Sớm tinh mơ, đường phố còn thưa người qua lại nhưng cảng cá Thanh Hà, phường Thanh Hà (TP. Hội An – Quảng Nam) đã tấp nập, xôn xao tiếng cười nói của những người lao động. Người đưa cá từ tàu, ghe vào bờ; người vận chuyển tôm, cua, mực từ ghe lên; người phân loại hải sản,… không khí nhộn nhịp bao trùm cả khu cảng rộng lớn.
Những giọt mồ hôi ban sáng
Ngày làm việc mới ở cảng cá Thanh Hà bắt đầu từ 3 giờ sáng. Khi bóng đêm còn bao phủ, từng tốp người đã đổ về cảng cá. Dưới ánh đèn vàng hắt ra từ những vựa thu mua hải sản, có thể nhìn rõ vẻ ngái ngủ trên gương mặt nhiều người. Tuy nhiên, khi tàu vừa cập bến, họ tỉnh táo lạ thường, trên luồng nước, những chiếc ghe, tàu nối đuôi nhau cập cảng, mang theo đầy ắp cá tôm.
Khoảng 5 giờ sáng, cảng cá nhộn nhịp hơn hẳn, tàu cá vẫn ra vào tấp nập. Hàng tấn cá tươi rói lần lượt được bốc từ trong khoang xuống bán cho vựa cá. Mùa này, cá chưa nhiều và cũng chưa phải là vụ chính (tháng 7-8 âm lịch mới vào chính vụ) nhưng lượng tàu bè ra vào vẫn khá tấp nập.
Ngồi trên cảng cá, anh Phan Văn Hoàng, 37 tuổi ở phường Thanh Hà, người có thâm niên 10 năm gắn bó với cảng cá, cho hay: “Trước đây, tôi cũng có ghe đi đánh bắt ngoài biển, thời gian ở biển nhiều hơn ở đất liền. Cách đây vài năm, sau một trận ốm nặng, tôi đành chuyển sang chèo đò chở khách, sáng sáng ra cảng làm phu khuân vác, kiếm thêm tiền nuôi gia đình. Công việc phụ thuộc theo ghe cá, ngày ít thì 4-5 chuyến, ngày nhiều có khi 15-20 chuyến, công việc không quá vất vả mà thu nhập cũng tạm ổn, lại có thời gian chăm sóc gia đình”.
Nhìn theo tay anh Hoàng chỉ, chúng tôi thấy hơn chục lao động đang ngồi nghỉ sau khi vận chuyển hết 120 giỏ cá từ ghe lên bờ. Sáng sớm, thời tiết khá mát mẻ nhưng lưng áo các anh vẫn đẫm ướt mồ hôi. Anh Nguyễn Đức Lân ở xã Duy Hải (Duy Xuyên – Quảng Nam) đã 8 năm làm việc trong đội bốc xếp. Trước đây, anh theo ghe đi đánh bắt, nhưng bị say sóng nên làm việc không hiệu quả, vì thế anh quyết định làm việc trên bờ. “Tổ khiêng cá của chúng tôi có 18 người, làm việc từ 4 giờ sáng. Ngày nào xong sớm thì khoảng 10 giờ sáng là được về nhà. Nhưng cũng có khi ghe vào nhiều, anh em phải làm việc tới nửa đêm. Công việc nặng nhọc nên tay người nào cũng có những cục chai lớn. Nhưng nhiều khi biển cũng chẳng chiều lòng người, có khi mấy ngày liền sóng to gió cả, thuyền ghe không vào ra bến đỗ, những người đi làm thuênhư chúng tôi phải chịu cảnh thiếu ăn. Nghề nào cũng có vất vả riêng nhưng bù lại thu nhập cũng khá, khoảng 5 triệu đồng/tháng, đủ để chăm lo cho gia đình. Vì thế, chúng tôi sẽ gắn bó lâu dài với cảng cá, với biển. Với chúng tôi, cảng là nhà!”.
Những dáng tóc dài mưu sinh
Nếu như những việc nặng như: gánh cá, chèo đò, khuân vác đòi hỏi sức khỏe của nam giới thì công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ như phân loại tôm, ghẹ, cá thường dành cho chị em phụ nữ.
Vừa thoăn thoắt phân loại cá, chị Nguyễn Thị Nhuột (39 tuổi, phường Thanh Hà) vừa cắt việc cho những đồng nghiệp. Những giỏ cá đầy ắp sau khi phân loại sẽ được đưa đến nơi tập kết để sơ chế. Chị cho biết, trước đây gia đình đi hút cát trên sông Hoài, nhưng từ khi có lệnh cấm khai thác để đảm bảo dòng chảy cho sông thì chị cũng mang ủng, bao tay cùng những phụ nữ khác ra cảng. Chị kể: “Bình quân mỗi tháng làm 20 ngày, có tháng ghe tàu vào nhiều thì làm nhiều hơn. Thu nhập của chị em ở đây khoảng 3 triệu đồng/người/tháng bao ăn. Thế cũng đỡ cực hơn làm ruộng nhiều!”.
Một điều dễ nhận thấy là lao động làm công việc phân loại hải sản đều là phụ nữ. Hàng chục chị luôn kín mít trong khẩu trang, ủng, bao tay cặm cụi làm việc. Thỉnh thoảng các chị lại góp vui bằng vài câu chuyện tếu hay những câu chuyện về cuộc sống gia đình.
Không làm công việc phân loại hải sản nhưng chị Lê Thị Hương và chồng đã có hơn 10 năm mưu sinh ở cảng Thanh Hà. Mỗi khi ghe vào, dù là sáng sớm tinh mơ hay tối mịt, vợ chồng chị cũng tranh thủ mua lẻ khoảng 20-30 giỏ cá, tôm, ghẹ, sau đó phân loại và bán kiếm lời. Ít vốn, chị mở quán càphê nhỏ ngay tại cảng, phục vụ cho lao động tại đây. Chị nói: “Thời gian tôi ở cảng cá nhiều hơn ở nhà. Nếu chịu khó, chăm chỉ, chúng tôi có thể lo được cho các con mình một cuộc sống tốt hơn, thế là đủ rồi”.
Mỗi con người trên cảng cá này là một hoàn cảnh, nhưng đều có chung một ước mơ mong sao “trời yên biển lặng” để gom đủ tiền lo cho cuộc sống gia đình. Chúng tôi rời cảng Thanh Hà khi nắng đã vượt quá đỉnh đầu. Trong không gian đặc quánh mùi oi nồng của cảng cá và cái nóng hầm hập bốc lên từ bãi, hàng trăm người vẫn cần mẫn mưu sinh. Thi thoảng, họ dừng tay, túm tụm chuyện trò, cười đùa rồi lại nhanh chóng vào vị trí công việc mỗi khi có một chiếc thuyền cập bến. Công việc của họ dường như là một vòng quay bất tận. Cuộc sống trên cảng cá cứ bình lặng trôi đi hằng ngày như thế nhưng đã và đang nuôi biết bao khát vọng về một ngày mai tốt đẹp hơn.