Đây là thời điểm khá thuận lợi được ngành chuyên môn khuyến cáo thả giống tôm nước lợ nhưng cũng là giai đoạn bệnh tôm bùng phát cục bộ ở một số vùng nuôi khiến cho nhiều hộ nuôi thật sự ngán ngại.
Bệnh đốm trắng chiếm đến 70% số mẫu tôm qua xét nghiệm, bệnh gan, tụy cũng chưa có dấu hiệu giảm, tuy mức độ thấp hơn so với hàng năm, nhưng cũng gây thiệt hại khá nghiêm trọng cho nông dân. Xã Hòa Đông, thị xã Vĩnh Châu là một trong những vùng nuôi bị thiệt hại nghiêm trọng trong thời gian gần đây, các vùng nuôi của huyện Trần Đề, Mỹ Xuyên củng có dấu hiệu thiệt hại tăng lên.
Năm nay, bà con nuôi tôm hết sức thận trọng ở từng khâu, từ cải tạo đến khâu trữ nước, xử lý chặt chẽ, ứng dụng các mô hình nuôi an toàn dịch bệnh và đa phần bà con nuôi với mật độ thấp, chỉ tập trung nuôi thâm canh với mật độ cao đối với công trình ao nuôi hoàn chỉnh. Ông Tăng Văn Tuối ở xã Hòa Đông cho biết: “Năm nay chúng tôi rất thận trọng, như tôi có 6 ao nhưng tôi chỉ thả 2 ao, sau đó theo dõi tình hình thì mới thả tiếp, không thả ào ạt như mọi năm. Đặc biệt năm nay chúng tôi cải tạo tốt, thực hiện nuôi nước, nuôi theo quy trình khép kín”.
Ở huyện Mỹ Xuyên, bà con đã rất thận trọng, tập trung chọn thời điểm lấy nước tích trữ vào ao nuôi, xử lý nước đúng quy trình trước khi thả giống. Hợp tác xã nông ngư Hòa Lời, xã Ngọc Đông, huyện Mỹ Xuyên ao nuôi, ao lắng được chuẩn bị khá tốt để chờ xuống giống, nhưng nông dân vẫn lo ngại bởi ở một số vùng nuôi đang có dấu hiệu bùng phát bệnh. Ông Ngô Văn Công – Chủ nhiệm Hợp tác xã Nông Ngư Hòa Lời cho biết: “Nhìn chung năm nay bà con mình chuẩn bị tốt hơn để phòng ngừa bệnh. Ở Hợp tác xã chúng tôi cũng thống nhất các biện pháp, thời vụ, chuẩn bị tốt ao nuôi nhưng chỉ thả thăm dò từng ao chớ không thả hết diện tích và chúng tôi chỉ thả một phần khi tình hình ổn mới thả hết, nhưng cũng chỉ thả thưa thôi”.
Tình hình nuôi tôm nước lợ vẫn chưa hết khó khăn, do vậy việc chuẩn bị tốt cho công trình ao nuôi là rất cần thiết. Ngành chuyên môn khuyến cáo người nuôi phải hết sức đề phòng khả năng lây lan mầm bệnh qua nguồn nước trên sông, rạch, hoặc các vật chủ trung gian có thể thâm nhập vào ao nuôi, nên bà con phải thận trọng ở từng khâu, có thể áp dụng quy trình nuôi khép kín để hạn chế bệnh phát sinh do chủ quan gây ra.