(TSVN) – Các trang trại thủy sản của Singapore đã buộc phải tăng giá sản xuất do chi phí vận hành ngày càng tăng, lạm phát, gián đoạn chuỗi cung ứng, giá thức ăn và điện, cùng nhiều vấn đề khác.
Tuy nhiên, theo tờ The Straits Times đưa tin, một số trang trại cho biết đã có sự gia tăng nhu cầu đối với các sản phẩm thủy sản trong bối cảnh các mối đe dọa về an ninh lương thực.
Theo Tập đoàn nuôi trồng thủy sản Barramundi Group, Công ty này đã phải đối mặt với “sự gia tăng vượt bậc” về chi phí năng lượng, dầu diesel và nguyên liệu thô. Giám đốc Marketing James Kwan của Barramundi cho biết: “Ngay cả khi đã có biện pháp phòng ngừa để giảm chi phí điện, chúng tôi vẫn thấy chi phí gần như tăng gấp 3 lần kilowatt mỗi giờ”.
Nhiều nhà sản xuất thủy sản địa phương cho biết họ đang phải đối mặt với “sự gia tăng vượt bậc” về chi phí năng lượng, dầu diesel và nguyên liệu thô. Ảnh: ST File
Ông nói thêm rằng giá thức ăn cho cá đã tăng đáng kể trong vài tháng qua, và sắp tới sẽ còn tăng thêm. Ngoài ra, xung đột Nga – Ukraine cũng ảnh hưởng sâu sắc, cả hai nước đều là những nhà sản xuất ngũ cốc và các mặt hàng nông sản quan trọng nhất. Các hiện tượng thời tiết bất lợi gần đây cũng đã và đang ảnh hưởng đến mùa màng trong khu vực.
Dù buộc phải tăng giá 15% đối với các sản phẩm của mình từ ngày 1/7, Tập đoàn Barramundi lại nhận thấy nhu cầu về cá chẽm và cá hồi tăng khoảng 10% trên trang web bán lẻ của mình.
Một phát ngôn viên của Liên đoàn Doanh nghiệp Nông sản Singapore cũng cho biết một số trang trại mở cửa cho khách tham quan đã báo cáo lượng khách đến tham quan tăng lên trong vài tháng nay khi mọi người quan tâm hơn đến các sản phẩm địa phương và muốn tìm hiểu thêm về quy trình sản xuất.
Ông Jeremy Ong, Giám đốc điều hành của trang trại nuôi tôm thẳng đứng Universal Aquaculture, cho biết: “Điểm thuận lợi của COVID-19 và chiến tranh là an ninh lương thực hiện đang được đặt lên hàng đầu trong các vấn đề thế giới và sản xuất địa phương đang đạt được sức hút”.
Universal Aquaculture đã sản xuất tôm thẻ chân trắng trong các bể xếp chồng lên nhau tại trang trại Tuas trong nhà kể từ năm ngoái. Ông Ong cho biết chi phí điện của trang trại đã tăng gấp đôi và giá thức ăn tăng 30% nhưng Công ty đã không điều chỉnh giá tôm cho đến nay.
Fish Farmer, có 4 trang trại cá ngoài khơi bờ biển Lim Chu Kang và Changi, đã nhận thấy nhu cầu đối với các sản phẩm của họ tăng lên kể từ giữa năm ngoái – khoảng thời gian bóng đen phủ lên nguồn cung thủy sản địa phương khi COVID-19 – đã buộc Cảng Ngư nghiệp Jurong phải đóng cửa trong 2 tuần.
Giám đốc điều hành của Fish Farmer, ông Malcolm Ong cho biết Công ty cũng phải đối mặt với chi phí gia tăng – chủ yếu là thức ăn cho cá và dịch vụ logistics – và đã phải tăng giá sản phẩm của mình.
Trước đó, Singapore đã đặt mục tiêu sản xuất 30% nhu cầu dinh dưỡng của người dân vào năm 2030.
Hải Phong
Theo Straits Times