THỨ HAI, ngày 20/1/2025

Sóc Trăng: Loay hoay bài toán chi phí, giá thành

Chưa có đánh giá về bài viết

Chi phí và giá thành sản xuất tôm của Việt Nam luôn cao hơn so với các nước có ngành tôm phát triển, khiến lợi thế cạnh tranh của con tôm Việt Nam trên thị trường thế giới ngày càng giảm sút. Chuyện làm thế nào, làm gì để giảm chi phí, giá thành trong nuôi tôm cũng đã được đưa ra bàn thảo rất nhiều nhưng mức độ cải thiện gần như không đáng kể.

Nói đến chi phí trong nuôi tôm thì phần chiếm tỷ lệ cao nhất phải kể đến là thức ăn tôm. Theo ước tính, phần chi phí này chiếm khoảng 65% giá thành sản xuất. Trong khi đó, giá thức ăn tôm nhiều năm qua gần như chỉ có tăng mà không có giảm, nên chi phí nuôi tôm vì thế cũng tăng theo. Nguyên nhân là do giá nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất thức ăn tôm tăng. Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp nuôi tôm lớn, nếu lấy giá xuất xưởng từ các nhà máy thì giá thức ăn tôm trong nước cũng không quá cao so với một số nước nuôi tôm khác. Như vậy, có thể thấy, giá thức ăn tôm cao chủ yếu từ khâu bán lẻ ở các đại lý và điều này có lý do riêng của nó. Nếu người nuôi mua bằng tiền mặt tại đại lý, giá chỉ cao hơn giá nhà máy khoảng 5 – 10%, còn nếu mua nợ đến cuối vụ mới thanh toán, thì mức giá phổ biến cao hơn 20 – 30% so với giá của nhà máy.

Dù vẫn đạt tốc độ tăng trưởng hằng năm nhưng do chi phí và giá thành cao nên lợi nhuận của người nuôi ngày càng thấp, tính cạnh tranh của con tôm Việt Nam bị giảm sút. Ảnh: Tích Chu

Vì sao đại lý phải đẩy mức giá lên cao đến vậy và vì sao người nuôi tôm biết là cao nhưng vẫn chấp nhận hợp tác với đại lý? Trước tiên, đó là do hiện phần lớn người nuôi tôm thiếu vốn, nhưng không đủ điều kiện vay vốn ngân hàng với lãi suất theo quy định, nên từ con giống đến thức ăn, chế phẩm sinh học đều phải dựa vào đại lý. Họ buộc phải chấp nhận mức giá do đại lý đưa ra, bởi không có chọn lựa nào khác, nếu muốn duy trì nghề nuôi để tạo nguồn sinh kế cho gia đình. Hơn nữa, việc hợp tác với đại lý cũng đơn giản hơn nhiều về mặt thủ tục và xa hơn, nếu xét về lãi suất thì vẫn thấp hơn so với việc đi vay nặng lãi bên ngoài. Theo ước tính của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỷ lệ nuôi tôm thành công của Việt Nam bình quân hiện chỉ vào khoảng 40%, hay nói cách khác là rủi ro của nghề nuôi tôm là rất cao. Đây cũng chính là lý do vì sao đại lý phải bán nợ với mức giá cao hơn 20 – 30% so với giá nhà máy, để phòng khi có một vài khách hàng nuôi tôm bị thiệt hại, họ vẫn thu hồi đủ nguồn vốn đã đầu tư. Do đó, để tháo gỡ nút thắt về chi phí đầu tư cần có đủ nguồn vốn tín dụng cùng các giải pháp quản lý an toàn và hiệu quả cho nguồn vốn này.

Giá thành tôm nuôi được cấu thành từ 2 yếu tố chính là: chi phí đầu vào và sản lượng tôm thu hoạch qua mỗi vụ nuôi. Chính vì vậy, dù mua nợ với giá cao nhưng người nuôi vẫn chấp nhận vì chỉ cần tôm nuôi trúng mùa, đạt kích cỡ lớn, sản lượng cao là họ vẫn có lãi, thậm chí có lãi cao nếu như kèm theo yếu tố giá bán cao. Tuy nhiên, do tỷ lệ nuôi thành công chung chỉ ở mức 40% như thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cùng với đó là chi phí đầu tư cao (như đã phân tích ở trên) nên giá thành tôm nuôi của Việt Nam luôn cao hơn các nước nuôi tôm lớn trên thế giới. Còn vì sao tỷ lệ nuôi thành công thấp cũng đã được ngành chức năng và người nuôi tôm nói đến nhiều và được đúc kết thành câu kinh điển: “Nhất giống, nhì môi, tam mồi, tứ kỹ”. Cũng cần nói thêm là, con giống tuy chiếm một phần rất nhỏ trong chi phí của mỗi vụ nuôi nhưng rất quan trọng và quyết định đến tỷ lệ thành công. Vì vậy, theo ông Võ Văn Phục – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam, chỉ cần có con giống đảm bảo chất lượng và nguồn nước sạch thì tỷ lệ thành công sẽ được nâng lên, giá thành tôm nuôi đủ sức cạnh tranh trên thị trường thế giới.

Nói về giải pháp giảm giá thành, Tiến sĩ Nguyễn Duy Hòa – Giám đốc kỹ thuật toàn cầu ngành hàng Empyreal & Motiv Cargill Inc chia sẻ, một số mô hình ao sâu 2,5 – 3m, nuôi nhiều giai đoạn kết hợp thu tỉa cho năng suất rất cao và nếu mua thức ăn, vật tư đầu vào khác bằng tiền mặt thì tính ra giá thành tôm cỡ 35 con/kg chỉ khoảng 70.000 đồng. Trong khi đó, tôm Ecuador cỡ 50 con/kg giá thành là 2,5 USD/kg. Như vậy, nếu nuôi đạt năng suất cao và mua vật tư đầu vào bằng tiền mặt, giá thành sẽ rẻ hơn rất nhiều so với tôm Ecuador. Tiến sĩ Hòa kết luận: “Ứng dụng nuôi thâm canh cho năng suất cao và thanh toán đầu vào bằng tiền mặt chính là một trong những mấu chốt của giải pháp giảm giá thành tôm nuôi”.

Việc tăng tỷ lệ thành công không chỉ giúp giảm giá thành, tăng lợi nhuận cho người nuôi, mà còn giúp tăng tính cạnh tranh của con tôm Việt Nam trên thị trường thế giới. Tuy nhiên, để làm được điều này, rất cần có một giải pháp đồng bộ cho tất cả các khâu trong chuỗi giá trị tôm nuôi, từ chất lượng, giá cả vật tư đầu vào cho đến đào tạo, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người nuôi… đặc biệt là nguồn vốn tín dụng.

Tích Chu

Nguồn: Báo Sóc Trăng

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!