(TSVN) – Mặc dù đã có rất nhiều nỗ lực, nhưng trước không ít khó khăn, ngành tôm Việt Nam khó có thể làm nên cú ngược dòng về đích thành công. Bởi theo nhận định của nhiều chuyên gia, nếu thuận lợi, xuất khẩu tôm chỉ có thể rút ngắn khoảng cách sụt giảm về mức 10 – 15% so năm trước.
Từ đầu tháng 10 đến nay, hầu như giá tôm chỉ có tăng chứ không hề giảm, đặc biệt là tôm cỡ lớn có tốc độ tăng rất nhanh. Theo ghi nhận của phóng viên Đặc san Con Tôm, giá tôm sú sau thời gian ảm đạm, gần đây bắt đầu tăng mạnh trở lại. Tôm thẻ chân trắng (TTCT) loại 20 con/kg hiện được các nhà máy thu mua với giá 175.000 – 180.000 đồng/kg, loại 30 con/kg 142.000 – 145.000 đồng/kg, đặc biệt, TTCT cỡ 100 con/kg cũng đã lên mức 82.000 – 85.000 đồng/kg.
Nhịp độ xuất khẩu tôm đã tăng trở lại từ nửa cuối quý III và duy trì đến hiện nay
Sôi động nhất, phải kể đến thị trường tôm tươi sống tiêu thụ nội địa và một phần xuất sang các nước lân cận như: Trung Quốc, Campuchia… Đây chính là nguyên nhân đẩy giá tôm sú tươi sống (còn gọi là tôm ôxy) loại 20 con/kg lên mức 300.000 – 330.000 đồng/kg, loại 30 con/kg giá 190.000 – 200.000 đồng/kg. Tương tự, TTCT ôxy loại 20 con/kg cũng có giá 200.000 – 210.000 đồng/kg, loại 30 con/kg giá 152.000 – 155.000 đồng/kg…
Theo các thương lái thu mua tôm ôxy, giai đoạn cuối năm và đầu năm luôn là cao điểm của thị trường nội địa. Do đó, tuy sức tiêu thụ từ thị trường nội địa năm nay không quá mạnh so những năm trước, nhưng vì lượng tôm không còn nhiều (nhất là tôm cỡ lớn), nên chuyện tăng giá là hiển nhiên. Hơn nữa, thời điểm này, thị trường Trung Quốc và Campuchia cũng đang tiêu thụ mạnh, nên để có đủ hàng giao cho khách, chỉ có một con đường là tăng giá.
Các thương lái tranh mua tôm ôxy với giá cao, khiến thị trường tôm trong nước sôi động trở lại
Tuy lượng tiêu thụ tôm tươi sống không quá lớn, nhưng cũng tác động đến giá thu mua từ các nhà máy. Theo đó, hầu hết các nhà máy đều có sự điều chỉnh giá tôm, theo hướng tăng thêm 1.000 – 2.000 đồng/kg (tùy kích cỡ và diễn biến thị trường). Bởi nếu không tăng giá tôm, sẽ khó có thể thu mua được tôm, do áp lực cạnh tranh từ các đại lý thu mua tôm tươi sống. Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta nhìn nhận: “Thật ra, từ cuối quý III/2023, giá tôm đã bắt đầu phục hồi nhẹ và kéo dài đến hiện nay. Tuy nhiên, sự tăng giá này chủ yếu đến từ tác động cung – cầu trong nước, chứ không phải tín hiệu ấm lên từ thị trường xuất khẩu”.
Đây là điều được hầu hết các doanh nghiệp chia sẻ. Bởi các đơn hàng phục vụ mùa Noel, tết Dương lịch cho các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, gần như đã hoàn tất. Riêng các thị trường châu Á, những đơn hàng trong năm 2023, cũng chỉ còn khoảng chưa đầy 1 tháng nữa là kết thúc việc giao hàng.
Ông Võ Văn Phục, Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản sạch Việt Nam (Vinacleanfood) chia sẻ: “Bước sang quý III/2023, các doanh nghiệp đều tăng tốc chế biến, xuất khẩu, để kịp giao đơn hàng phục vụ lễ, Tết cuối năm 2023 và đầu năm 2024. Đến đầu tháng 12 này, nhịp độ sẽ có phần giảm lại và thông thường nhịp độ giảm này sẽ kéo dài cho đến hết quý I/2023. Tuy nhiên, nhịp độ xuất khẩu thay đổi thế nào trong những tháng đầu năm mới, còn tùy thuộc vào sức tiêu thụ dịp cao điểm lễ, Tết như đã nói ở trên”.
Cũng theo chia sẻ của các doanh nghiệp, từ nay đến cuối năm, tuy nhịp độ xuất khẩu không tăng, nhưng do lượng tôm trong nước không còn nhiều, cộng thêm các doanh nghiệp cũng cần một lượng dự trữ tôm nhất định để sản xuất, trong lúc mùa tôm mới chưa có thu hoạch, nên nhìn chung, việc tiêu thụ tôm trong nước cũng không quá khó khăn.
Dự báo, giá tôm từ nay đến cuối năm, thậm chí cả quý I/2024, khả năng sẽ tăng nhẹ so với hiện tại, khó có khả năng giảm. Vì đây là khoảng thời gian sức tiêu thụ trong nước tăng mạnh, nhưng lượng tôm thu hoạch thì không nhiều, nhất là tôm cỡ lớn. Ông Đặng Ngọc Sơn – Tổng Giám đốc Công ty Camimex (Cà Mau) nhận định: “Đến thời điểm hiện tại, thị trường tuy có sáng hơn, nhưng chủ yếu là tăng mạnh về lượng, chứ còn giá thì chỉ tăng chút ít ở phân khúc tôm giá trị gia tăng. Do đó, theo tôi khó có doanh nghiệp nào đạt được kế hoạch đề ra ở đầu năm”.
Năm 2023 đang trôi về cuối, cuộc chiến Nga – Ukraine không giảm nhiệt, tháng 10 lại thêm căng thẳng ở Trung Đông; sản lượng tôm Ecuador tăng trưởng khá mạnh, gây áp lực kép phải tiêu thụ giá thấp, tất cả đã khiến người nuôi và doanh nghiệp chế biến – doanh nghiệp xuất khẩu lao đao. Giá tiêu thụ thấp, làm cho sức tiêu thụ tôm bị tác động khá mạnh, đa phần các thị trường đều bị giảm sút. Đây là tình hình chung của các cường quốc nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu tôm trên thế giới, chứ không riêng gì Việt Nam. Cũng theo các doanh nghiệp, thời gian còn lại của năm, khả năng nhịp độ xuất khẩu tôm, chẳng những không thể tăng trưởng mạnh hơn, mà nhiều khả năng sẽ đi ngang, thậm chí giảm nhẹ trở lại.
Tuy khó có thể làm cú ngược dòng về đích như những năm trước đây, do giá xuất khẩu vẫn chưa được cải thiện nhiều, nhưng với nhịp độ xuất khẩu tiếp tục duy trì ở mức khá tốt về lượng, cộng thêm sự sôi động trở lại ở phân khúc thị trường tôm tươi, ít nhiều sẽ giúp giá tôm duy trì ở mức có lợi cho người nuôi tôm, giúp người nuôi tôm có thêm niềm tin, động lực, chuẩn bị bước vào vụ nuôi mới của năm 2024.
>> Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta chia sẻ: “Hiện nay, chiến tranh Nga - Ukraine căng thẳng kéo dài, hệ lụy lạm phát suy thoái ngày càng trầm trọng vượt dự tính; áp lực nguồn cung tôm nhất là từ Ecuador; hoàn cảnh tăng sản lượng nuôi tôm gặp khó khăn bất ngờ... Tất cả cộng hưởng lại, đã khiến hoạt động của Công ty Sao Ta nói riêng và các doanh nghiệp ngành tôm nói chung không được như ý, mặc dù sự nỗ lực của toàn ngành tôm từ nửa cuối năm là khá tốt”
An Xuyên