Singapore: Chiến lược tự chủ nguồn cung thuỷ sản

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Trong một tuyên bố trước truyền thông vào tháng 3/2022, Cục Thực phẩm Singapore (SFA) đã cam kết nâng cao năng lực của ngành công nghiệp thực phẩm nông nghiệp. Theo đó, sẽ tiếp tục hỗ trợ nông dân đẩy mạnh sản xuất, tăng năng suất, đồng thời đảm bảo duy trì được khả năng ứng phó linh hoạt trước biến đổi khí hậu và sử dụng nguồn lợi tự nhiên hiệu quả.

Để thực hiện được những mục tiêu trên, SFA sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động đầu tư dài hạn để tăng sản xuất, thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ cho các sản phẩm nội địa và phát triển các quỹ hỗ trợ. 

Thuỷ sản là một trong những nguồn protein phổ biến mà Singapore có khả năng tự sản xuất trong nước bằng những phương thức hiệu quả và bền vững. Các trang trại của quốc gia này giữ vai trò quan trọng trong việc củng cố an ninh lương thực vì sản xuất trong nước sẽ góp phần làm giảm phụ thuộc vào nhập khẩu và giải quyết khủng hoảng thị trường trong giai đoạn gián đoạn nguồn cung do đại dịch. Do đó, SFA cũng cam kết sẽ hỗ trợ các trại nuôi cá biển đầu tư dài hạn trong tương lai. 

Cơ quan này cũng lên kế hoạch nâng quy mô của ngành nuôi trồng thủy sản trong nước thông qua “Kế hoạch chiến lược cho nuôi trồng thủy sản Singapore”. Các chiến lược bao gồm: 

– Khám phá những vùng đất mới và tiềm năng để nuôi thuỷ sản thông qua hình thức đấu thầu và cho thuê dài hạn. 

– Hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang ngành công nghiệp nuôi trồng thủy sản năng suất cao, ứng phó tốt với biến đổi khí hậu và sử dụng nguồn lợi hiệu quả bằng công nghệ và áp dụng các phương pháp quản lý trang trại phù hợp gồm thực hiện các khảo sát môi trường và nguồn nước, khảo sát chất lượng đáy biển. 

– Hỗ trợ nghiên cứu và cải tiến trong nuôi biển nhiệt đới bền vững bằng cách đẩy mạnh hoạt động của các trung tâm nuôi biển thuộc SFA.

Một hệ thống nuôi cá nổi mới nhất tại Singapore do EcoArk phát triển. Mô hình này kết hợp công nghệ cao như RAS và năng lượng xanh để cung cấp điện năng cho trang trại. Ảnh: SFA

Thời hạn sử dụng mặt nước biển để nuôi thuỷ sản tại khu vực Johor Straits dành cho các đơn vị trúng thầu lên đến 20 năm và được gia hạn thêm 10 năm kể từ cuối năm 2022. Chiến lược này giúp nông dân yên tâm sản xuất và đầu tư dài hạn. Một số quy định liên quan đến thuế phí hoạt động của trang trại đó trong năm đầu tiên cũng sẽ được xóa bỏ theo đúng như cam kết của chính phủ là không tăng thuế và phí trong năm 2023. Giải pháp này nhằm giảm thiểu áp lực chi phí đè nặng lên người nông dân. SFA cũng tuyên bố sẽ xem xét lại các khoản thuế phí liên quan đến thủ tục xin giấy phép nuôi biển cho người dân. 

Từ đầu năm 2021, SFA đã kêu gọi các trại nuôi biển đẩy mạnh phương pháp quản lý trang trại và thực hiện các giải pháp hỗ trợ phương thức thực hành bền vững hơn để giúp trang trại nâng cao sản lượng đầu ra. Cụ thể, SFA đã hỗ trợ trang trại giám sát tác động của các hoạt động NTTS, đưa ra những giải pháp ngăn chặn và kiểm soát lây lan dịch bệnh và sử dụng thức ăn chăn nuôi hiệu quả hơn. Điều này cũng giúp các trại nuôi biển phát triển bằng cách nâng cao sản lượng và tỷ lệ sống của cá và đảm bảo môi trường xung quanh không bị suy thoái theo thời gian. 

SFA sẽ tiếp tục gắn kết với nông dân để phát triển ngành nuôi trồng thủy sản vững mạnh thông qua chuyển đổi sang một ngành công nghiệp hiệu quả và bền vững. Nhu cầu của người tiêu dùng cũng được xem là chìa khóa để duy trì một hệ sinh thái nông nghiệp thực phẩm khỏe mạnh và phát triển. Hỗ trợ sản xuất tại địa phương chính là hỗ trợ nông dân trong nước và thúc đẩy họ nâng cao năng suất để đáp ứng nhu cầu đang gia tăng và thực hiện các phương thức nuôi trồng thủy sản bền vững, đổi lại, góp phần vào củng cố an ninh lương thực quốc gia. 

Mi Lan 

Theo Aquaculture

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!