Tại cuộc họp giao ban công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản ngày 6/5, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Thị Xuân Thu cho biết, trước các thông tin về các sản phẩm thủy sản như cá tầm, cá lóc, ếch… nhập lậu từ Trung Quốc, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản chỉ đạo các đơn vị điều tra, giám sát tại các chợ bán buôn, bán lẻ để sớm có kết quả thông tin cho người tiêu dùng.
Theo Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Nguyễn Như Tiệp, Cục đã chỉ đạo Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội kiểm tra các sản phẩm thủy sản tại chợ Yên Sở, các chợ bán buôn, bán lẻ để xác định lượng, chất lượng, thị trường tiêu thụ và sản phẩm nhập lậu có tồn dư chất cấm không.
Đánh giá về công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản trong thời gian vừa qua, Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuân Thu cho rằng, tình trạng quản lý an toàn thực phẩm có tiến bộ nhưng chưa nổi bật do chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe. Trong thời gian vừa qua vẫn còn xảy ra tình trạng người dân bị ngộ độc, nhập lậu gà, thủy sản từ Trung Quốc và có nguy cơ cao. Do vậy, các đơn vị cần tăng cường phối hợp với Bộ Công Thương, Ban chỉ đạo 127… tăng cường kiểm tra, kiểm soát các sản phẩm nhập lậu để tránh ảnh hưởng đến sản xuất trong nước.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuân Thu, trong tháng 4, mới có 8/19 tỉnh thực hiện kiểm tra, báo cáo thực hiện thông tư 14 về việc kiểm tra, đánh giá cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông lâm thủy sản. Trong khi đó, tỷ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh thức ăn chăn nuôi xếp loại C vẫn còn khá cao (35,2%) nhưng lại chưa được tổ chức tái kiểm tra. Các đơn vị cần đôn đốc, phối hợp chỉ đạo các địa phương tăng cường tái kiểm tra, đánh giá lại gắt gao hơn các cơ sở xếp loại C này.
>> Theo ông Đàm Xuân Thành, Phó Cục trưởng Cục Thú y, trong tháng 4, đã bắt được 34 vụ nhập lậu gia cầm giống với trên 249.900 con, 20 vụ gia cầm thịt với trên 10.000 con, 2 vụ chim bồ câu với trên 1.000 con, 23 vụ sản phẩm gia cầm và có nguồn gốc từ gia cầm với trên 8 tấn thịt, trên 58.000 quả trứng. Qua kiểm tra các sản phẩm gia cầm nhập lậu cho thấy 100% mẫu có tồn dư hóa chất, hiện chưa phát hiện ra sản phẩm nào có nhiễm H7N9, tuy nhiên với tình hình nhập lậu như trên thì nguy cơ lây nhiễm H7N9 rất cao. Trong thời gian tới, Cục sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị lấy mẫu gia cầm giống, thịt tại các chợ đầu mối, biên giới và Hà Nội để triểm tra. |