Mặc dù từ tháng 10/2024, tình hình thả nuôi tôm nước lợ có phần khả quan hơn nhờ giá tôm giữ ở mức cao, nhưng chuyện thiếu tôm nguyên liệu cho giai đoạn nước rút cuối năm chẳng những không được cải thiện mà còn có phần trầm trọng hơn. Không những thế, với diễn biến tình hình thả nuôi gần đây cùng với nguồn cung tôm thế giới không còn dồi dào, các doanh nghiệp dự báo, tôm nguyên liệu sẽ còn thiếu hụt cho đến hết quý I/2025.
Năm 2024, nghề nuôi tôm tiếp tục gặp bất lợi về thời tiết, dịch bệnh và nhất là giá tôm giảm thấp trong thời gian dài, khiến người nuôi tôm khó càng thêm khó. Còn nhớ, ngay từ đầu năm, dịch bệnh đã bắt đầu xuất hiện và diễn biến ngày càng phức tạp hơn, khiến tỷ lệ nuôi thành công đạt thấp, tôm thu hoạch kích cỡ nhỏ nhiều, người nuôi không có lời, thậm chí thua lỗ. Tình hình trên không chỉ khiến mùa vụ nuôi chính kết thúc sớm mà người nuôi còn chùn tay không dám thả nuôi vụ 2 do lo sợ rủi ro không bảo toàn được nguồn vốn. Trong khi đó, bước sang quý III, thị trường tôm thế giới có dấu hiệu cải thiện, doanh nghiệp tăng tốc chế biến để trả nợ hợp đồng đúng hạn, nhưng không có đủ nguyên liệu.
Liên quan đến sự phục hồi giá tôm trong nước, theo ông Hồ Quốc Lực – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta, ngoài sự khan hiếm nguồn tôm nguyên liệu, còn có tác động từ việc các hệ thống phân phối lớn trên thế giới tìm về nguồn cung từ tôm Việt, dù giá cao hơn nhưng an toàn hơn; khiến đơn hàng tôm ta tăng khá tốt. Đây cũng là một yếu tố góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu năm 2024 tăng hai con số so năm trước. Ngoài ra, còn có diễn biến tỷ giá ở quý cuối năm, sự phục hồi của đồng yên Nhật… cũng có lợi cho xuất khẩu.
Sự khan hiếm nguyên liệu đã đẩy giá tôm tăng mạnh từ giữa tháng 8. Cùng với mưa bớt dần và các doanh nghiệp tôm giống tăng cường khuyến mãi lớn, với mức tăng thêm từ 70 – 100% con giống nên từ tháng 10 đến nay, tình hình thả giống tôm cũng dần được cải thiện. Trong khi số hộ nuôi đang “án binh bất động” vẫn còn khá lớn thì số thả mới luôn nơm nớp nỗi lo khi dịch bệnh vẫn chưa dứt, thiệt hại trên tôm nuôi vẫn chưa được cải thiện nhiều.
Tình hình trên, theo nhận định của ông Lực, tôm nguyên liệu sẽ còn thiếu hụt đến hết quý I năm sau. Trong khoảng thời gian này, các doanh nghiệp chế biến đứng trước thách thức lớn, bởi phải mua tôm nguyên liệu giá cao nhưng giá tôm thành phẩm tiêu thụ phải cạnh tranh gay gắt với tôm giá rẻ hơn từ nhiều nước, dẫn đến sụt giảm hiệu quả sản xuất, kinh doanh. “Hy vọng năm 2025, năm sẽ có thời tiết nóng, sẽ thuận hơn trong việc nuôi tôm, sớm cải thiện tình hình tôm nguyên liệu, hoạt động ngành tôm ổn thỏa hơn”, ông Lực chia sẻ.
Thông tin thêm về diễn biến thị trường sau khi có thuế chống bán phá giá (AD) và thuế chống trợ cấp (CVD) từ Mỹ đối với 4 nước xuất khẩu tôm lớn vào thị trường này, gồm: Ecuador, Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam, ông Lực nhận định, với mức thuế mà phía Mỹ đã công bố có thể thấy, tôm Ấn Độ đang bị thất thế và tôm Ecuador có lợi thế nhất ở thị trường Hoa Kỳ. còn tại thị trường Nhật Bản, tôm Indonesia chiếm thị phần thứ 2, sau tôm Việt, nên sắp tới có lẽ sự cạnh tranh tôm Việt và tôm Indonesia ở thị trường Nhật Bản sẽ căng thẳng hơn hiện nay.
Một năm trôi qua với bao khó khăn diễn ra, có những cái khó còn kéo dài và không nhỏ. Người nuôi tôm còn quá nhiều trăn trở trên đồng nuôi ít màu sắc của mình; các mắt xích khác cũng không ít vất vả trong việc thực hiện kế hoạch hoạt động của mình vì tác động từ thách thức nêu trên. Các doanh nghiệp tôm cũng khá ê ẩm vì khó khăn kéo dài, tài chính diễn biến không thuận lợi… Tuy nhiên, kết quả kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng khá cũng là niềm an ủi nho nhỏ, nói lên sự nỗ lực hết lòng của toàn ngành. Về chiều sâu, sự chuẩn bị cho phát triển bền vững sẽ âm thầm tạo sức mạnh mềm, nâng tầm ngành tôm ta, kỳ vọng như vậy. Nhưng cái cụ thể có được còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố chủ quan lẫn khách quan; đòi hỏi sức bền, sự kiên nhẫn và nhất là tầm nhìn lâu dài của tất cả các bên tham gia chuỗi ngành hàng.
Hiện nay, tôm Việt Nam có bất lợi lớn nhất là giá thành cao, giảm sức cạnh tranh. Nếu sắp tới đây tôm Việt duy trì được mức thuế AD là 0% thì thị trường Hoa Kỳ còn giữ vững. Nếu thuế này cao 3 - 5%, chắc chắn các doanh nghiệp tôm Việt phải tập trung vào các sản phẩm không bị thuế AD lẫn CVD mới bám trụ được. Ngành tôm Trung Quốc bị thuế AD tại Hoa Kỳ rất cao, và họ cũng tận dụng khe hở này để còn duy trì một phần tôm tiêu thụ ở đây hằng năm.
Ông Hồ Quốc Lực - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta
Tích Chu
Nguồn: Báo Sóc Trăng