Ngày 28/08/2012 tại văn phòng Trung tâm chất lượng nông lâm sản vùng 4 (NAFI4) ở Tp HCM, Đoàn thanh tra của Cục VS&CL Thực phẩm Achentina (SENASA) đã thông báo kết luận sơ bộ chuyến thăm và kiểm tra điều kiện VSATTP của các cơ sở chế biến thủy sản Việt nam và hệ thống quản lý nhà nước về bảo đảm VSATTP thủy sản xuất khẩu sang Achentina.
Theo ông Gustavo Alvarez, trưởng đoàn thanh tra, trong 9 ngày liên tục từ 18-27/08/2012 Đoàn đã chia làm 5 nhóm và làm việc tại các tỉnh thuộc ĐBSCL. Đoàn đã gặp mặt đại diện các cơ quan Trung ương và khu vực về quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản của Việt Nam, tiếp xúc với các quan chức địa phương liên quan đến hoạt động NTTS, tham quan các vùng nuôi nguyên liệu ở An Giang và Cần Thơ, 2 trung tâm nuôi giáp xác ở Cà Mau, 1 cơ sở nuôi nhuyễn thể ở Tiền Giang, 2 phòng thí nghiệm ở Cà Mau và Tp HCM cùng 17 cơ sở sản xuất và chế biến đã được cấp chứng nhận đảm bảo chất lượng VSATTP. Đoàn đã tổng hợp các phân tích, đánh giá và kết luận sơ bộ như sau :
SENASA đánh giá cao mức độ chặt chẽ, đồng bộ của hệ thống văn bản pháp quy của Việt Nam về quản lý chất lượng VSATTP, đồng thời cho rằng các quy định này hoàn toàn phù hợp với các tiêu chuẩn hiện hành tại Achentina. Tuy nhiên, qua quan sát tại một số cơ sở vẫn phát hiện có những sai sót của công nhân trong việc chấp hành các quy định này. Tuy những lỗi này không nghiêm trọng và không gây nguy hại đến VSATTP nhưng cần được nhắc nhở và sửa chữa.
Họp giữa Nafiqad và Senasa ( ông Gustavo Alvarez – Trưởng đoàn Senasa – áo vàng ngồi giữa)
Qua tham quan các phòng thí nghiệm, Đoàn nhận thấy các trang thiết bị đều rất hiện đại, các kết quả phân tích phù hợp với các quy định hiện hành và được chấp hành nghiêm túc trong quá trình lấy mẫu, kiểm tra, phân tích và xử lý. Ở Tiền Giang, đoàn đã nghe nhân viên của cơ sở sản xuất giải thích rất rõ ràng về quá trình thu hoạch nhuyễn thể cùng với các hoạt động kiểm tra chất lượng sản phẩm thông qua các bảng, biểu tổng kết và kiểm tra định kỳ.
Đoàn SENASA đánh giá rất cao mức độ đầu tư cũng như quy mô hiện đại của các nhà máy và cơ sở hạ tầng chế biến thủy sản ở Việt Nam. Một số công ty ngoài sản xuất chế biến còn có cả dây chuyền tự sản xuất bột cá, dầu cá. Tuy nhiên Đoàn cũng nhận xét, việc sản xuất khép kín như vậy dễ gây nhiễm chéo vi sinh vật và côn trùng. Đoàn khuyến nghị cần tách biệt các khu vực sản xuất phụ trợ với khu vực sản xuất chính và khu vực để rác thải.
Trong dây chuyền sản xuất, khu vực kho chứa ở nhiều cơ sở chưa sắp xếp ngăn nắp, thành phẩm và bán thành phẩm còn để lẫn nhau. Trong kho lạnh lượng tuyết đóng khá lớn, chắn mất gió và thậm chí cả hệ thống báo động, gây nguy hiểm cho vấn đề an toàn lao động. Ở các khu vực sản xuất phát hiện thấy nước tồn đọng trên nền khá nhiều, các thiết bị sau khi tẩy trùng bằng Clorin lại để ở gần các dụng cụ sản xuất trực tiếp nên dễ nhiễm vào sản phẩm. Đã bị phát hiện thấy tại hai cơ sở trong khu vực phi lê cá có những khay và rổ nhựa không được sạch.
Đối với nhân viên và công nhân trực tiếp sản xuất, ý thức làm việc và quy trình kiểm soát vi sinh rất tốt. Tuy nhiên, Đoàn vẫn thấy có một vài công nhân thiếu trang bị bảo hộ lao động và ở khu vực thay đồ bảo hộ có tình trạng công nhân ngồi ngay xuống nền nhà.
Theo đánh giá chung, các hoạt động sản xuất và chế biến thủy sản ở Việt Nam hiện tại là tương đối tốt, đảm bảo được các yêu cầu về VSATTP khi xuất khẩu sang Achentina. Tuy có một số lỗi trong quá trình thanh tra nhưng đây là các lỗi thực hành và hoàn toàn có thể chấn chỉnh, sửa chữa được.
Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Nafiqad, đồng ý với các nhận định của đoàn thanh tra và cam kết sẽ có văn bản thông báo đến tất cả các doanh nghiệp đang xuất khẩu sang thị trường Achentina về những phát hiện trên để có biện pháp khắc phục, sửa chữa ngay.
SENASA và NAFIQAD cùng mong muốn bên sẽ tiến tới công nhận lẫn nhau về cơ quan thẩm quyền và danh sách doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản.
Tháng 11/2012, NAFIQAD cũng sẽ tổ chức một đoàn sang Achentina để thanh tra điều kiện VSATTP của các cơ sở chế biến thủy sản tại đây.