(TSVN) – Nghiên cứu mới đây của Viện NTTS thuộc Đại học Stirling tại Scotland, hải sâm sinh trưởng tốt và đạt giá trị dinh dưỡng cao hơn nhờ nguồn thức ăn là rác thải hữu cơ tại các trại nuôi thuỷ sản trên biển Địa Trung Hải.
Theo đó, mở rộng diện tích nuôi hải sâm cũng đồng nghĩa với việc giảm tác động từ các trại nuôi cá biển lên môi trường trong khi vẫn tạo ra những sản phẩm giá trị cao. Hải sâm vùng biển Địa Trung Hải có thể đạt mức giá 30 EUR/kg sấy khô và 120 EUR/kg đã qua chế biến. Trong khi đó, cá tráp nuôi tại những vùng biển này chỉ có giá 6 EUR/kg.
Karl Cutajar, dẫn đầu nhóm nghiên cứu tại Viện NTTS cho biết, nghiên cứu này cho thấy mối quan hệ về nguồn thức ăn giữa cá và hải sâm tại các trại nuôi cá lồng thương mại, tức là nuôi hải sâm và cá kết hợp với nhau trong một hệ thống nuôi thuỷ sản đa loài (IMTA) là hoàn toàn khả thi. “Nghiên cứu của chúng tôi chứng minh hải sâm sẽ ăn hết chất thải của cá. Đây cũng là nguồn dinh dưỡng giúp hải sâm phát triển”, TS. Karl Cutajar cho biết. Theo cách này, người nông dân không cần sử dụng một số thiết bị loại bỏ chất thải hữu cơ có thể tác động tiêu cực lên đáy biển, đồng thời lại tạo ra thêm một loại hải sản có giá trị mà không tốn thức ăn đồng thời mang lại hiệu quả kinh tế và môi trường.
Nuôi ghép hải sâm và cá biển vừa góp phần tăng giá trị kinh tế, vừa giảm tác động của trại cá lên môi trường. Ảnh: Blue Ventures
Tại châu Á, hải sâm là loại thực phẩm đắt hàng nhưng nguồn cung luôn khan hiếm, thậm chí tình trạng khai thác quá mức đang diễn ra tại một số vùng biển. Hải sâm cũng có nhiều đặc tính kháng khuẩn và chống ung thư nên chúng cũng đang được nghiên cứu để chế tạo thuốc phục vụ ngành y học toàn thế giới.
Các giống hải sâm khác nhau cũng phát triển tốt ở các vùng nước lạnh hơn thuộc Anh. Nghiên cứu gần đây của Scotland cũng bắt đầu tập trung tìm hiểu giá trị và tác động của hải sâm, đặc biệt là xung quanh vấn đề chế biến và sử dụng chất thải hữu cơ từ các trại nuôi cá biển. Nghiên cứu này nằm trong dự án Đánh giá và lập kế hoạch NTTS bền vững (TAPAS) cho Liên minh châu Âu tài trợ với trọng tâm chính là lĩnh vực nuôi hải sâm xử lý chất thải cho trại cá biển.
Nhóm nghiên cứu sử dụng các đồng vị bền để đánh giá khẩu phần ăn, kết quả cho thấy hải sâm sử dụng chất thải cá làm nguồn thức ăn chính. Phân tích thành phần axit béo trong hải sâm nuôi gần lồng cá cho thấy sự hiện diện của những thành phần thực vật trên cạn chỉ có thể đến từ thức ăn của cá. Điều này chứng tỏ hải sâm đang tận dụng chất thải hữu cơ này để phát triển.
Ông Angus Sharman, chủ trại nuôi thuỷ sản MFF Ltd tại Malta, nơi thực hiện nghiên cứu cho biết: Khi nhu cầu tiêu thụ các loại hải sản nuôi tăng lên sẽ kéo theo nhu cầu phát triển NTTS bền vững thông qua các hệ thống như IMTA. Ứng dụng công nghệ này vào NTTS tại Địa Trung Hải hiện nay rất khả thi.
Ông Cutajar cho biết thêm nghiên cứu đã chứng minh lợi ích về giá trị dinh dưỡng của hải sâm nuôi gần lồng cá, từ đó khuyến khích đa dạng hoá sản phẩm qua hệ thống IMTA.
Dũng Nguyên
Theo Fishfarmingexpert