Scotland: Nuôi tôm sạch, hiệu quả và bền vững

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Các chuyên gia nuôi tôm tại Scotland đang nỗ lực cách mạng hóa công nghệ RAS bằng hệ thống dựa trên nguyên tắc cơ bản – hiệu quả tối đa và chất thải tối thiểu.

Tại thị trấn nhỏ ven biển St Andrews của Scotland, trong một hệ thống nhà kính chuyên dụng trên khu vực bãi phế thải cũ, Tiến sĩ Andrew Whiston và cộng sự đã phát triển thành công hệ thống nuôi thủy sản tuần hoàn RAS bền vững, ít rủi ro và lợi nhuận cao. Là một chuyên gia trong lĩnh vực nuôi cá cảnh thủy sinh, tiến sĩ Andrew chú trọng các tiêu chí hàng đầu khi xây dựng mô hình này đó là loại bỏ lãng phí và kém hiệu quả bằng giải pháp khoa học thực tế. Trước đó, Andrew đã tham gia dự án trại nuôi tôm sú bằng năng lượng bền vững đầu tiên của Vương quốc Anh ở Balfron.

Sau dự án ở Balfron, Andrew thành lập Công ty RAStech nhằm mục tiêu phát triển phương pháp nuôi trồng thủy sản trên đất liền bền vững, lợi nhuận tốt và ít rủi ro. Liên quan đến nuôi tôm, RAStech vạch ra một loạt thách thức cần vượt qua trước khi chạm đích bền vững, gồm ô nhiễm từ chất dinh dưỡng, lạm dụng kháng sinh đến phá hủy rừng ngập mặn.

Sống trong khu vực có nhiều nông dân sử dụng nhà kính để trồng dâu tây, Andrew đã nảy ra ý tưởng thiết kế hệ thống nhà màng tiêu chuẩn, gia cố cấu trúc, cách nhiệt bằng lớp nhựa 600 mm có nguồn gốc từ vỏ chai nước tái chế, sau đó che phủ lớp mái bằng tấm nhựa chống radon và metan, tạo ra một hệ thống kín khí.

Andrew giải thích, thiết kế trại nuôi kiểu này giúp cách nhiệt cực tốt và khâu kiểm soát nhiệt độ không còn là trở ngại nữa. Do đó, thiết kế của RAStech giúp hấp thụ nhiệt thấp hơn 95% so với hệ thống RAS nuôi tôm truyền thống nên cắt giảm đáng kể chi phí năng lượng, và quan trọng là toàn bộ mô hình nuôi tôm có thể được đóng gói gọn gàng trong một container để vận chuyển đến mọi nơi trên thế giới.

Không chỉ tiết kiệm chi phí năng lượng, mô hình nuôi tôm RAStech còn giảm thiểu chất thải. Trong hệ thống này, mọi thứ đều được tận dụng triệt để, kể cả chất thải rắn sinh học. Cụ thể, bùn hữu cơ từ nước thải được dùng làm nhiên liệu cho thiết bị phân hủy kỵ khí tạo ra metan cấp nhiệt cho hệ thống khí đốt trong nồi hơi. Nước thải còn dư chất dinh dưỡng được sử dụng làm chất kích thích sinh học để trồng cây chịu mặn hoặc rong biển.

Ông cho biết thêm: “Hệ thống RAStech tiết kiệm 90% lượng nước so với RAS bình thường do tái sử dụng 100% nguồn nước. Do đó, chúng tôi tin tưởng hệ thống mới sẽ giúp mở rộng quy mô ngành tôm RAS toàn cầu”. Andew dự kiến năng suất của một RAStech sẽ đạt 5 tấn/năm. Thách thức của RAStech tại Anh là thiếu trại giống tôm thương mại ở Anh do phần lớn trại nuôi tôm ở đây vẫn nhập khẩu con giống từ Mỹ. Do đó, đến nay nước Anh vẫn chưa phát triển ngành tôm đủ năng lực tự cung tự cấp mặc dù mô hình RAStech đảm bảo tiêu chí sản xuất tôm sạch, hiệu quả và bền vững.

Vũ Đức
(Theo Thefishsite)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!