T2, 06/07/2020 02:00

Sớm giải quyết những vướng mắc phát sinh của Nghị định 67

Chưa có đánh giá về bài viết

Đây là một trong nội dung chính tại Thông báo số 442/TB-VPCP về kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại Hội nghị tổng kết đánh giá 5 năm thực hiện Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 7/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản.

Thông báo nêu rõ, Nghị định số 67 là văn bản quy phạm pháp luật quy định các chính sách mang tính đột phá, đồng bộ, tạo động lực phát triển ngành thủy sản góp phần bảo vệ an ninh và chủ quyền quốc gia trên biển. Qua 5 năm triển khai, mục tiêu hiện đại hóa tàu cá bước đầu đã đạt được, số lượng tàu khai thác gần bờ giảm (13,2%), số lượng tàu cá khai thác xa bờ tăng (20,1%); có gần 50% là tàu đóng mới vỏ thép, vỏ vật liệu mới, với khoảng trên 50% tàu có công suất từ 800 CV trở lên được trang bị hiện đại, góp phần thúc đẩy ngành đóng tàu cá vỏ thép, vật liệu mới phát triển. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện Nghị định vẫn gặp nhiều vấn đề như: cơ sở hạ tầng nghề cá xuống cấp, quá tải, thiếu cơ sở hạ tầng nghề cá hiện đại; một số trường hợp chất lượng tàu cá vỏ thép chưa tốt, nhận thức của ngư dân về sử dụng, duy tu, bảo dưỡng tàu cá vỏ thép còn hạn chế, lạc hậu; số lượng và chất lượng thuyền viên chưa đáp ứng yêu cầu; tỷ lệ nợ quá hạn và nợ xấu ở mức cao (nợ quá hạn là 537,8 tỷ chiếm 4,67% tổng vốn vay, nợ xấu 3.430 chiếm tỷ lệ 33% tổng vốn vay).

Nghị định 67 góp phần thúc đẩy ngành đóng tàu vỏ thép phát triển – Ảnh: Linh Phạm 

Theo đó, Phó Thủ tướng chỉ đạo các Bộ, ngành trung ương tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách theo Nghị định số 67, Nghị định số 17/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 của Chính phủ; tập trung xử lý dứt điểm các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định 67. Yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển tiếp tục tuyên truyền, phổ biến các chính sách theo Nghị định số 67, Nghị định số 17 để ngư dân hiểu đúng về chính sách của Nhà nước, trong đó phải quán triệt rõ cho các chủ tàu hiểu trách nhiệm trước pháp luật về phần vốn vay của mình. 

Cùng đó, giao Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương liên quan nghiên cứu việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 67, trong đó cân nhắc một số vấn đề như tiếp tục khuyến khích, thu hút ngư dân, doanh nghiệp đầu tư đóng mới tàu khai thác dịch vụ hậu cần nghề cá hiện đại; chủ tàu chuyển đổi nghề, kiêm nghề; khuyến khích đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho nghề khai thác hải sản…

An Chi

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!