(TSVN) – Chuyển đổi số trong lĩnh vực thủy sản sẽ thay đổi phương thức sản xuất để đạt mục tiêu trở thành nghề cá hiện đại và cũng là giải pháp căn bản để hệ thống hóa dữ liệu quản lý tàu cá. Vì vậy, thời gian qua, nhiều địa phương ven biển đã chú trọng đến việc tuyên truyền, vận động ngư dân ứng dụng công nghệ thông minh vào khai thác, giúp nâng cao năng suất, chất lượng cho sản phẩm thủy sản.
Toàn tỉnh Thanh Hóa hiện có trên 6.000 tàu cá, trong đó, tàu có chiều dài từ 15 m trở lên (thuộc diện tham gia đánh bắt vùng khơi) là gần 1.100 chiếc. Theo thống kê của Chi cục Thủy sản Thanh Hóa, toàn tỉnh có khoảng 30% tàu cá hoạt động xa bờ ứng dụng công nghệ dò tìm bằng máy dò Sona; 10% tàu cá ứng dụng bảo quản sản phẩm bằng hầm bảo quản vật liệu mới PU; 10% tàu cá ứng dụng hệ thống đèn Led tiết kiệm năng lượng để dẫn dụ cá; và nhiều công nghệ, cải tiến mới khác.
Cùng với việc đầu tư trang thiết bị, công nghệ nâng cao năng suất khai thác hải sản, 100% tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên của ngư dân địa phương đều đã được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, tín hiệu được cập nhật vào đất liền 24/24 giờ. 100% tàu cá có đăng ký của tỉnh được nhập vào cơ sở dữ liệu nghề cá Quốc gia Việt Nam (Vnfishbase – là cơ sở dữ liệu khá toàn diện và trở thành công cụ hữu ích trong quản lý nghề cá, năng lực khai thác hải.
Triển khai ứng dụng công nghệ thiết bị lái tự động trên tàu cá, giúp tiết kiệm được nhiên liệu và đảm bảo sức khỏe của ngư dân khi hoạt động trên biển. Ảnh: Đức Thắng
Hiện, Chi cục Thủy sản Thanh Hóa đang tích cực tuyên truyền và triển khai chính sách hỗ trợ ứng dụng công nghệ vật liệu mới trong đóng mới hầm bảo quản sản phẩm khai thác thủy sản, hỗ trợ mua thiết bị giám sát hành trình và phí thuê bao dịch vụ thiết bị giám sát hành trình cho chủ tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh. Đồng thời, tích cực ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác quản lý tàu cá; qua đó, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm thủy sản sau khai thác cũng như hiệu quả công tác quản lý tàu cá trên địa bàn.
Để tăng cường hiệu quản quản lý tàu cá cũng như tạo thuận lợi hơn trong mỗi chuyến ra khơi, ngành chức năng tỉnh Bình Định đã tích cực triển khai chuyển giao ứng dụng các công nghệ thông minh, cơ giới hóa trong khai thác hải sản và nhận được sự hưởng tích cực của ngư dân trên. Trong đó phải kể đến những công nghệ được áp dụng phổ biến như: Máy thông tin liên lạc có tích hợp định vị vệ tinh, thiết bị giám sát hành trình, máy tời thủy lực, máy dò cá, hệ thống truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử, đặc biệt, ứng dụng hệ thống lái tự động trên tàu cá là ứng dụng công nghệ tự động tiên tiến nhận được sự hưởng ứng từ ngư dân.
Đại diện Chi cục Thủy sản Bình Định thông tin, hệ thống máy lái tự động có cấu tạo gồm 4 phần chính: màn hình led 7 inch dễ thao tác, chọn hướng đi hoặc tọa độ điểm đến, có lưu điểm lên tới 20 điểm; màn hình kết hợp hệ thống xử lý dữ liệu; la bàn điện tử tích hợp GPS, cảm ứng định vị giúp xác định vị trí và ổn định hướng; bộ phản hồi góc bánh lái được thiết kế để phù hợp với các hệ thống lái. Hệ thống này sử dụng vô lăng điện thông minh chỉ tác động xoay cốt lái thủy lực giúp hệ thống lái an toàn và đơn giản nhất hiện nay. Đặc biệt, sử dụng mô hình lái tự động có ưu điểm là sử dụng được 4 chế độ lái bằng tay, lái tự động, lái bằng điểm và lái hành trình với các chức năng báo động, báo động cảnh giới cho thuyền trưởng như: báo động về lệch hướng, quá tải bánh lái, tốc độ và báo động đến, cảm biến chuyển động, báo động chống ngủ quên, giúp người lái trong trường hợp buồn ngủ chức năng sẽ báo động khi phát hiện không có người cảnh giới nhằm bảo đảm an toàn cho người và tàu cá hoạt động trên biển.
Là địa phương có đội tàu khai thác thủy sản thuộc top đầu cả nước, thời gian qua, Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau đã không ngừng đẩy mạnh số hóa trong quản lý, khai thác thủy sản, góp phần nâng cao hiệu quả công tác thống kê, kiểm soát tàu cá, chống khai thác IUU. Theo đó, nhiều phần mềm đã được ứng dụng trong công tác quản lý, phục vụ sản xuất, nổi bật như: Phần mềm truy xuất nguồn gốc thủy sản eCDT; Blokchain (công nghệ truy xuất thủy sản, nhất là tôm – rừng). Ðặc biệt, gần đây là việc triển khai số hóa trong việc quản lý tàu cá nhằm chống khai thác IUU trên địa bàn tỉnh, đã đem lại tín hiệu tích cực.
Nói về ưu điểm của công nghệ số hóa đối với lĩnh vực khai thác thủy sản, ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh cho biết, trước đây đơn vị chủ yếu quản lý việc khai thác hải sản bằng phương pháp thủ công, vừa mất nhiều thời gian, mà công tác tổng hợp, báo cáo thiếu tính chính xác, chưa đầy đủ. Theo đó, công tác chỉ đạo, điều hành có lúc chậm và chưa kịp thời. Khi xảy ra các trường hợp tàu cá mất tín hiệu, mất kết nối ở ngoài khơi, hoặc tàu hết hạn đăng ký, đăng kiểm thì cũng khó xác định phương tiện nằm ở đâu, chủ yếu thông tin chỉ dựa vào cơ sở, địa phương. Tuy nhiên, khi thực hiện chuyển đổi số ngành nông nghiệp nói chung, số hóa kết quả IUU nói riêng đã góp phần không chỉ giảm chi phí về giấy tờ, thủ tục báo cáo mà còn cập nhật tình trạng tàu cá một cách nhanh chóng, kịp thời từ tỉnh đến cơ sở. Từ đó, lãnh đạo tỉnh có sự chỉ đạo kịp thời, đôn đốc, nhắc nhở, chấn chỉnh, góp phần đảm bảo công tác quản lý dữ liệu tàu cá, chống khai thác IUU.
Bên cạnh đó, với ứng dụng số hóa dữ liệu IUU, có thể thống kê, cập nhật số lượng tàu cá trong tỉnh về còn hạn, hết hạn giấy phép khai thác/đăng kiểm theo danh mục, địa bàn của từng huyện, từng xã. Thống kê, cập nhật danh sách tàu cá mất kết nối theo danh mục lựa chọn trong bờ, ngoài khơi… Số hóa hồ sơ, văn bản, hình ảnh, tọa độ… đối với các trường hợp tàu cá trễ hạn giấy phép, tàu cá nằm bờ, tàu cá sang bán trong và ngoài tỉnh, tháo thiết bị giám sát hành trình… Ðồng thời, với ứng dụng này, mọi cấp độ người dùng trên ứng dụng ở các vai trò cấp tỉnh, huyện, xã tham gia quản lý, giám sát, số hóa dữ liệu tàu cá được thực hiện dễ dàng thông qua trình duyệt web trên máy tính hoặc thông qua ứng dụng trên thiết bị di động. Tất cả thông tin sẽ được lưu trữ và phân quyền truy cập tập trung trong ứng dụng theo chức năng của từng đơn vị từ cấp xã đến huyện, thành phố, tỉnh.
Theo thông tin từ Sở NN&PTNT tỉnh, từ đầu năm đến nay, ngành nông nghiệp tỉnh đã thống kê, xác minh được trên 4.000 tàu cá còn hạn giấy phép khai thác, đạt 98,50%; 2.502 tàu cá còn đăng kiểm, đạt 84,76%; 100% tàu cá đang hoạt động được đánh dấu, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định; cập nhật 100% dữ liệu tàu cá của tỉnh trên phần mềm VN-Fishbase và Hệ thống giám sát tàu cá. Cùng đó, đã xác minh 36 tàu/40 lượt tàu cá mất tín hiệu kết nối ngoài khơi từ 10 ngày trở lên. 100% vụ việc vi phạm được xử lý và cập nhật vào hệ thống phần mềm theo dõi, quản lý hoạt động xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản. Mặt khác, ngành nông nghiệp địa phương đã hướng dẫn triển khai thực hiện Hệ thống truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử (eCDT) cho 247 thuyền trưởng/247 tàu cá, nhưng chỉ cài đặt được cho 129 thiết bị/129 tàu cá, số còn lại không thực hiện được do thuyền trưởng không sử dụng điện thoại thông minh hoặc có nhưng sử dụng điện thoại có hệ điều hành không tương thích. Cạnh đó, các cảng cá đã tạo yêu cầu thử nghiệm thành công 46 lượt tàu xuất cảng và 12 lượt tàu cập cảng.
Vân Anh
(Tổng hợp)
Việc tăng cường ứng dụng máy móc, thiết bị, công nghệ tiên tiến, công nghệ số, công nghệ thông minh trong các khâu của quá trình khai thác thủy sản hiện nay là phù hợp với mục tiêu đồng bộ, theo chuỗi liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm; góp phần thúc đẩy nhanh phát triển ngành thủy sản theo hướng hiện đại và bền vững, không chỉ nâng cao giá trị kinh tế mà còn đảm bảo an toàn cho ngư dân trong quá trình sản xuất trên biển.