Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), nhiều nhà nhập khẩu Brazil đang có nhu cầu nhập khẩu cá tra từ Việt Nam nhưng không thể nhập khẩu được.
Theo các nhà nhập khẩu Brazil, họ đã liên hệ với Bộ Nông nghiệp, Chăn nuôi và Cung ứng thực phẩm Brazil (MAPA) nhưng MAPA cho biết, vẫn đang chờ cơ quan quản lý của Việt Nam hoàn tất các thủ tục kỹ thuật theo yêu cầu. Còn theo cơ quan chức năng của Việt Nam, tháng 9/2014, Brazil đã yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Việt Nam phải gửi một loạt báo cáo, như báo cáo khắc phục đối với các khuyến cáo của Bộ Nghề cá và Nuôi trồng thủy sản Brazil (MPA), báo cáo kế hoạch phòng chống dịch bệnh khẩn cấp…
Tất cả các văn bản này đã được gửi tới cơ quan thẩm quyền của Brazil. Tuy nhiên, cơ quan thẩm quyền Brazil không đồng ý và yêu cầu làm lại báo cáo kế hoạch phòng chống dịch bệnh khẩn cấp. Cục Thú y thuộc Bộ NN&PTNT Việt Nam đã sửa đổi theo như yêu cầu của cơ quan thẩm quyền Brazil và gửi lại báo cáo. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, MAPA vẫn “đang xem xét” và chưa có ý kiến phản hồi về bản báo cáo này. Do vậy, việc mở cửa thị trường này tiếp tục “điệp khúc” chờ đợi.
Việt Nam hiện là nước xuất khẩu thủy sản (mã HS03) lớn thứ 4 vào Brazil, nhưng lại là nước xuất khẩu phile cá tra đông lạnh lớn thứ 2 trong nhóm hàng phile cá đông lạnh (mã HS0304) vào Brazil. Brazil là thị trường rộng lớn, với hơn 190 triệu người tiêu dùng rất ưa chuộng sản phẩm thủy sản nói chung và cá tra Việt Nam nói riêng.
Cụ thể hơn, theo số liệu của Hải quan Việt Nam, xuất khẩu thủy sản sang Brazil trong năm 2014 đạt giá trị 124,975 triệu USD, tăng 1,54% so với năm 2013, trong đó cá tra chiếm 98% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản Việt Nam đạt 122,970 triệu USD, tăng 0,92% so với năm 2013.
Theo các doanh nghiệp, để xuất khẩu cá tra vào Brazil thì phải được cơ quan thẩm quyền Brazil đánh giá, sau đó được vào danh sách doanh nghiệp “đủ điều kiện xuất khẩu thủy sản” sang thị trường này. Bên cạnh đó, doanh nghiệp được phép xuất khẩu thủy sản vào thị trường Brazil phải làm thủ tục với cơ quan Thanh tra sản phẩm có nguồn gốc từ động vật của Brazil để thông qua trước đối với nhãn hiệu và thông tin tóm tắt về quy trình sản xuất thủy sản. Ngoài ra, nhà nhập khẩu phải có giấy phép nhập khẩu từ cơ quan chức năng Brazil.
Đã gần nửa năm các doanh nghiệp Việt Nam chưa được xuất khẩu cá tra trở lại vào thị trường này và Brazil cũng không còn trong 8 thị trường nhập khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam nữa. Việc MAPA tạm ngừng cấp giấy phép nhập khẩu mới đối với thủy sản và các sản phẩm chế biến từ thủy sản hay/hoặc sản phẩm đánh bắt có xuất xứ từ Việt Nam có thể quy lỗi” cho những chậm trễ từ các cơ quan chức năng. Do vậy, các doanh nghiệp mong muốn Bộ NN&PTNT cần có giải pháp cụ thể hơn nữa để phía Brazil tháo gỡ các rào cản đối với cá tra Việt Nam.
Thay vì ngồi chờ doanh nghiệp “kêu”, các cơ quan thuộc Bộ NN&PTNT cần phối hợp với các bộ, ngành liên quan chủ động hơn trong việc “gỡ khó” cho doanh nghiệp, để mục tiêu xuất khẩu thủy sản đạt hơn 8 tỷ USD trong năm 2015 thành hiện thực!