ngoại lệ, ngành thủy sản cũng tiến tới thực hiện “xanh hóa”. Dưới góc nhìn của nhà khoa học, ông có thể chia sẻ thêm hướng đi “xanh hóa” của ngành thủy sản hiện nay?
TS. Lê Thanh Lựu: Dứt khoát chúng ta phải đi theo hướng đó. Kinh tế xanh là sản xuất không gây ô nhiễm, tuần hoàn, giảm phát thải khí nhà kính, giảm phế thải, tạo ra một nền sản xuất sạch. Thực ra chúng ta đã có nền tảng rồi, trước đây chúng ta có sản xuất cơ bản (VAC), và hiện nay là các mô hình như tôm – rừng, tôm – lúa, cá – lúa… Bước tiếp theo, chúng ta cố gắng giảm bớt sử dụng năng lượng truyền thống, thay vào đó là tăng sử dụng năng lượng tái tạo để giảm khí nhà kính.
Cùng với đó, phải nâng cao nhận thức cho người dân để họ nhận biết sâu sắc hơn về biến đổi khí hậu, hiểu được nguyên nhân của biến đổi khí hậu là gì, là sự phát thải khí nhà kính, là sự nóng lên của khí quyển và nước đại dương, gây ra nhiều bão lụt, nhiều rủi ro… Trong 3 năm trở lại đây, ngành thủy sản đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo xung quanh nội dung này. Cùng với đó, một số nghiên cứu khoa học cũng hướng tới điều này nhằm làm tăng nhận thức của người sản xuất cũng như tăng nhận thức của xã hội. Đây là một xu hướng không thể khác được. Ngành thủy sản cũng đang thực hiện theo xu hướng ấy.
Phóng viên: Theo ông, trong quá trình hiện thực hóa chủ trương “xanh hóa”, ngành thủy sản sẽ gặp những thuận lợi và thách thức gì và sẽ đạt được điều gì, thưa ông?
TS. Lê Thanh Lựu: Nói chung, thuận lợi để ngành thủy sản thực hiện “xanh hóa” là chủ trương của Đảng và Chính phủ rất rõ cho ngành nông nghiệp nói chung và ngành thủy sản nói riêng, mà cũng là chủ trương của nền kinh tế Việt Nam. Chính phủ đã có cam kết về việc chúng ta phải cân bằng phát thải, Net Zero vào năm 2050. Chính ngành nông nghiệp cũng rất quyết liệt triển khai, ngành thủy sản cũng vậy. Tuy nhiên, vẫn có một số khó khăn khi ngành thủy sản thực hiện hướng đi này. Trước tiên, phải kể đến là việc cần sự đồng bộ và những tiêu chuẩn, tiêu chí, hướng dẫn cụ thể, thế nhưng hiện nay chúng ta chưa có, mặc dù chúng ta cũng đã xúc tiến nhưng chưa thành tiêu chuẩn được công bố, được Nhà nước công nhận để người dân theo.
Thứ hai là nguồn kinh phí cho hoạt động này rất hạn hẹp. Chúng ta gần như không thu được mấy sự ủng hộ về tài chính, cho nên khó để tạo ra những mô hình, những hình mẫu, cũng như xây dựng các tiêu chuẩn, tiêu chí, mà yêu cầu của chúng ta phải thực hiện với nhiều loài; những loài nào quan trọng thì chúng ta đều phải xây dựng tiêu chuẩn, tiêu chí cả.
Thêm nữa, lực lượng cán bộ trong lĩnh vực này cũng đang thiếu. Để thay đổi, có lẽ sắp tới các trường đại học phải đặt quy định bao nhiêu chỉ tiêu ở lĩnh vực này, phải nghiên cứu vấn đề này, nếu không sẽ rất khó khăn.
Phóng viên: Vậy theo ông, ngành thủy sản cần lộ trình bao lâu để có thể hoàn thành được mục tiêu “xanh hóa”?
TS. Lê Thanh Lựu: Nếu tính lộ trình, điều này khó. Vì đây là chuyện của cả vấn đề tổ chức lẫn tài chính, nhưng nếu nỗ lực thì tôi nghĩ chúng ta vẫn làm được. Bởi theo tiêu chí tổng thể chung thì phát thải của ngành thủy sản so với các ngành nghề khác là ít. Trong đó, ngành thủy sản có những đối tượng nuôi là nguồn hấp thụ khí nhà kính rất tốt, ví dụ như nhóm rong tảo, hay nhóm nhuyễn thể. Những nhóm này không những không sinh ra phát thải mà còn rất giá trị, vừa cải tạo môi trường vừa hấp thụ khí nhà kính tốt.
Trong ngành thủy sản, phát thải xảy ra ở một số đối tượng nuôi, chủ yếu là cá và tôm, nhưng theo tính toán của các nhà nghiên cứu quốc tế, phát thải do nuôi trồng thủy sản là ít so với các ngành công nghiệp khác hay ngành nông nghiệp khác. Trong một cuộc họp vừa qua, các chuyên gia đã chia sẻ rằng hiện Liên hợp quốc chưa đặt ra vấn đề phải đưa ra bộ tiêu chí tính toán điều này. Đấy là ưu thế, nhưng nếu chúng ta không tiến hành thì sau này nó vẫn sẽ tồn tại. Cho nên, tôi nghĩ rằng nếu làm tốt thì chúng ta sẽ thực hiện được việc cân bằng khí nhà kính theo cam kết của Chính phủ trong 25 năm nữa.
Phóng viên: Vậy còn nhiệm vụ trước mắt, ngành thủy sản cần làm gì để hiện thực hóa chủ trương “xanh hóa” này, nhất là với người nuôi trồng thủy sản khi bối cảnh hiện nay vùng nuôi nhỏ lẻ vẫn rất lớn, thưa ông?
TS. Lê Thanh Lựu: Phải tổ chức sản xuất lại, đúng nghĩa của nó là phải làm theo chuỗi. Hiện nay, chúng ta có chuỗi nhưng rất lỏng lẻo, vì chúng ta không có cơ chế gắn kết, hợp tác. Khi làm theo chuỗi là sẽ tính được vấn đề phát thải, tính được trong chuỗi này ở chỗ nào sinh ra, cách khắc phục như thế nào. Và làm theo chuỗi nên có thể cải tiến công nghệ để giảm được phát thải.
Ví dụ, trong chuỗi thì anh cung cấp năng lượng cũng là một thành phần, anh cung cấp thức ăn, chế phẩm sinh học, làm giống… cũng nằm trong chuỗi. Về vấn đề năng lượng, nếu họ thực hiện chuyển dần sang năng lượng tái tạo, như năng lượng mặt trời chẳng hạn, chúng ta có thể hỗ trợ để giảm thiểu sử dụng năng lượng truyền thống. Hay thức ăn, khâu này phải áp dụng quy trình ra sao, chất lượng thế nào để có thể giảm hiệu suất thức ăn. Bên chế phẩm cũng vậy, chúng ta không sử dụng hóa chất mà áp dụng biện pháp sinh học để cải tạo môi trường…
Hơn nữa, thành lập theo chuỗi có tổ chức hoạt động để cân đối lượng carbon, cứ nếu chỉ tính nuôi không sẽ rất khó và nó không trọn vẹn. Mặt khác, khi sản xuất theo chuỗi rồi thì thị trường sẽ dễ dàng chấp nhận, bởi chúng ta có thể giám sát được quy trình nuôi, truy xuất được nguồn gốc. Vì hiện nay, nhiều sản phẩm của chúng ta không truy xuất được nguồn gốc. Chưa kể, qua quá trình chuỗi, chúng ta có khả năng nâng cao nhận thức cho người sản xuất, biết xu hướng sản xuất để giảm thiểu rủi ro.
Phóng viên: Theo ông, trong quá trình thực hiện mục tiêu này, ngành thủy sản và người nuôi cần những trợ lực gì, thưa ông?
TS. Lê Thanh Lựu: Hiện nay, chủ trương chính sách đã có rồi, tuy nhiên, tôi nghĩ cần thêm 3 giải pháp nữa. Một là phải hỗ trợ cho người dân. Nếu được thì cần có chính sách tài chính cho người dân vay vốn thực hiện. Thứ hai, có chính sách động viên để họ yên tâm làm. Thứ ba, khoa học phải tham gia tích cực để cùng người dân, người sản xuất – thành viên của chuỗi, tìm cách cải tiến, cải thiện để làm sao ngày càng nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân, mang lại kết quả tốt cho tất cả thành viên trong chuỗi. Trong đó, cần tăng cường hợp tác quốc tế, hợp tác khoa học để đưa ra các chương trình tối ưu cho người dân tham gia nhằm cải tiến công nghệ, nhận thức tốt hơn để hành động tốt hơn.
TS. Lê Thanh Lựu
“Chúng ta không cần thiết phải mở rộng diện tích, và năng suất cũng không cần thiết phải tiếp tục nâng cao hay cải thiện, nhưng chúng ta phải làm sao cho doanh thu cao hơn và hiệu quả kinh tế tốt hơn. Để đạt được điều này thì cần phải có sự cải tiến về kỹ thuật, đặc biệt là với mô hình nuôi mà hiện nay chúng ta gọi là kinh tế tuần hoàn”.
Trân trọng cảm ơn ông!
Thu Hồng (Thực hiện)