Không chỉ vùng nuôi tôm hùm, hiện môi trường nuôi các loại thủy sản khác ở TX Sông Cầu (Phú Yên) cũng bị ô nhiễm, gây thiệt hại về kinh tế. Dự báo, thời gian tới tình hình thời tiết tiếp tục diễn biến phức tạp, gây khó khăn cho nuôi trồng thủy sản.
Năm 2011, TX Sông Cầu có khoảng 550 ha ao, đìa được đưa vào nuôi trồng thủy sản, tập trung tôm sú, tôm thẻ chân trắng, ốc hương, rong câu và các loài thủy sản khác. Đối với nuôi thủy sản mặt nước biển bằng lồng, bè, TX Sông Cầu có khoảng 27.000 lồng, trong đó tôm hùm khoảng 25.500 lồng. Bên cạnh việc tập trung sản xuất, các ngành chức năng cũng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát dịch bệnh đối với vật nuôi thủy sản, nhờ vậy hạn chế các loại dịch bệnh thường xảy ra. Nhiều người thu lãi lớn từ việc nuôi trồng thủy sản, nhất là nuôi tôm hùm và tôm thẻ chân trắng.
Nuôi tôm thẻ chân trắng ở xã Xuân Cảnh (TX Sông Cầu – Phú Yên)
Ông Đặng Văn Kiển ở xã Xuân Cảnh cho biết: “Với 5.000 m2, năm vừa rồi tôi thả nuôi tôm thẻ chân trắng, thu lãi hơn 120 triệu đồng. Sau khi thu hoạch vụ 1, thấy tình hình bất ổn nên tôi quyết định không đầu tư thả nuôi vụ 2. Năm nay, tôi cũng quyết định thả nuôi một vụ, nhưng đợi đến khi thời tiết thuận lợi mới thả giống, thà nuôi một vụ mà an toàn, còn hơn thả nuôi hai vụ nhưng bấp bênh”.
Từ đầu năm 2012 đến nay, thời tiết diễn biến phức tạp, không khí lạnh kéo dài đã ảnh hưởng đến nuôi trồng thủy sản, đặc biệt đối với tôm hùm. Theo UBND TX Sông Cầu, nghề nuôi tôm sú không đạt kết quả cao, hầu hết các hộ nuôi đều không có lãi do sử dụng nguồn giống không đạt chất lượng. Công tác hỗ trợ giống vật nuôi thủy sản mới khó triển khai, do không có nguồn giống cung cấp. Thêm vào đó, việc khai thác tôm hùm giống trong năm 2011 đạt kết quả cao, dẫn đến số lượng lồng nuôi tôm hùm tăng lên gấp 2,5 lần so với năm 2010, làm cho mật độ lồng nuôi niên vụ 2011 – 2012 tăng đột biến, dễ phát sinh tình trạng ô nhiễm môi trường vùng nuôi.
Theo ông Đỗ Văn Chính, Trưởng phòng Kinh tế TX Sông Cầu, thời gian tới sẽ có nhiều đợt không khí lạnh tăng cường, cộng với trầm tích thủy vực các vùng nuôi bị ô nhiễm là điều kiện xuất hiện các loại bệnh trên vật nuôi thủy sản. Đây là khó khăn, đòi hỏi các ngành chức năng của TX Sông Cầu tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch bệnh nhằm phát triển nuôi trồng thủy sản trên địa bàn.
Để hạn chế rủi ro cho người nuôi trồng thủy sản, UBND TX Sông Cầu đã chỉ đạo các xã, phường kiện toàn các tổ quản lý cộng đồng nuôi trồng thủy sản; mở các lớp tập huấn, vận động người dân chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường; kiểm dịch giống, chất lượng nước trước khi thả nuôi, tăng cường quản lý diện tích đã xuống giống, phản ánh ngay cho Trạm Thú y thị xã về biến động môi trường, dịch bệnh để có hướng xử lý kịp thời; vận động người nuôi lồng, bè kiểm soát tốt lượng thức ăn hàng ngày, tuyệt đối không vứt thức ăn thừa, xác thủy sản chết xuống vùng nuôi. Đặc biệt, người nuôi cần giảm mật độ tôm nuôi trong lồng và đặt lồng nuôi theo đúng quy định (3 – 4 con/m2, lồng cách lồng tối thiểu 20 m), tăng cường kiểm tra điều kiện sản xuất và kiểm dịch tại các trại giống và giống thủy sản từ các nơi nhập về.
Ông Lương Công Tuấn, Phó chủ tịch UBND TX Sông Cầu cho biết: Đã chỉ đạo các địa phương và các cơ quan có liên quan trên địa bàn tăng cường công tác tuyên truyền đến các hộ nuôi trồng thủy sản, đại lý kinh doanh thuốc thú y thủy sản trên địa bàn không được sử dụng, kinh doanh các sản phẩm thuốc, hóa chất cấm sử dụng trong nuôi trồng thủy sản. Trạm thú y thị xã phối hợp với các ngành chức năng và UBND các xã, phường tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc thú y thủy sản, thức ăn, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường, cơ sở sản xuất giống thủy sản, cơ sở nuôi trồng thủy sản để phát hiện và xử lý kịp thời. Giới thiệu những sản phẩm thuốc, hóa chất trong danh mục được phép lưu hành trên thị trường có khả năng thay thế những sản phẩm có chứa các chất cấm đến các cơ sở sản xuất giống, cơ sở nuôi trồng thủy sản và các hộ nuôi.
Ngọc Như
Theo Báo Phú Yên