(TSVN) – Ngành tôm đang đối mặt với nhiều thách thức như: Chi phí thức ăn, thị trường, dịch bệnh và chất lượng tôm bố mẹ. Do đó, hiểu được các yếu tố môi trường, dinh dưỡng và yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe tôm chính là chìa khóa thúc đẩy ngành nuôi tôm phát triển bền vững.
Chức năng của các tế bào biểu mô đường ruột là rào cản vật lý chống lại mầm bệnh. Các tế biểu mô liên kết chặt chẽ với nhau tạo một lớp bảo vệ, từ đó hình thành đường ruột khỏe mạnh.
Hệ vi sinh vật đường ruột khỏe mạnh đóng một vai trò quan trọng đối với khả năng miễn dịch của tôm thông qua cạnh tranh chất dinh dưỡng và không gian với vi khuẩn gây bệnh, tạo ra các hợp chất kháng khuẩn và điều chỉnh hệ miễn dịch chủ yếu bằng cách kích thích sản sinh peptide kháng khuẩn, thúc đẩy quá trình thực bào và điều chỉnh phản ứng viêm.
Mô bạch huyết liên quan đến ruột (GALT) chứa các tế bào miễn dịch, chẳng hạn như tế bào lympho và đại thực bào, thực hiện nhiệm vụ phát hiện và loại bỏ mầm bệnh.
Đường ruột thực hiện nhiều chức năng liên quan đến khả năng miễn dịch của tôm, bao gồm chức năng vật lý, vi sinh vật và miễn dịch. Duy trì sức khỏe đường ruột qua các chiến lược dinh dưỡng, quản lý môi trường và phòng ngừa dịch bệnh là yếu tố cần thiết để nuôi tôm khỏe và hiệu suất cao.
Trước làn sóng nuôi tôm thâm canh đang bùng nổ trên toàn cầu, ngành dinh dưỡng phải xây dựng nhiều chiến lược. Trong đó, bổ sung phụ gia thức ăn, ví dụ chất kích thích tăng trưởng, miễn dịch, thức ăn thay thế là một trong những chiến lược quan trọng nhất. Phụ gia thức ăn tôm phổ biến nhất phải kể đến astaxanthin; β-glucan; axit hữu cơ; probiotic (Bacillus subtilis), và nhiều loại thảo mộc tự nhiên như hương thảo, kinh giới cay và tinh dầu.
Trong số các phụ gia thức ăn tự nhiên, saponin là một trong những nhóm chính được sử dụng để nuôi tôm suốt thập kỷ qua. Saponin có nhiều trong thực vật, chứa steroid hoặc triterpenoid aglycone. Ngoài ra, saponin có khả năng hoạt động như một preobiotic bằng cách tác động đến hệ vi sinh đường ruột và thúc đẩy sự phát triển của lợi khuẩn.
Chất saponins từ cây Quillay (Quillaja saponaria) và cây Yucca (Yucca schidigera) đã được chứng minh tác dụng điều hòa miễn dịch, chống viêm, chống ôxy hóa và điều chỉnh hệ vi sinh đường ruột. Ngoài ra, những saponin đặc hiệu này có thể làm tăng tính thấm của màng tế bào, kích hoạt enzyme tiêu hóa và cải thiện khả năng lưu giữ protein. Trong nghiên cứu của Bo-Kun (2008), tôm thẻ chân trắng (Liptopanaeus vannamei) ngâm trong nước biển chứa 0,5 mg/l saponin sẽ tăng cường khả năng kháng Vibrio alginolyticus, tăng hoạt động thực bào và khả năng khử virus V. alginolyticus. Theo nghiên cứu Martínez-Cordova (1998), chiết xuất cây Yucca trong khẩu phần nuôi vỗ tôm thẻ đã tác động tích cực đến chất lượng nước và năng suất tôm. Trong thử nghiệm của Hernandez-Acosta (2016), bổ sung chiết xuất Yucca và Quillay theo tỷ lệ 2 g/kg thức ăn của tôm thẻ non giúp cải thiện đáng kể trọng lượng thân và tỷ lệ chuyển đổi thức ăn.
Hiện trên thị trường đã xuất hiện phụ gia thức ăn cho tôm chứa chiết xuất Quillay và Yucca, ví dụ PAQ-Protex. Sản phẩm này có nguồn gốc 100% thiên nhiên, chứa hỗn hợp triterpenoid, steroid saponin và polyphenol. Các saponin và polyphenol trong PAQ-Protex hỗ trợ sức khỏe đường ruột và tối ưu chức năng miễn dịch ở tôm và cá.
Chuyển sang nuôi tôm thâm canh đòi hỏi thiết kế hệ thống nuôi tối ưu từ con giống; an toàn sinh học, chất lượng nước, vận hành trang trại, cho ăn, chất lượng thức ăn và phụ gia thức ăn. Thách thức của các trại nuôi tôm thâm canh là duy trì sức khỏe tối ưu thông qua đường ruột khỏe. Do đó, sử dụng phụ gia chứa saponin là một giải pháp đáng cân nhắc.
Dũng Nguyên
(Theo Globalseafood)