Sóc Trăng: Hiệu quả nuôi cá lóc vèo kết hợp trê vàng

Chưa có đánh giá về bài viết

Để tận dụng diện tích mặt nước trên sông, rạch đưa vào sản xuất, một số hộ Khmer ở xã Viên An (huyện Trần Đề) đã phát triển mô hình nuôi cá lóc trong vèo lưới trên sông kết hợp cá trê vàng lai, bước đầu mang lại hiệu quả khá cao.

chương trình có sự phối hợp của trung tâm khuyến nông quốc gia

Khẳng định hiệu quả

Bà Lâm Sóc Khoa, ở ấp Tiếp Nhựt, xã Viên An là một trong những hộ nuôi cá lóc trong vèo kết hợp với cá trê trên sông đạt hiệu quả và cho thu nhập tốt.

Bà Khoa cho biết: “Năm đầu tiên tôi nuôi 1.000 con giống cá lóc và thả thêm 2 kg giống cá trê vàng lai. Vì là lần đầu tiên nuôi, chưa có nhiều kỹ thuật cũng như kinh nghiệm chăm sóc, nên thất thoát khá nhiều, nhưng sau 3 tháng tôi vẫn lời gần 2 triệu đồng. Những đợt nuôi sau này, tỷ lệ sống càng cao và bán được giá. Mới đây, với 1 vèo thả nuôi 300 con giống cá lóc và 2 kg con giống trê, tôi thu hoạch được 71 kg cá lóc bán giá 45.000 đồng/kg và 65 kg cá trê giá 25.000 đồng/kg, tính ra lời được hơn 3 triệu đồng”. Cũng theo bà Khoa, nuôi cá trong vèo không kỳ công như nuôi trong ao đất, chỉ tốn thời gian chế biến thức ăn, nên chỉ sau hai năm nuôi cá mà kinh tế gia đình bà đã khá lên.

hiệu quả nuôi cá lóc vèo kết hợp trê vàng

Bà Lâm Sóc Khoa đang cho cá lóc ăn – Ảnh: LHV

Ông Trần Thanh Sang cùng thôn cũng khẳng định, việc tận dụng mặt nước sông, rạch để nuôi cá vèo rất hiệu quả. Với diện tích khoảng 40 m2, một năm nuôi 3 vụ, mỗi vụ đầu tư khoảng gần 6 triệu đồng cho 3.000 con cá lóc giống và thức ăn. Sau 3 tháng rưỡi đến 4 tháng nuôi, thu gần 1 tấn cá thương phẩm, trọng lượng bình quân 450 – 500 g/con. Giá cá lóc thu mua trên thị trường từ 45.000 đồng/kg trở lên, nên sau 3 vụ nuôi tôi thu lãi tổng cộng gần 30 triệu đồng. Ngoài ra, để tận dụng nguồn thức ăn dư thừa từ cá lóc tôi thả nuôi cá trê ở bên ngoài lưới và cũng thu được nguồn lãi đáng kể.

Theo ông Sang, trước khi thả giống, phải để cá trong túi nilon 10 – 15 phút, cho nước vào túi, rồi từ từ thả cá ra vèo. Thức ăn cho cá là các loại tép, cá con và thức ăn chế biến (cá tạp hoặc phế phẩm ở cơ sở chế biến thủy sản xay nhuyễn, sau đó trộn với cám, men tiêu hóa, vitamin và muối khoáng thích hợp). Cá còn nhỏ cho ăn 3 lần/ngày, khi cá được 2 tháng tuổi cho ăn 2 lần/ngày, cá lớn cho ăn 1 lần/ngày cho tới khi xuất bán. Ngoài ra, một kinh nghiệm không thể bỏ qua đối với mô hình nuôi cá lóc kết hợp cá trê trong vèo lưới trên sông là việc bố trí mùng, phải làm sao cho đáy mùng lưới cách đáy sông khoảng 0,5 m, vừa giảm ô nhiễm cho đáy mùng, vừa hạn chế cua kẹp rách đáy có thể làm thất thoát cá, ngoài ra vì cá lóc có thể nhảy cao 1 – 1,2 m nên miệng mùng phải cao hơn mặt nước khoảng 1,5 m và phải may lưới phía trên để tránh chim ăn cá lúc mới thả giống. Cũng có thể che mát cho cá bằng cách bố trí tàu dừa trên mùng lưới.

 

Nghiên cứu nhân rộng

Với lợi thế luôn có nguồn nước ngọt ổn định quanh năm, một số người dân địa phương đã bố trí lưới mùng xuống sông, rào lại từng khoảng nhỏ để nuôi. Theo đó, người nuôi chọn loại lưới xanh có kích thước lỗ lưới khoảng 2,5 cm, thiết kế mùng lưới nuôi cá lóc gồm 2 phần: phần mùng lưới bên ngoài mùng lưới lớn hình chữ nhật bao bọc rộng 20 – 30 m2 dùng để nuôi cá trê vàng; phía trong bố trí 2 – 3 mùng lưới nhỏ nuôi cá lóc.

Ở mô hình này, dù chi phí đầu tư mùng lưới cao hơn so với cách nuôi truyền thống nhưng lại có nhiều tiện lợi như tránh cá lóc nuôi thất thoát, mùng lớn phía bên ngoài tận dụng nuôi được cá trê vàng nên nâng cao thêm thu nhập cho hộ nuôi. Cá trê vàng bên ngoài có thể tận dụng thức ăn dư thừa của cá lóc, làm sạch các chất bùn đáy lắng đọng phía dưới đáy và thành mùng lưới nuôi cá lóc nên hạn chế được vấn đề ô nhiễm nguồn nước trên sông rạch cũng như dịch bệnh cho cá nuôi. Từ đó giúp cá lóc nuôi lớn nhanh, nâng cao được năng suất và thu nhập.

Theo các cán bộ nông nghiệp xã Viên An, mô hình nuôi cá lóc trong vèo có ưu điểm là không cần diện tích lớn, tận dụng một số diện tích mặt nước trong ao, hồ hoặc mép kênh để làm vèo nuôi. Mặc dù cá nuôi trong vèo nhưng thức ăn cho cá từ nguồn cá biển và cá tạp tự nhiên nên thịt cá chắc và ngon. Đây là mô hình mới ở xã Viên An đã được nhiều nông dân trong xã và ngoài tỉnh đến tham quan, học tập kinh nghiệm.

>> Bà Danh Thị Phương Lan, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Viên An đánh giá: Mô hình nuôi cá lóc trong mùng lưới kết hợp cá trê vàng lai trên các tuyến sông nước ngọt đã tạo thêm công ăn việc làm cho người dân địa phương, giúp cuộc sống của nhiều gia đình từng bước thoát nghèo. Mô hình nuôi này không đòi hỏi vốn đầu tư cao nên nhiều hộ có thể áp dụng để phát triển kinh tế.

Ngọc Trinh - Kim Xuân

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!