(TSVN) – Từ dự báo về tình hình thời tiết; đánh giá lịch mùa vụ và kết quả tình hình sản xuất năm 2024; thực hiện khung lịch mùa vụ thả giống tôm nước lợ năm 2025 của Cục Thủy sản; được sự thống nhất từ các địa phương vùng nuôi tôm nước lợ trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, vừa qua, Sở NN&PTNT Sóc Trăng thông báo Khung lịch thả giống mùa vụ nuôi tôm nước lợ tỉnh Sóc Trăng năm 2025.
Theo Sở NN&PTNT Sóc Trăng, năm 2024, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh năm 2024 đạt 74.139 ha, đạt 100,2% Kế hoạch. Tổng sản lượng thủy sản nuôi đạt 334.315 tấn tấn, đạt 107,4% Kế hoạch (310.000 tấn). Nhìn chung, tình hình sản xuất thủy sản của tỉnh Sóc Trăng trong năm 2024 cơ bản đã đạt Kế hoạch về diện tích và sản lượng đề ra.
Trong đó, về diện tích thả nuôi tôm nước lợ 50.820 ha (tôm thẻ chân trắng 38.820 ha, tôm sú 12.000 ha), đạt 100% Kế hoạch. Diện tích nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh chiếm trên 90% tổng diện tích nuôi. Tỷ lệ thiệt hại được khống chế ở mức dưới 5,4% diện tích thả. Sản lượng tôm nước lợ 235.000 tấn (tôm thẻ chân trắng 211.000 tấn; tôm sú 24.000 tấn).
Dự báo về nhiệt độ: Nền nhiệt độ trung bình các tháng trong năm 2025 phần lớn vẫn ở mức cao hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN), với chuẩn sai nhiệt độ so với giá trị TBNN trong khoảng từ 0,5 – 20C.
Mùa nắng nóng năm 2025 có thể xuất hiện ở mức xấp xỉ so với TBNN vào cuối tháng 03/2025. Số ngày nắng nóng có thể ở mức xấp xỉ so với TBNN và mức độ nắng nóng (cường độ, độ dài ngày) không cao. Nhiệt độ cao nhất trong ngày có thể đạt mức 35,5 – 36,50C. Thời gian xuất hiện nắng nóng không kéo dài, mà xuất hiện từng đợt nắng nóng và mỗi đợt kéo dài từ 4 – 7 ngày.
Nhận định tình hình mưa: Tháng 01 – 4/2025 và tháng 12/2025 là giai đoạn cao điểm của mùa khô nên vẫn thời tiết phổ biến không mưa, ngày nắng; tuy nhiên, trong các tháng đều có khả năng xuất hiện khoảng 1 – 2 đợt mưa trái mùa (kéo dài khoảng 2 – 3 ngày) do những nhiễu động trong đới gió Đông từ biển di chuyển vào, cho nên lượng mưa ở mức cao hơn TBNN.
Nửa cuối tháng 4/2025 các nơi trong tỉnh có mưa chuyển mùa. Mùa mưa năm 2025 có khả năng bắt đầu ở mức xấp xỉ hoặc sớm hơn so với TBNN khoảng 3 – 5 ngày, tuy nhiên thời gian bắt đầu mùa mưa xuất hiện không đồng đều, một số nơi ven sông Hậu và phía Tây tỉnh có thể sẽ bắt đầu sớm hơn từ 3 – 5 ngày.
Kết thúc mùa mưa năm 2025 vào khoảng cuối tháng 11/2025.
Nhận định về tình hình bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực: Số lượng bão/ATNĐ hoạt động trên khu vực biển Đông trong năm 2025 ở mức xấp xỉ và thấp hơn so với TBNN; nhận định trong năm 2025 có khoảng 9 – 11 cơn bão/ATNĐ hoạt động trên biển Đông và có khoảng 3 – 4 cơn ảnh hưởng đến đất liền nước ta.
Nhận định về độ mặn: Trong mùa khô năm 2024 – 2025, độ mặn cao nhất tại các Trạm đo trên sông Hậu có khả năng xuất hiện vào tháng 2 và tháng 3; đồng thời, có khả năng duy trì dài ngày do thiếu hụt nước từ thượng nguồn. Đối với các Trạm đo mặn trên sông Mỹ Thanh và trên kênh Quản Lộ Phụng Hiệp có khả năng xuất hiện muộn hơn khoảng một tháng và đều ở mức cao hơn TBNN.
Từ dự báo về tình hình thời tiết; đánh giá lịch mùa vụ và kết quả tình hình sản xuất năm 2024; thực hiện khung lịch mùa vụ thả giống tôm nước lợ năm 2025 của Cục Thủy sản; được sự thống nhất từ các địa phương vùng nuôi tôm nước lợ trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Sở NN&PTNT Sóc Trăng xin Thông báo Khung lịch thả giống mùa vụ nuôi tôm nước lợ tỉnh Sóc Trăng năm 2025, cụ thể như sau:
– Thời gian bắt đầu thả giống: Từ ngày 01/01/2025 và sẽ kết thúc vào ngày 01/10/2025, trong đó:
+ Đối với tôm thẻ chân trắng: từ ngày 01/01/2025 – 01/10/2025;
+ Đối với tôm sú: từ ngày 01/03/2025 – 01/9/2025;
+ Đối với mô hình tôm – lúa: Phải bố trí thả nuôi tôm, thu hoạch kết thúc trước tháng 9 để kịp chuẩn bị cho vụ lúa.
+ Đối với các trang trại, vùng nuôi có điều kiện độ mặn phù hợp, chủ động trữ nước, xử lý được nguồn nước và thực hiện tốt việc cải tạo, diệt mầm bệnh giữa các vụ nuôi có thể rải vụ thả giống quanh năm nhưng phải có giải pháp ứng phó kịp thời khi điều kiện thời tiết bất lợi xảy ra.
+ Đối với hình thức nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, nuôi thâm canh mật độ cao kiểm soát hoàn toàn điều kiện nuôi: Các địa phương có cơ sở nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, nuôi thâm canh mật độ cao, có cơ sở hạ tầng ổn định và có khả năng kiểm soát hoàn toàn các yếu tố môi trường, dịch bệnh có thể thực hiện việc thả giống quanh năm.
Tất cả các mô hình nên chú trọng vận dụng các mô hình nuôi hiệu quả như: mô hình nuôi 2 – 3 giai đoạn, mô hình ứng dụng vi sinh, mô hình kết hợp cá rô phi/cá chẽm/cá đối mục hoặc tôm càng xanh toàn đực với tôm thẻ chân trắng hoặc tôm sú và đặc biệt là mô hình đa dạng hóa sinh học trong ao nuôi, nuôi ao lót bạt, tiết kiệm điện, tiết kiệm nước và mô hình nuôi thu gom và tái sử dụng chất thải để làm khí đốt phục vụ sinh hoạt. Theo dõi và thường xuyên cập nhật thông tin các mô hình nuôi hiệu quả nguyên bản để vận dụng cho phù hợp.
Đồng thời, ngành sẽ thường xuyên cập nhật thông tin cảnh báo về môi trường, thời tiết, dịch bệnh và các Chương trình/mô hình nuôi hiệu quả đến người nuôi để ứng phó và vận dụng. Trong trường hợp cần thiết, ngành sẽ điều chỉnh và có thông báo sự thay đổi lịch thả giống cho phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.
Thanh Hiếu