(TSVN) – Theo số liệu thống kê của Tổng cục Thủy sản, nửa đầu năm, sản lượng khai thác thủy sản đạt gần 2 triệu tấn, tăng 1% so với cùng kỳ năm trước và tăng 6,8% so với chỉ tiêu kế hoạch 6 tháng đầu năm. Tuy nhiên, đây không phải là tín hiệu vui của ngành khai thác.
Thuận lợi nên sản lượng tăng
Theo Tổng cục Thủy sản, sở dĩ sản lượng khai thác thủy sản nửa đầu năm cao là do thời tiết biển tương đối thuận lợi đã tạo điều kiện để ngư dân tích cực và bám biển dài ngày. Cùng đó, đây cũng là thời gian tập trung cho khai thác vụ cá Nam (sản lượng cao hơn vụ cá Bắc) nên sản lượng khai thác cao hơn kế hoạch dự kiến.
Mặt khác, ngư dân vẫn đang tiếp tục nhận được nhiều chính sách hỗ trợ của nhà nước đã có như: miễn thuế; ưu đãi thuế; hỗ trợ chi phí nhiên liệu. Đối với chủ tàu vay vốn đóng mới tàu cá theo Nghị định 67 của Chính phủ và các chủ tàu khác có vay vốn tín dụng, ngân hàng đã được hỗ trợ về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi…
Tính đến nay, đã có 25/28 tỉnh, thành phố ven biển thực hiện xong việc xác định hạn ngạch với tổng số đã xác định và công bố là 84.463 giấy phép, Trong đó, hoàn thành giao hạn ngạch vùng khơi với 31.297 giấy phép, đảm bảo nhu cầu sản xuất, từng bước kiểm soát cường lực khai thác, tiến tới giảm cường lực phù hợp với tình hình nguồn lợi thủy sản, đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành.
Mặc dù đạt được kết quả tăng ổn định, tuy nhiên, đó lại là tín hiệu “không vui” của ngành thủy sản. Bởi, sản lượng khai thác tiếp tục tăng mặc dù không tăng về số lượng tàu cá dẫn đến việc thực hiện mục tiêu Chiến lược phát triển thủy sản (giảm dần số lượng tàu cá và sản lượng khai thác) sẽ khó khăn hơn.
Thế nhưng, đây là điểm khó để ngành khai thác đảm bảo phát triển bền vững bởi sản lượng chạm ngưỡng an toàn trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Hơn nữa, công tác bảo quản sản phẩm chưa cải thiện, hiệu quả của hoạt động khai thác thương đối thấp. Bên cạnh đó, việc ứng dụng khoa học công nghệ trong khai thác chưa được nhiều để góp phần nâng cao giá trị sản phẩm khai thác. Tình trạng thiếu lao động, đặc biệt là lao động chất lượng cao đang phổ biến ở nhiều địa phương…
Giải pháp khắc phục
Để đảm bảo được mục tiêu kế hoạch đặt ra, ngành thủy sản đưa ra nhiều giải pháp khắc phục những bất cập, hạn chế hiện nay. Trước tiên, ngành sẽ tiếp tục theo dõi và nắm chắc về tình hình, diễn biến thời tiết nhất là trong những tháng có nhiều mưa bão để chỉ đạo kịp thời, huy động tàu thuyền khai thác phù hợp nghề và nguồn lợi thủy sản. Đẩy mạnh công tác tập huấn, tuyên truyền, phổ biến pháp luật liên quan đến khai thác thủy sản cho ngư dân: Hướng dẫn việc ghi nhật ký khai thác và báo cáo khai thác của tàu cá, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác kiểm tra, giám sát và cấp giấy chứng nhận, xác nhận thủy sản khai thác.
Mặt khác, quản lý chặt chẽ, quyết liệt đối với hạn ngạch khai thác hải sản, mục tiêu giảm dần số lượng tàu cá khai thác và đẩy mạnh công tác chuyển đổi từ nghề khai thác xâm hại nguồn lợi thủy sản và môi trường sang làm các nghề nuôi biển, nghề khác cho ngư dân đồng thời đảy mạnh việc hướng dẫn ngư dân tổ chức khai thác theo tổ, đội, tiết kiệm chi phí di chuyển ngư trường, nâng cao hiệu quả khai thác.
Quan trọng hơn cả là việc tăng cường công tác quản lý hoạt động của tàu cá trên biển, nhất là tàu cá hoạt động ở vùng khơi thông qua hệ thống giám sát tàu cá, xử lý nghiêm đối với tàu cá không lắp đặt thiết bị giám sát, không duy trì kết nối với hệ thống, hoạt động sai vùng, vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép; đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào công nghệ khai thác, nhất là công nghệ bảo quản sản phẩm hải sản, nâng cao năng suất, giá trị sản xuất khai thác thủy sản.
Và có lẽ điều cốt yếu là ngành cần tiếp tục nghiên cứu đề xuất các chính sách mới phù hợp với thực tiễn sản xuất và định hướng phát triển trong thời gian tới, đảm bảo chính sách được thực thi hiệu lực, hiệu quả, góp phần phát triển bền vững ngành thủy sản nói chung, nghề khai thác thủy sản nói riêng.