Sóc Trăng: Tan nát bãi nghêu

Chưa có đánh giá về bài viết

Từ tháng 5 đến nay, mỗi ngày ở Sóc Trăng có hàng nghìn người đổ xô về các bãi nghêu giống An Thạnh Ba (Cù Lao Dung), Vĩnh Phước, Vĩnh Hải (Vĩnh Châu), khai thác “nghêu cám”. Giá bán dao động từ 200.000 đến 600.000 đồng/kg. Tình trạng khai thác nghêu giống ngày càng diễn biến phức tạp, hàng nghìn người khai thác theo kiểu tàn sát làm cạn kiệt nguồn nghêu giống, bất chấp sự ngăn cản của chính quyền địa phương.

Ông Lê Hoàng Nhịn, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hải, huyện Vĩnh Châu nơi có bãi nghêu, sò, huyết giống lớn nhất ở Sóc Trăng bức xúc nói: “Khi nơi này xuất hiện nghêu giống, lập tức xuất hiện rất nhiều người đến khai thác trái phép. Họ khai thác từ khi nghêu giống còn rất nhỏ đến khi cạn nguồn họ lấn sang trộm nghêu tại các sân nuôi nghêu thương phẩm của hộ dân nuôi nghêu. Các ngành chức năng của xã, huyện đã được huy động xuống hiện trường kiểm tra và lập biên bản xử lý các trường hợp vi phạm. Thế nhưng, lực lượng khai thác trái phép này rất đông (có ngày cả nghìn người) mà lực lượng kiểm tra thì mỏng, nên chỉ đứng nhìn và giữ trật tự mà chẳng làm được gì họ, vì đa phần họ là những người rất nghèo. Bây giờ con giống chỉ xuất hiện vài ngày tại bãi là đã bị bắt sạch”.

Để bắt được nghêu giống, người ta dùng bàn cào gồm hai thanh gỗ gắn một chiếc lưới dài cả thước. Người mò nghêu cắm phập hai thanh gỗ xuống cát rồi kéo lê đi khắp bãi, lúc nào đầy lưới thì dừng lại. Để lọc ra được nghêu giống và trứng, phải qua nhiều khâu chọn lựa, sàng lọc. Nghêu giống màu trắng, trứng nghêu màu đen xám và chưa bằng một phần tư hạt gạo nên mắt lưới phải nhỏ như màn ngủ và phải sàng, lắng lọc… tỉ mỉ, kiên nhẫn. Gặp chúng tôi, chị Trần Thị Nhanh ở ấp Trà Sết, xã Vĩnh Hải, Vĩnh Châu nói: “Gia đình tôi trước đây sống bằng nghề kéo lưới, nhưng từ khi có nghêu giống, cả nhà 5 người đều đi cào nghêu giống. Nếu trúng bãi, cho thu nhập từ 200 đến 300 nghìn đồng/ngày”.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, phần lớn những người khai thác con giống thủy sản ở địa phương đều thuộc diện hộ nghèo, không có đất sản xuất, không có nghề nghiệp ổn định, chủ yếu sống dựa vào khai thác trộm nguồn tài nguyên biển. Do vậy, công tác quản lý các khu vực có con giống thủy sản ở ven biển Sóc Trăng càng gặp khó khăn. Những năm qua, tỉnh Sóc Trăng đã tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân bảo vệ nguồn lợi thủy sản nhưng chưa có hiệu quả.

Phương Nghi

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!