Thấy được lợi ích hố xi phông đem lại như giảm thiểu và giải phóng khí độc NO2/NH3 trong ao nuôi tôm, tạo môi trường tốt nhất cho tôm sinh trưởng và phát triển, từ đó tăng năng suất vụ nuôi nên ông Trần Văn Khởi, xã Lai Hòa, thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) đã triển khai thực hiện mô hình nuôi tôm ao đất có xi phông hơn năm qua.
Ông Khởi có 9ha nuôi tôm nước lợ, với tổng số 26 ao, trong đó bao gồm ao nuôi, ao dự trữ nước, ao lắng, ao ương dưỡng tôm, ao chứa thải… Hầu hết các ao nuôi tôm bằng ao đất đều được làm xi phông đáy ao và lót bạt bờ xung quanh ao. Ông Khởi chia sẻ: “Với mô hình nuôi tôm ao đất thì việc làm xi phông đáy ao cũng không cần thiết. Nhưng khi nghiên cứu về quy trình hoạt động của xi phông đáy ao, tôi nghĩ nếu áp dụng làm xi phông cho ao đất, việc nuôi tôm sẽ đạt hiệu quả tốt hơn. Năm 2023, tôi thử nghiệm làm xi phông cho ao nuôi diện tích 1.200m2. Theo dõi thấy ao nuôi có làm xi phông, việc hút thải trong ao rất thuận lợi, tôm nuôi không gặp các vấn đề dịch bệnh, chi phí đầu tư mùa vụ nuôi thấp hơn so với các ao nuôi khác. Từ hiệu quả xi phông đem lại, tôi đã mở rộng làm xi phông cho toàn bộ các ao nuôi còn lại. Để việc hút các chất thải trong ao đất thuận tiện hơn, xi phông trong ao đất có diện tích lớn gần gấp đôi so với hố xi phông trong ao nuôi tôm lót bạt, chi phí làm xi phông khoảng 4 triệu/ao và hố xi phông được kết nối bằng ống nhựa với máy hút được đặt trên bờ, cứ 5 – 7 ngày tiến hành xi phông để máy hút thải ra ngoài ao chứa thải, giúp cải thiện chất lượng nước ao nuôi”.
Theo ông Khởi, để con tôm nuôi sinh trưởng nhanh, đạt năng suất, chất lượng cao, giữ môi trường ao nuôi đảm bảo thì ngoài việc áp dụng làm xi phông đáy ao nuôi, ông còn áp dụng quy trình nuôi nước trước nuôi tôm. Vì vậy, vào các tháng nước có độ mặn phù hợp, khi ngành chuyên môn khuyến cáo lấy nước vào ao nuôi tôm, ông Khởi dành riêng một ao lấy nước vào dự trữ. Trong ao dành dự trữ nước nuôi sẵn cá phi, lấy nước vào ao từ từ, cá phi lúc bấy giờ đã lớn sẽ ăn tất cả các loại sinh vật gây hại cho tôm phát sinh trong nước, kể cả các loại tảo, rong rêu có trong nước, giúp cho nước sạch các loại vi khuẩn, các loại sinh vật làm ảnh hưởng đến tôm khi thả giống. Để tránh một số dịch bệnh thường gặp trên tôm như: phân trắng, đốm trắng thì hộ nuôi tôm phải lựa chọn thời gian xuống giống phù hợp, để đến tầm tháng 10 dương lịch, tôm được tầm 2 tháng tuổi, sức đề kháng tốt sẽ không ảnh hưởng bởi các bệnh trên và chỉ thả nuôi tôm từ 1 – 2 vụ/năm. Thả nuôi tôm ao đất mật độ phù hợp là từ 70 – 90 con/m2, nuôi tôm đạt kích cỡ 30 con/kg thu hoạch mới đem về lợi nhuận tốt cho hộ nuôi. Với diện tích 1.200m2/ao nuôi, sản lượng tôm thu về từ 2 – 3 tấn/ao. Tổng sản lượng tôm thẻ chân trắng hằng năm nuôi từ 1 – 2 vụ/9ha, thu về 50 – 60 tấn, trừ chi phí lợi nhuận từ 2 – 4 tỷ đồng.
Đồng chí Võ Văn Bé – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Sóc Trăng cho biết: “Mỗi ngày trong ao nuôi tôm có lượng thức ăn và phân tôm thải ra rất nhiều. Đó là nguyên nhân chính khiến môi trường nước bị ô nhiễm, từ đó tôm dễ mắc bệnh và làm giảm chất lượng tôm nuôi. Mô hình nuôi tôm ao đất làm hố xi phông đáy ao của ông Trần Văn Khởi được xem là giải pháp hữu hiệu trong việc cải thiện chất lượng nước ao nuôi tôm. Đơn vị đã và đang nhân rộng mô hình này tại các địa phương vùng nuôi tôm trọng điểm trên địa bàn tỉnh. Xi phông đáy ao nuôi tôm được xem là một phần không thể thiếu trong quy trình nuôi tôm và là phần “bắt buộc” để giúp nền đáy ao nuôi sạch hơn, không bị tích tụ khí độc H2S; hạn chế sử dụng các hóa chất độc hại vào ao nuôi, gây ảnh hưởng đến tôm. Xi phông giá thành rẻ, góp phần giảm chi phí sử dụng hóa chất để xử lý nền đáy, giảm lượng tôm bệnh; nâng cao năng suất, chất lượng tôm nuôi…”.
Thúy Liễu
Nguồn: Báo Sóc Trăng