T2, 21/08/2023 08:06

“Sáng tạo – Đổi mới – Liên kết – Phát triển”

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Đây là tinh thần mà Hiệp hội Tôm Bình Thuận nhiệm kỳ III (2023 – 2028) hướng đến, nhằm quyết tâm thay đổi và thích ứng với tình hình mới, phát huy vai trò của tổ chức Hiệp hội và đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân tỉnh Bình Thuận, đưa ngành tôm phát triển bền vững. Để hiểu thêm về vấn đề này, PV Tạp chí Thủy sản Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Hiệp hội Tôm Bình Thuận.

Thưa ông, diễn ra trong bối cảnh ngành tôm đang nỗ lực về đích, Đại hội Hiệp hội Tôm Bình Thuận nhiệm kỳ III kỳ vọng gì vào kết quả tích cực đạt được? 

Trong nhiệm kỳ II (2015 – 2020), Hiệp hội Tôm Bình Thuận đã đảm bảo nhiệm vụ của mình tạo ra mối liên kết từ Trung ương đến địa phương, đóng góp những ý kiến sát thực giúp cơ quan quản lý nhà nước và địa phương hiểu rõ hơn những bất cập lâu nay trong sản xuất kinh doanh tôm giống, để có những biện pháp kịp thời chấn chỉnh. Hiện nay, vai trò của Hiệp hội là tổ chức đại diện cho những người sản xuất tôm giống Bình Thuận đóng góp những ý kiến sát thực nhất để đưa ngành tôm phát triển bền vững. 

Hiện ở nhiều tỉnh, thành nuôi tôm tình hình vụ nuôi không như mong đợi; giá tôm giảm mạnh khiến người nuôi chưa mạnh dạn thả nuôi, xuất khẩu vẫn tiếp tục giảm, ngành tôm đang lâm vào thế khó. Thực tế đó cho thấy, các bên liên quan trong chuỗi giá trị ngành tôm, đặc biệt tôm giống cần có sự đoàn kết, tương trợ lẫn nhau để cơ hội cùng dắt tay nhau về đích sẽ trở nên rõ ràng hơn. 

Tôm giống là vấn đề lo lắng nhất của người nuôi. Ảnh minh họa: Shutterstock

Hướng tới Đại hội nhiệm kỳ thứ III (2023 – 2028), Hiệp hội Tôm Bình Thuận sẽ lựa chọn, bầu ra Ban Chấp hành nhiệm kỳ III với những người có tâm huyết, có năng lực, phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm của nhiệm kỳ qua, để hoạt động của Hiệp hội ngày càng tốt hơn, đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Bình Thuận nói chung và của Hiệp hội nói riêng. 

Để phát huy hiệu quả thời gian qua, trong nhiệm kỳ III (2023 – 2028), Hiệp hội đặt mục tiêu trọng tâm trên tinh thần “Sáng tạo – Đổi mới – Liên kết – Phát triển”; nhằm củng cố bộ máy tổ chức Hiệp hội phát triển doanh nghiệp hội viên và nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức và các thành viên, đơn vị trực thuộc. Hoạt động Hiệp hội theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả và thiết thực đối với hội viên, phát huy vai trò của tổ chức Hiệp hội và đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân tỉnh Bình Thuận. Quyết tâm thay đổi và thích ứng với tình hình mới, tăng cường các hoạt động đào tạo, hướng dẫn ứng dụng công nghệ 4.0, chuyển đổi số trong doanh nghiệp và hỗ trợ các doanh nghiệp hội viên phát triển bền vững. 

Ông đánh giá thế nào về thực trạng ngành giống nói chung, tôm giống Bình Thuận nói riêng? 

Tôm giống là vấn đề lo lắng nhất của người nuôi. Bởi trong thời gian qua, tôm giống kém chất lượng vẫn chưa được kiểm soát, kiểm dịch tốt khi xuất và vận chuyển; việc quản lý sản xuất tôm giống còn lỏng lẻo, không có tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá chất lượng, ngoài ra việc quy hoạch vùng nuôi còn tràn lan. Cùng với việc không đủ lượng tôm giống chất lượng để nuôi đã dẫn đến việc người nuôi tranh mua nuôi, người bán tranh bán và hệ lụy là khi thả nuôi thì tôm bị mắc nhiều bệnh, không thể cứu vãn dẫn đến người nuôi tôm thua lỗ nặng. Ngoài ra, môi trường nước ô nhiễm làm lây lan sang vùng nuôi khác cũng là vấn đề cần được chú ý. 

Tình hình thời tiết ngày càng khắc nghiệt, vấn đề ô nhiễm nguồn nước luôn là nỗi lo; chi phí sản xuất ngày càng tăng, sức cạnh tranh ngày càng quyết liệt; công tác quản lý chất lượng tôm giống vẫn nhiều bất cập; gian lận thương mại trong sản xuất và kinh doanh tôm giống vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ; chất lượng và nguồn tôm bố mẹ nhập khẩu không ổn định; kết cấu hạ tầng cho vùng quy hoạch sản xuất tôm chưa tập trung và còn nhiều bất cập. 

Ông có thể nêu các giải pháp để tăng hiệu quả ngành tôm giống hiện nay? 

Về chọn tạo tôm bố mẹ, cần nghiên cứu, chọn tạo tôm bố mẹ (tôm sú, tôm thẻ chân trắng) tăng trưởng nhanh, sạch bệnh để chủ động nguồn cung cho các cơ sở sản xuất giống phục vụ cho các vùng nuôi tôm thâm canh. Đặc biệt, tôm bố mẹ có vai trò then chốt trong chuỗi sản xuất tôm nước lợ, trong nước cần chủ động nguồn tôm bố mẹ để hạn chế phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu. 

Bên cạnh đó, sản xuất giống tôm nước lợ cần đảm bảo đủ về số lượng và chất lượng phục vụ cho các vùng nuôi tôm thương phẩm từ đàn tôm bố mẹ được gia hóa, chọn tạo trong nước. Các địa phương có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển sản xuất tôm giống cần đẩy mạnh sản xuất, nâng cao chất lượng để cung cấp cho nhu cầu thả nuôi của người dân. 

Và để sản xuất tôm giống nước lợ thành công, ngành chức năng cần bổ sung và tập trung thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ để hoàn thiện quy trình công nghệ trong khâu chọn tạo và sản xuất tôm giống. Khuyến khích, hỗ trợ các đơn vị nghiên cứu hợp tác với các đơn vị khác có uy tín để tiếp cận, nhận chuyển giao các công nghệ mới, tiên tiến, rút ngắn thời gian nghiên cứu, đặc biệt là công nghệ chọn tạo giống. Đi cùng với đó, khuyến khích các doanh nghiệp liên kết với các đơn vị nghiên cứu để đưa nhanh sản phẩm vào thực tế sản xuất. 

Nam Miền Trung là một trong những đơn vị tiên phong trong sản xuất tôm giống theo công nghệ Mỹ. Ảnh: Vũ Mưa

Ngoài ra, ngành chức năng cần phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai kiểm tra, thanh tra xử lý tận gốc các cơ sở vi phạm chất lượng giống thủy sản. Phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức đợt cao điểm kiểm tra tại các tỉnh trọng điểm, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm về điều kiện sản xuất và chất lượng tôm giống. 

Thực hiện việc tái cơ cấu, tổ chức sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết các cơ sở sản xuất tôm giống nhỏ lẻ để tạo nên vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, tạo đầu mối để liên kết với các vùng tiêu thụ để kiểm soát chất lượng tôm giống. 

Cùng với các giải pháp trên, các Hội, Hiệp hội, người sản xuất tôm giống và nuôi tôm thương phẩm cần hướng dẫn hội viên tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật về sản xuất giống tôm nước lợ. Phối hợp với các cơ quan chức năng tham gia xây dựng định hướng chiến lược để thúc đẩy hoạt động sản xuất. Đồng thời, hỗ trợ phân tích, dự báo, cung cấp thông tin thị trường cho các tổ chức, cá nhân trong chuỗi sản xuất tôm giống. 

Mặt khác, cần vận động, tuyên truyền các hội viên áp dụng công nghệ mới để giảm giá thành sản xuất, nâng cao chất lượng con giống. Đẩy mạnh liên kết sản xuất, nhân rộng các mô hình, chuỗi sản xuất hiệu quả và nắm vững kế hoạch sản xuất để phát triển thị trường đầu ra. 

Là một trong những đơn vị hàng đầu về cung ứng nguồn tôm giống chất lượng, hiện nay năng lực cung ứng giống của Nam Miền Trung thế nào? Kế hoạch để tăng chất lượng giống cũng như cung ứng giống cho thị trường, thưa ông? 

Hiện nay Nam Miền Trung có 11 khu sản xuất tôm giống, Nam Miền Trung là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực sản xuất tôm giống công nghệ Mỹ, có năng suất đạt hơn 15 tỷ tôm post mỗi năm. 

Điển hình là Trung tâm Nghiên cứu và sản xuất tôm giống thẻ chân trắng công nghệ cao (X8), được cách ly hoàn toàn bởi cánh đồng muối trắng, để bảo đảm an toàn sinh học, ứng dụng phương pháp nuôi trồng thủy sản tiên tiến trên thế giới. Chúng tôi rất tự hào khi đạt chuẩn GlobalGAP trong quy trình sản xuất giống tôm. Nam Miền Trung đầu tư các khu phức hợp sản xuất công nghệ cao, trung tâm xét nghiệm, trung tâm lưu giữ và nuôi cấy tảo gốc hiện đại, tôm bố mẹ được nhập khẩu từ các đối tác hàng đầu thế giới, đầu tư đội tàu cung cấp nguồn nước biển xa bờ và đội xe vận chuyển chuyên nghiệp là 5 công đoạn trong sản xuất tôm giống thẻ chân trắng công nghệ cao của Nam Miền Trung tạo nên con tôm giống chất lượng. Nam Miền Trung không chỉ là thương hiệu tôm giống hàng đầu Việt Nam mà còn là người bạn đồng hành của người nuôi tôm. Chúng tôi tin rằng, với một cách đơn giản nhất, bạn có thể nuôi được những con tôm chất lượng tốt nhất. 

Trân trọng cảm ơn ông!

>> Ngày 1/8/2023, tại Bình Thuận, Hiệp hội Tôm Bình Thuận tổ chức Đại hội nhiệm kỳ III (2023 - 2028). Đại hội đã bầu ra 7 thành viên Ban Chấp hành. Ông Nguyễn Hoàng Anh tiếp tục được tín nhiệm giữ chức Chủ tịch Hiệp hội Tôm Bình Thuận nhiệm kỳ này. 

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!