Ngư dân Mai Phụng Lưu ở huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi được báo chí đặt biệt danh là sói biển. Ông Lưu có nhiều kỳ tích bám đảo Hoàng Sa. Ở Hà Nội hiện nay cũng có chuỗi cửa hàng Sói Biển và lấy hình ảnh ông Lưu ôm con cá ngừ đại dương làm logo. Năm 2010, cái tên Mai Phụng Lưu được nhắc đến ở hầu hết các báo. Vậy sau 9 năm “sói biển” nay ra sao?
Bà Lan, vợ “sói biển” Mai Phụng Lưu kể về những gian truân đã qua – Văn Chương
Hình tượng kình ngư
Đảo Lý Sơn những ngày đầu năm, khách du lịch vẫn còn thưa thớt. Tôi tìm đường vào nhà thuyền trưởng Mai Phụng Lưu nằm cuối một con dốc dẫn đến xóm nhà ở thôn Tây, xã An Vĩnh và bắt gặp hình ảnh một em bé đang kéo tay mẹ, giọng nài nỉ: “Mẹ cho con vào thăm ông Sói Biển đi mẹ ơi!”. Hỏi sói biển Mai Phụng Lưu, nhiều ngư dân địa phương lặng lẽ quay mặt, tỏ vẻ tiếc nuối. Sói biển mà cô bé nhỏ từ Hà Nội lặn lội ra đảo và muốn nhìn tận mắt giờ không có nhà. Ông Lưu ở đâu và có trở lại Hoàng Sa, khi sức vóc vẫn còn thừa sức lái tàu xuôi ngược trên biển cả?
Tháng 10 năm 2010, báo chí trong nước đồng loạt đưa tin về việc tàu cá QNg 66478 TS chở 9 ngư dân ra Hoàng Sa đánh cá, do ông Mai Phụng Lưu làm thuyền trưởng. Tàu bị Trung Quốc bắt giam giữ tại đảo Phú Lâm, sau đó thông báo thả tàu về Việt Nam vào ngày 11-10. Con tàu nhỏ lặng lẽ biến mất khỏi “tầm quan sát” của đất liền, sóng thông tin bị tắt khi tàu ra khỏi cảng Phú Lâm. Dư luận dõi theo con tàu này lập tức đặt câu hỏi vì sao? Tại sao? Số phận của 9 con người này có gì khuất tất?
Nỗi lo đó đều được hàng loạt tờ báo đặt ra với những câu hỏi đau đáu. Báo chí tràn ngập tin tức về ngư dân Mai Phụng Lưu. Thời đó, báo Sài Gòn tiếp thị còn hoạt động và khá nổi tiếng. Nhà báo Tâm Chánh sốt sắng cử anh em ra đảo. Phóng viên Thanh niên cũng ra ăn ngủ, chờ chực. Cộng tác viên cũng sẵn sàng tin tức cho Báo Biên phòng. Trên báo, hình ảnh bà Lan, vợ ngư dân Mai Phụng Lưu với khuôn mặt gầy, ảnh mắt trũng sâu, vì con tàu này chở theo chồng, 2 con trai và con rể đã khiến lòng người se sắt chia sẻ nỗi lo.
1…2…3 ngày trôi qua. Những tín hiệu điện đài phát vào không gian đều không bắt được tín hiệu con tàu rời đảo Phú Lâm. Sau này các ngư dân thuật lại, khi tàu rời đảo định chạy ngay về quê, nhưng máy bị trục trặc. Các ngư dân đều biết rằng, đó là những chuỗi ngày cháy bỏng nỗi mong của đất liền.
Sau này, tàu cá của ông Lưu được tàu Cảnh sát Biển ra tận Hoàng Sa lai dắt. Lễ đón các ngư dân được tổ chức tại cảng Dung Quất. Cánh phóng viên thường trú tại Quảng Nam và Đà Nẵng đã có mặt từ rất sớm để đưa tin. Phóng viên đông nghẹt, không khác gì đang có mặt tại một sự kiện lớn. Vệt bài Mai Phụng Lưu kéo dài trong suốt khoảng 3 năm. Độc giả đọc Mai Phụng Lưu nhiều đến mức kể vanh vách đời tư của thuyền trưởng này năm mấy tuổi thì đi biển, các em nhỏ đều nhắc ông sói biển. Tình yêu đó khiến mọi người thỉnh thoảng vẫn hỏi: “Mai Phụng Lưu bây giờ ra sao?”.
“Sói biển” Mai Phụng Lưu cùng con trai trên đảo Bạch Quy – Ảnh ngư dân cung cấp
Mai tuyên giáo
Trong ngôi nhà của thuyền trưởng Mai Phụng Lưu đặt một gốc phong ba khô, do ông Lưu mang từ Hoàng Sa về để làm kỷ niệm. Tất cả phóng viên từng đến đây đều chụp ảnh selfile, có người nhiệt tình còn đu lên cành cây để tạo dáng. Nhiều năm sau, tôi tìm trở lại gốc cây phong ba, ngôi nhà bị đập nham nhở vì nằm trong diện giải tỏa đền bù. Ghé mắt nhìn vào ngôi nhà trống rỗng không một bóng người, vẫn thấy gốc phong ba tội nghiệp nằm trong đống đổ nát.
Anh em báo chí thời đó hay nói vui rằng “ngư dân họ Mai đã sang làm công tác tuyên giáo”. Câu chuyện bông đùa của giới báo chí về sói biển là có thật. Vì mỗi khi phóng viên ghé nhà ông Lưu cũng đành phải bỏ về, vì gặp khách đến thăm liên tục. Đảo Lý Sơn đang thu hút khách du lịch, nhiều đoàn đến từ Hà Nội, Đà Nẵng, Sài Gòn ra thăm đảo đều ghé đến để tận mắt nhìn và tận tai nghe câu chuyện của sói biển, tỏ ý thân tình bằng vài món quà nho nhỏ.
Những “sói biển” trẻ hiện nay cực kỳ gan dạ – Văn Chương
Ông Lưu nói mãi, nói mãi thành ra quen, nên mỗi khi phát biểu đều rất trôi chảy. Vợ ông Lưu mừng ra mặt, vì người chồng trình độ chỉ hết lớp 4, nhưng khối ông giáo sư, tiến sĩ đang ngồi nghe, ghi ghi, chép chép, gật đầu khâm phục tinh thần bám biển của ngư dân Việt Nam. Ông Lưu còn liên tục được các kênh truyền hình mời ra mép biển để quay phim, làm phóng sự, hết cởi áo quăng lưới đến lên tàu quay bánh lái.
Anh em phóng viên báo chí thương ông Lưu đến độ, giá tỏi giảm xuống thì cánh báo chí Sài Gòn nói vợ ông Lưu gởi vào vài trăm kg để rao bán hộ. Nhà báo Tâm Chánh nhiệt tình bỏ tiền mua hẳn cho ông Lưu chiếc máy ảnh kỹ thuật số để ra biển ghi lại những khoảnh khắc Hoàng Sa. Cánh báo chí dường như dồn hết gan ruột cho ông Lưu, nhưng trong sâu xa là thể hiện tình yêu Hoàng Sa thiêng liêng.
Cuối năm 2012, báo chí đưa tin “sói biển Mai Phụng Lưu làm giám đốc doanh nghiệp thủy sản, điều hành tàu hậu cần nghề cá”. Những phóng viên có cái nhìn xa về ông Lưu thì bình luận “đây là tin buồn”. Lý do, trời sinh ra ông Lưu là để đi biển.
Ngày giỗ vắng sói biển
Nhiều câu chuyện vỉa hè đồn đoán về sói biển Mai Phụng Lưu, chứng tỏ giới báo chí và bạn đọc rất quan tâm nhân vật từng được vinh danh Việt Nam năm 2011; từng xuất hiện liên tục trên trang nhất các tờ báo. Từ Đà Nẵng vào Quảng Ngãi, tôi quyết định ra đảo để hé mở vài sự thật. Nhà sói biển Mai Phụng Lưu đã bị giải tỏa đền bù và chuyển sang khu đất gần đó. Trong ngôi nhà không còn gốc cây phong ba cao ngang đầu người, sàn nhà rải đầy tỏi. Bà Lan, vợ ông Lưu chia sẻ “ngày giỗ họ rất quan trọng nhưng chưa thấy ổng dề nhà”. Câu chuyện của bà không vui và không tiện đăng báo vì là góc đời tư của một con người từng là người hùng. Ông Lưu giờ này vẫn còn đi biển, vẫn ra Hoàng Sa, nhưng sau lần ra Hà Nội sắm vai giám đốc, ông Lưu tuột mất một khoản tiền, có lúc gần như trắng tay.
Thời còn là nhân vật của báo chí, ông Lưu từng nói: “Đời tui đi biển đã gần 20 năm, dám vỗ ngực nói rằng chưa có mét nước nào trên vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa là chưa có dấu thuyền của tui”. Rà lại câu nói này và tôi chợt nhận ra rằng, ở huyện đảo Lý Sơn và xã Bình Châu huyện Bình Sơn tỉnh Quảng Ngãi có rất nhiều ngư dân làm nghề lặn đêm đạt đẳng cấp về trình độ đi biển. Các ngư dân này giỏi không thua kém ông Lưu. Họ không chỉ đi hết, len lỏi vào từng ngóc ngách của quần đảo Hoàng Sa, mà còn lặn xuống biển, khám phá đáy biển Hoàng Sa.
>> Ở Hà Nội có chuỗi siêu thị kinh doanh mang tên Sói Biển và gắn logo Mai Phụng Lưu. Ban đầu chuỗi siêu thị này bán cá, nhưng hiện nay chuyển sang bán rau, quả và chỉ bán vài con cá nhỏ. |