Sẻ chia kinh nghiệm làm giàu

Chưa có đánh giá về bài viết

Đời sống nâng cao, tình làng nghĩa xóm cũng trở nên keo sơn, gắn bó. Đó là kết quả mà những người dân thôn Phú Long, xã Phổ Khánh (Đức Phổ) có được từ sự chuyển hướng phát triển kinh tế sang nuôi ếch và giúp nhau nhân rộng mô hình để cùng vươn lên làm giàu.

Chuyện làm giàu của dân Phú Long thật ấn tượng khi họ tự lo khâu con giống, kỹ thuật nuôi cho đến khâu đưa sản phẩm ra thị trường.


Tự túc con giống

Trong khi vấn đề giá cả con giống luôn khiến nông dân đau đầu, thì các hộ nuôi ếch ở thôn Phú Long, xã Phổ Khánh lại “thở phào” vì đã tự nhân được con giống. Thay vì phải tiêu tốn hàng chục triệu đồng để mua ếch giống với giá từ 1.500 – 2.000 đồng/con, nông dân thôn Phú Long chỉ bỏ ra 250 nghìn đồng để mua một cặp ếch bố mẹ và cho sinh sản với sản lượng bình quân 2.000 trứng/lần.

Nông dân Phú Long chia sẻ cùng nhau kinh nghiệm nuôi ếch. 

Nông dân Phú Long chia sẻ cùng nhau kinh nghiệm nuôi ếch.

Ông Nguyễn Thương, xóm 9B, thôn Phú Long, cho biết: “Hồi đầu mới nuôi, tôi tốn tới 15 triệu đồng tiền mua ếch giống. Nên sau khi xuất bán, chỉ đủ huề vốn. Nhưng giờ, tôi mua 5 cặp ếch bố mẹ với giá hơn 1 triệu đồng, là có thể nuôi ếch quanh năm”. Nhờ chủ động được con giống, gia đình ông Thương đã mở rộng được khu chăn nuôi ếch với 12 bể lót bạt, cho thu hoạch khoảng 1 tấn ếch thịt mỗi vụ.

Nói về lợi ích của việc tự túc được con giống, ông Lê Văn Mân, một hộ dân cũng phát triển mô hình chăn nuôi ếch ở thôn Phú Long chia sẻ: “Ếch hay bị bệnh. Nhiệt độ tăng cao là ếch bị bệnh và chết. Vậy nên, nếu đi mua con giống với giá 1.500 đồng/ con về nuôi, thì cầm chắc lỗ”. Theo kinh nghiệm của các hộ chăn nuôi ếch, để ếch bố mẹ chịu sinh sản không khó. Do mùa sinh sản của ếch là vào mùa mưa, nên nếu muốn ếch sinh sản quanh năm thì chỉ cần tạo mưa nhân tạo và tránh tạo tiếng ồn cho ếch.

Giúp nhau làm giàu

Trong vòng 3 năm trở lại đây, từ hộ đầu tiên của Phú Long phát triển mô hình nuôi ếch, hiện tại toàn thôn đã có hơn 10 hộ nuôi. Người dân các thôn Trung Hải, Diên Trường cùng xã…cũng sang Phú Long để tìm hiểu về mô hình mới này.

Không giấu nghề, những người nuôi ếch ở Phú Long luôn sẵn sàng giúp đỡ, tạo điều kiện cho các hộ nuôi mới phát triển nghề mới. Như trường hợp của ông Trần Quang Long, khi ông ngỏ ý muốn xây dựng khu chăn nuôi ếch, ông Long liền nhận được sự quan tâm của các hộ chăn nuôi khác. Người góp ý cách xây hồ, người tư vấn cách mua ếch giống bố mẹ. Ông Nguyễn Thương còn tận tình sang nhà, để vừa làm vừa hướng dẫn chi tiết cho ông Long cách tạo môi trường để ếch chịu đẻ trứng.

Không chỉ chia sẻ, giúp đỡ nhau về kinh nghiệm nuôi, việc mở rộng quy mô còn giúp người dân Phú Long liên kết được với nhau trong việc tìm mua thức ăn và tiêu thụ sản phẩm. Tin tưởng vào mô hình nuôi ếch của các hộ dân thôn Phú Long, đại lý thức ăn chăn nuôi Ngọc Viên  tại thị trấn Đức Phổ đã cam kết cung ứng thức ăn chăn nuôi trả chậm đến tận tay nông dân. Đến khi nào thu hoạch, nông dân mới phải thanh toán. Nhờ vào cách làm này, mà bà con nông dân chỉ cần bỏ công chăm sóc, chứ không âu lo vấn đề xoay sở vốn.

Cũng chính bởi phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, nên mỗi kỳ thu hoạch, nông dân Phú Long không phải đi bán nhỏ lẻ hay lo lắng về đầu ra, mà đại diện các hộ chăn nuôi đã liên hệ với thương lái ở Đà Nẵng vào thu mua với số lượng lớn. Với giá cả bình quân khoảng 40 – 50 nghìn đồng/kg ếch, sau mỗi vụ nuôi khoảng 4 tháng, mỗi hộ thu về khoảng 50 triệu đồng, một nguồn thu nhập đủ sức hấp dẫn với nhiều hộ nông dân.

>> “Việc đoàn kết phát triển kinh tế, nhân rộng mô hình chăn nuôi ếch tại địa phương giúp ích rất nhiều cho nông dân trong việc tránh được những thất bại trong chăn nuôi và tạo điều kiện thuận lợi hơn trong tiêu thụ sản phẩm. Chứ nếu chỉ 1, 2 hộ nuôi, mỗi lần suất được vài tạ thì sẽ chỉ có thể bán theo kiểu nhỏ lẻ”, bà Võ Thị Tranh – Chủ tịch Hội Nông dân xã Phổ Khánh cho biết.

Bài, ảnh: Ý Thu

Báo Quảng Ngãi

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!