(TSVN) – Những ngày gần đây, ở nhiều địa phương đã xảy ra tình trạng thủy sản chết bất thường. Trước tình hình trên, các cơ quan chức năng đã vào cuộc xác định nguyên nhân và có những khuyến cáo cụ thể đến người nuôi.
Tại Tuyên Quang, từ ngày 8/10, các loại cá đặc sản của rất nhiều hộ dân nuôi lồng bè dọc hai bên bờ sông Lô thuộc địa phận các huyện Chiêm Hóa, Hàm Yên, Yên Sơn và TP Tuyên Quang bất ngờ chết hàng loạt. Ngay khi nắm được tình hình, Sở NN&PTNT Tuyên Quang đã khẩn trương thành lập các đoàn công tác kiểm tra khu vực xuất hiện cá chết để thực hiện lấy mẫu nước, mẫu cá gửi đi xét nghiệm xác định nguyên nhân. Đồng thời, phối hợp với Trung tâm Quan trắc môi trường và Bệnh thủy sản miền Bắc thực hiện quan trắc, lấy mẫu nước tại các khu vực có hiện tượng cá chết để xét nghiệm.
Nhiều lồng nuôi cá chiên ở huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) bị thiệt hại nặng nề. Ảnh: Huy Chung
Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản Tuyên Quang, tính đến ngày 10/10, hiện tượng cá chết xuất hiện tại 3 huyện Yên Sơn, Hàm Yên và Chiêm Hóa với tổng số 36 hộ nuôi, 114 lồng cá. Tổng khối lượng cá chết gần 12 tấn, trong đó chủ yếu là loại cá chiên đặc sản với giá trung bình khoảng 600.000 đồng/kg. Ước tính thiệt hại hơn 10 tỷ đồng. Nhiều hộ gia đình thiệt hại hàng trăm triệu đồng và chưa dám thả nuôi vụ mới vì nguyên nhân cá chết chưa được xác định.
Thông tin từ UBND xã Thạch Sơn, huyện Thạch Hà (tỉnh Hà Tĩnh) cho biết, vào sáng 6/10, có hơn 50 tấn cá vược nuôi lồng bè của gần 60 hộ dân trên địa bàn bị chết, nổi trắng mặt nước, thiệt hại rất nặng nề. Theo Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh, sau khi xảy ra tình trạng cá chết hàng loạt, đơn vị đã cử cán bộ xuống lấy 3 mẫu nước tại vùng nuôi cá lồng bè trên sông ở xã Thạch Sơn, huyện Thạch Hà gửi Trung tâm Quan trắc môi trường và Bệnh thủy sản miền Bắc kiểm tra. Kết quả phân tích mẫu nước cho thấy, cơ bản các chỉ tiêu trong 3 mẫu nước được phân tích đều có giá trị trong giới hạn cho phép. Tuy nhiên, có 4 thông số có giá trị không phù hợp cho nuôi cá là: pH, độ mặn, độ kiềm và sắt tổng số.
Cá vược chết hàng loạt tại xã Thạch Sơn, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh). Ảnh: Thanh Nga
Còn tại Khánh Hòa, từ giữa tháng 9, khoảng 80 tấn hàu nuôi của Công ty TNHH Hàu Thái Bình Dương Nha Trang bị chết bất thường trong vòng 7 ngày, khiến công ty mất trắng hơn 1 tỷ đồng. Ngoài ra, có khoảng 80 hộ nuôi hàu, cá chim vây vàng cũng bị thiệt hại, tỷ lệ hàu chết từ 70 đến 100%, cá chết từ 30 đến 40%. Nguyên nhân chính được xác định có thể là do ảnh hưởng của hiện tượng chuyển mùa, chiều và tối thường xảy ra mưa, chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm lớn, kết hợp với lượng ôxy hòa tan thấp, trong khi nồng độ khí độc N-NO2 cao, khoảng cách giữa các lồng bè nuôi không đảm bảo. Trong khi đó, vào cuối tháng 9, tại vùng nuôi Tàu Bể (xã Cam Lập, Cam Ranh) đã xảy ra hiện tượng tôm hùm nuôi chết bất thường. Có 4 hộ nuôi bị thiệt hại với 47 lồng nuôi tôm từ 5 đến 7 tháng tuổi, tỷ lệ chết khoảng 40%; 24 lồng mới thả tôm giống có tỷ lệ chết rất cao, từ 50 đến 100%. Thời điểm tôm chết, người dân phát hiện có 1 luồng nước màu nghi do hiện tượng tảo nở hoa. Những hộ bị thiệt hại đều có lồng nuôi nằm trong khu vực luồng nước màu đỏ này. Khi phát hiện, một số hộ đã nhanh chóng sục khí ôxy vào trong lồng nuôi thì giảm được tỷ lệ tôm chết. Thời điểm luồng nước màu đỏ này hết thì cũng không còn hiện tượng tôm chết bất thường.
Để khắc phục tình trạng thủy sản chết, ngành chức năng các địa phương khuyến cáo hộ nuôi tiếp tục thực hiện các biện pháp đảm bảo sản xuất. Cùng với đó kiểm tra, xử lý các yếu tố môi trường nước nơi đặt lồng bè nuôi, đảm bảo các yếu tố môi trường nằm trong giới hạn cho phép; di chuyển lồng bè đến vùng nuôi có chất lượng nước phù hợp. Tạm dừng các hoạt động thả nuôi thủy sản vào thời điểm hiện tại và theo dõi thường xuyên.
Thời tiết thất thường khiến hàu nuôi tại Khánh Hòa bị chết nhiều. Ảnh: Hải Lăng
Dự báo từ nay đến cuối năm, thời tiết diễn biến cực đoan, khó lường, ảnh hưởng tiêu cực đến thủy sản nuôi. Do đó, người nuôi cần thực hiện tốt giải pháp kỹ thuật quản lý vùng nuôi để tránh thiệt hại do biến động thời tiết. Vệ sinh lồng nuôi thường xuyên để tăng cường trao đổi nước trong và ngoài lồng nuôi; thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết, sự phân tầng nước, sức khỏe thủy sản nuôi để chủ động ứng phó. Khi sử dụng thức ăn tươi, cần đảm bảo chất lượng, sát trùng, định kỳ bổ sung vitamin và khoáng chất vào thức ăn nhằm tăng sức đề kháng cho thủy sản, giảm lượng thức ăn cho thủy sản trong những ngày diễn biến thời tiết thất thường để tránh dư thừa, gây ô nhiễm.
Khi phát hiện có dấu hiệu bất thường về môi trường, thủy sản chết, người dân cần thông báo ngay đến cơ quan chức năng để có giải pháp xử lý kịp thời. Trường hợp thủy sản chết bất thường, cần thu gom, đưa vào bờ xử lý, không được xả trực tiếp ra vùng nuôi, gây ô nhiễm, lây lan dịch bệnh.
>> Người dân cần theo dõi chặt chẽ môi trường nước trong thời điểm thời tiết chuyển mùa, thường xuyên kiểm tra các chỉ tiêu, đặc biệt là hàm lượng ôxy hòa tan để có biện pháp xử lý kịp thời.
Nguyễn An