Sò huyết (Tegillarca granosa) không những có giá bán cao, kỹ thuật nuôi đơn giản mà còn có tác dụng làm sạch môi trường và có thể nuôi ghép với các loài khác mang lại lợi nhuận cao.
Đã từ lâu sò huyết được coi như loài đặc sản biển có giá trị đối với sức khỏe con người. Sò huyết được chế biến thành các món ăn như nấu cháo, hấp, nướng, xào, gỏi… Ngoài cung cấp thị trường trong nước, chúng còn được xuất khẩu sang Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc… Hiện, giá bán sò huyết thương phẩm trên thị trường 60 – 80 nghìn đồng/kg, giá xuất khẩu 7 – 10 USD/kg.
Đặc điểm sinh học
Sò huyết có 2 vỏ dày dạng hình trứng, đối xứng với nhau. Trên mặt vỏ có nhiều gờ phóng xạ, bên ngoài màu nâu đen, bên trong màu trắng sứ. Ở nước ta, sò huyết phân bố ở các của sông và đầm phá từ Bắc vào Nam, tập trung nhiều tại các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Phú Yên, Khánh Hòa, Bến Tre, Ninh Thuận và Kiên Giang.
Ảnh: Trần Út
Sò huyết thường sống ở những vùng triều, thời gian phơi bãi ngắn (5 – 6 giờ/ngày), chất đáy là bùn cát gần các cửa sông, đầm phá ven biển những nơi bằng phẳng ít sóng gió. Nhiệt độ thích hợp phát triển 25 – 300C, độ muối thích hợp 20 – 27‰ và chúng không chịu được sự thay đổi đột ngột của độ mặn.
Sò thường vùi mình dưới bùn, khi triều lên sử dụng cơ chế ăn lọc như những loài nhuyễn thể khác. Thức ăn chính là các loài tảo biển, các mùn bã hữu cơ và huyền phù lơ lửng trong nước. Chúng thành thục và sinh sản sau hai năm tuổi, kích thước dao động 2 – 3 cm.
Sò huyết thụ tinh ngoài, giới tính của chúng có thể phân biệt dựa vào màu sắc của bộ phận sinh dục, ở con cái là màu vàng cam, còn ở con đực có màu vàng nhạt. Chúng có khả năng sinh sản nhiều lần trong một năm. Vào mùa sinh sản, khi gặp điều kiện môi trường thuận lợi như nhiệt độ và độ mặn, con cái và con đực sẽ đồng loạt phóng tinh trùng vào nước. Trứng được thụ tinh, sau 36 – 48 giờ sẽ nở ra ấu trùng trochophora, ấu trùng ban đầu sống bằng cách ăn các loại tảo đơn bào trong nước biển. Khi chuyển sang giai đoạn ấu trùng bò lê chúng di chuyển xuống sống ở tầng đáy, sử dụng tảo đáy làm thức ăn, và dần chuyển sang ăn lọc giống như con trưởng thành. Thời gian này kéo dài tới 15 – 20 ngày. Trung bình một con cái (chiều dài 3 cm)đẻ được 3,4 triệu trứng/lần.
Tiềm năng nuôi
Vấn đề chính trong nuôi sò huyết chủ yếu là lựa chọn địa điểm, dọn dẹp quây đầm bãi, lấy nước và thả giống. Chúng sử dụng thức ăn tự nhiên nên không tốn chi phí mua thức ăn mà chỉ bỏ công trông coi bãi và đến kỳ con nước thì lấy nước vào đầm nuôi để tăng lượng thức ăn. Khi nuôi trong ao, đầm có thể thả ghép thêm tôm, cua hoặc cá để tăng sản lượng. Theo kinh nghiệm từ các hộ nuôi thành công thì nuôi sò huyết nên thả giống lớn (1.000 con/kg) và mật độ vừa phải (60 con/m2), đồng thời nuôi xen canh với loài khác thì sau 8 – 10 tháng nuôi sẽ cho tỷ lệ sống đạt 60 – 70%, năng suất 5 – 7 tấn/ha, lợi nhuận 120 – 150 triệu đồng/ha.
>> Địa chỉ cung cấp giống sò huyết 1. Trại giống Thiên Phước, số 16 Củ Chi, P. Vĩnh Hải, TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa; Liên hệ: Xuân Nguyễn: 0946 960 048, 0582471349 2. Đại lý giống Đức thiện, tỉnh Trà Vinh; ĐT: 0913 729 368 3. Đại lý giống Nguyễn Hoàng Chung, tỉnh Cà Mau; ĐT: 0977 765 830 |