Sau chiến tranh thương mại, thuế quan của Mỹ đối với thủy sản Trung Quốc vượt 703 triệu USD

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Các nhà nhập khẩu và tiêu thụ thủy sản của Mỹ tiếp tục phải trả giá đắt cho cuộc chiến thương mại bắt đầu từ 3 năm trước của cựu tổng thống Donald Trump và bất chấp lời hứa của chính quyền Joe Biden cho phép loại bỏ các yêu cầu thuế quan, tình hình vẫn không mấy cải thiện.

Theo dữ liệu mới nhất của Cơ quan khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA), hơn 703,6 triệu USD đã được chi cho Mục 301 Thuế quan đối với Trung Quốc trong ngành thủy sản nhập khẩu trong khoảng thời gian từ tháng 9/2018 đến tháng 8/2021. 

Riêng trong 8 tháng đầu năm 2021, mức thuế quan lên tới 169,3 USD, trong khi cả năm 2020 là 217,4 triệu USD. Trong 8 tháng này, Mỹ đã nhập khẩu 243.287 tấn thủy sản các loại, đạt 1 tỷ USD từ Trung Quốc. Đây là mức giảm 3 năm liên tiếp kể từ năm 2018 khi Mỹ nhập khẩu 594.225 tấn thủy sản, trị giá 7,5 tỷ USD từ cường quốc này.

Sản phẩm cá rô phi Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ bị đánh thuế nặng nhất trong các mặt hàng thủy sản. Ảnh: Yalelo

Mặc dù lượng nhập khẩu từ Trung Quốc giảm, Mỹ vẫn nhập khẩu 2.170.831 tấn thủy sản, trị giá 18,4 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm 2021, dự kiến vượt xa mức nhập khẩu 2.944.967 tấn thủy sản, trị giá 21,9 tỷ USD trong cả năm 2020, theo NOAA.

Về khối lượng, Trung Quốc vẫn là nguồn cung thủy sản chính của Mỹ, sau Ấn Độ với 225.467 tấn, trị giá 1,96 tỷ USD; và Canada với 221.917 tấn, trị giá 3,6 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm nay.

Gánh nặng thuế quan lên cá rô phi

Cá rô phi tiếp tục là mặt hàng bị đánh thuế nặng nhất trong số các loại thủy sản Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ. Các nhà nhập khẩu đã phải trả 195,4 triệu USD thuế cho mặt hàng cá rô phi đông lạnh từ năm 2018 đến tháng 8/2021. Trong đó, 48,7 triệu USD thuế phải trả trong 8 tháng đầu năm 2021.

Các mặt hàng thủy sản nhập khẩu khác từ Trung Quốc bị áp thuế đáng kể, bao gồm: mực (71,5 triệu USD kể từ năm 2018); tôm (49,8 triệu USD); cá biển NSPF (40,2 triệu USD); cá chình (39,4 triệu USD); cá thân bẹt (31,6 triệu USD); cua bơi đỏ (23,2 triệu USD); cá tuyết chấm đen (18,5 triệu USD); hàu (17,0 triệu USD); cá da trơn (16,8 triệu USD); và tôm hùm đất (15,5 triệu USD).

Mỹ đã nhập khẩu 12.027 tấn cá rô phi từ Trung Quốc trong tháng 8/2021, trị giá 32,7 triệu USD với mức giá trung bình 2,72 USD/kg, chiếm 72% thị trường nhập khẩu cá rô phi của Mỹ trong tháng này. Theo sau là Colombia với 1.172 tấn, trị giá 6,4 triệu USD, mức giá trung bình 5,5 USD/kg.

Tuy nhiên, theo ông Don Kelley, Phó Chủ tịch phụ trách nhập khẩu của Mỹ tại Western Edge Seafood, ở Washington, thuế quan là một khó khăn nhưng không phải là vấn đề lớn nhất liên quan đến cá rô phi Trung Quốc, vì giá cá vẫn đủ tốt. Rắc rối ở đây là chi phí container và phí lưu thông khi chậm trễ tại các cảng.

Các container được vận chuyển từ Trung Quốc đến Mỹ đã tăng lên đến 17.000 USD từ Nam Trung Quốc và 25.000 USD từ Bắc Trung Quốc so với mức 4.000 – 5.000 USD một năm trước đây. Đối với việc giao hàng trước đây thường mất 4 – 5 tuần thì nay phải chờ thêm 2 – 3 tuần nữa. 

Trong khi đó, giá cá rô phi nước này cũng tăng như tất cả các loại thủy sản khác vào Mỹ. Vào ngày 12/1/2021, Uner Barry đã niêm yết mức giá trung bình đối với fillet cá rô phi đông lạnh Trung Quốc ở mức 2,5 USD/pound, nhưng ngày 5/10 vừa qua, mức giá đã tăng 35%, lên 3,25 USD/pound.

Cần nhiều kiên nhẫn

Các nhà xuất nhập khẩu tại 2 thị trường này sẽ phải kiên nhẫn để chờ đợi được sự miễn giảm thuế quan sớm từ chính quyền ông Biden. Cần phải nhớ lại rằng, cựu tổng thống Donald Trump đã bắt đầu cuộc chiến thương mại với Trung Quốc hơn 3 năm trước vì lo ngại hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ đã làm sôi sục ngành thủy sản khi văn phòng của Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR), dưới sự lãnh đạo của ông Robert Lighthizer, đã đánh vào Trung Quốc khoản thuế quan khoảng 200 tỷ USD hàng hóa hồi tháng 9/2018. 

Khối lượng, giá trị và thuế quan các mặt hàng thủy sản nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ trong giai đoạn 2018 – 8/2021

Lượng hàng hóa Trung Quốc bị đánh thuế sau đó tăng lên 550 tỷ USD, mức thuế tăng từ 10% lên 25%. USTR đã cho phép các công ty tranh luận để có các mặt hàng được miễn thuế, một số nhà nhập khẩu thủy sản đã tận dụng điều này. Tuy nhiên, theo Undercurrent News, những miễn trừ đó đều hết hạn vào cuối năm 2020, đặc biệt là đối với mặt hàng cá tuyết.

Bà Katharine Tai, người tiếp quản USTR của chính quyền ông Biden hồi tháng 3, thông tin bà đã có kế hoạch xử lý các mối quan hệ thương mại với Trung Quốc trong một bài phát biểu vào ngày 4/10 vừa qua tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), ở Washington.

Bà Tai cho biết bước đầu tiên mà cơ quan của bà sẽ thực hiện là thảo luận về hoạt động của Trung Quốc được thực hiện như một phần của “Thỏa thuận Giai đoạn 1”, một thỏa thuận tạm thời đạt được vào tháng 1/2020 nhằm khôi phục một số mặt hàng xuất khẩu của Mỹ, bao gồm tôm hùm Bắc Mỹ.

“Thứ hai, chúng tôi sẽ bắt đầu một quy trình loại trừ thuế quan có mục tiêu. Chúng tôi sẽ đảm bảo rằng cấu trúc thực thi hiện tại phục vụ tối ưu lợi ích kinh tế. Chúng tôi sẽ tiếp tục mở ra tiềm năng cho các quy trình loại trừ bổ sung như đã đảm bảo trước đó”, bà phát biểu.

Tuy nhiên, những gì USTR đưa ra kể từ bài phát biểu tại CSIS của bà Tai không mang lại nhiều lợi ích cho ngành thủy sản. Thay vì đưa ra các yêu cầu miễn trừ mới đối với tất cả các mặt hàng nhập khẩu của Trung Quốc đã bị Mỹ đánh thuế, cơ quan này cho đến nay chỉ mời các ý kiến về khả năng khôi phục các loại trừ đối với 549 mặt hàng đã được gia hạn trước đó.

Trong danh sách thu thập ý kiến công bố ngày 8/10 vừa qua, chỉ có 7 mặt hàng thủy sản, tuy nhiên những loại này không nằm trong danh sách những mặt hàng bị đánh thuế nặng, bao gồm: thịt cá Alaska đông lạnh dạng khối, cá chim Alaska, thịt cua hoàng đế, thịt cua tuyết và thịt cua Dungeness.

Linh Nguyễn

Theo Undercurrent News

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!