THỨ TƯ, ngày 22/1/2025

Sông Đà cạn nước, người nuôi cá lồng lao đao

Chưa có đánh giá về bài viết

Hơn một tháng nay, nước sông Đà cạn kiệt khiến người nuôi cá lồng tại huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ lao đao, nhiều hộ có nguy cơ mất trắng.

Hàng chục lồng cá của bà con nằm bờ vì nước sông Đà xuống thấp.

Ông Đặng Văn Luyện, khu 5 xã Xuân Lộc cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Ông Luyện chia sẻ, gia đình có 21 lồng cá thì có tới hơn một nửa số lồng đã nằm trên cát hoặc đáy lồng bị lấp cát. Để cứu cá, ông đã phải bơm, sục cát bằng máy áp lực và tời lưới lên cho nổi bè để cứu cá; huy động nhân công đào cát đáy lồng để chuyển lồng đi nơi khác tránh tình trạng lồng mắc cạn hoặc nằm trơ trên cát, làm cá chết. Rất may, gia đình đã kịp thời bán và di chuyển cá đến nơi có nước để bảo đảm an toàn.

Cùng cảnh ngộ như hộ ông Luyện, anh Nguyễn Văn Quang, xã Xuân Lộc, huyện Thanh Thủy cho biết, đây là năm mà nước sông Đà xuống thấp kỷ lục. Do nước sông xuống thấp, doi cát nhô lên cao, xô vào đáy lồng khiến cả năm lồng cá giống và cá thương phẩm phải nằm trên cát.

Để khắc phục tình trạng này, gia đình anh Quang đã phải thuê máy sục vào cát và tời lưới lên cho nổi lồng để cứu cá, đồng thời huy động nhân công chuyển cá đi nơi khác tránh tình trạng cá chết. Mặt khác, gia đình đã đem cá đi gửi ở những hộ nuôi cá lồng còn ít nước mặt. Tuy nhiên, mực nước tiếp tục xuống thấp, nhiều khả năng cá tiếp tục bị chết vì thiếu ô-xy và chưa biết khắc phục ra sao.

Còn ông Dương Tiến Dũng, chủ 17 lồng cá trên sông Đà, xã Xuân Lộc cho biết thêm, từ ngày 27-12-2018, nước sông Đà bắt đầu rút mạnh khiến cho người nuôi cá lồng phải vất vả ứng phó. Hiện nay, có khoảng 1/2 trong tổng số 146 lồng cá ở xã Xuân Lộc trong tình trạng bị cát xô vào lấp đáy lồng và cạn nước, phải di chuyển cá đi nơi khác để bảo đảm an toàn.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Chi cục trưởng Thủy sản Phú Thọ cho biết, trước tình hình trên, Chi cục khuyến cáo bà con thu hoạch cá đã lớn đem bán; đối với cá giống, cá nhỏ chưa bán được tập trung sục tăng cường lượng ô-xy trong lồng cá.

Thời gian tới, bà con cần điều chỉnh cơ cấu nuôi cho phù hợp, lựa những thời điểm không gặp bất lợi về thời tiết và giảm mật độ nuôi ở thời điểm này; đối với cá dài ngày, bà con phải có các giải pháp di chuyển cá vào những lồng dã chiến đưa ra những chỗ có nước vì trên bề mặt sông không phải tất cả đều cạn.

Trên địa bàn huyện Thanh Thủy có hàng trăm lồng cá được nuôi rải rác dọc sông Đà, trong đó, nhiều nhất tại xã Xuân Lộc với gần 150 lồng cá và đã có hàng chục lồng bị ảnh hưởng do nước sông Đà xuống thấp.

Ngọc Long

Báo Nhân Dân

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!