Nắng đang nhạt dần. Đám mây đen báo bão trôi dạt về phía biển. Các nhà bè xung quanh vẫn nhộn nhịp việc. Dường như với họ, đối mặt với giông bão, nắng mưa đã trở thành chuyện đương nhiên trên sông nước. Nuôi được con cá mau lớn, khỏe mạnh, bán được giá đã là chuyện cũ. Giờ đây, đích đến của những người làm nghề nuôi cá lồng bè còn là việc chủ động nguồn cá giống đạt chất lượng và phát triển mạnh.
Cách đây 2 năm, vợ chồng anh Phạm Văn Dư và chị Dương Thị Hân lại mua rẻ bè cá của em gái, nay đã gầy dựng được cơ ngơi nuôi 11 ngàn con cá các loại. Trong ảnh: Hộc cá bớp nuôi 12 tháng nay đã được 9 – 10 kg/con.
Học bài bản và có trải nghiệm
Lại một cuốc ghe máy chưa đầy 10 phút qua 2 cung đường là đến bè của anh Phạm Thanh Hà, sinh năm 1982. Hà là kỹ sư nuôi trồng, khóa 44, Đại học Thủy sản Nha Trang. Vợ Hà, chị Vũ Thị Giang cũng tốt nghiệp khoa nuôi trồng của trường. Ở tuổi 31, vợ chồng Hà – Giang đã có trại ương con giống 16 bể (mỗi bể 7m3) tại 171, Chi Lăng, phường 12, TP.Vũng Tàu và khu nhà bè 18 lồng trên sông.
Chuyển cá bớp sang lồng nuôi khác để giãn mật độ nuôi trong lồng.
Anh Hòa giải thích: “Tui thì ương cá giống bằng kinh nghiệm, còn như chú Hà đây thì làm bằng kỹ thuật trường lớp bài bản. Đường nào thì cũng tới La Mã, nhưng cái anh trẻ ảnh có cách làm ăn táo bạo của ảnh, cũng rất hay”.
Nhưng không phải muốn hay là hay được liền. Theo lời Hà kể thì, anh cũng trải qua nhiều lần thất bại mới có được lời khen của anh Hòa hôm nay. Khởi nghiệp, Hà cũng mất gần 1 năm trời cho việc nghiên cứu gầy cá bố mẹ lấy giống từ con cá thiên nhiên. Rồi anh cũng tổn hao vài chục triệu đồng cho những đợt nuôi không thành công. Hai năm nay, thì việc nuôi cấy cho cá đẻ trứng, ương cá con đạt được kết quả tốt. Hà khoe: “Em vừa thuê lại của Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản tỉnh 18 lồng, nộp 50 triệu đồng/năm. Ngày em ra lồng, tối em về trại. Hôm nào cá đẻ là chong mắt trắng đêm, nhưng vui lắm, không thấy mệt”. Trong số 18 lồng trên sông thì Hà dành 12 lồng nuôi hàu, 6 lồng còn lại nuôi cá giống. Hà và anh Hòa lấy một cây tre dài gạt dần tấm lưới dưới lòng bè vào giữa lồng, những con cá giống to, đen trùi trũi lù lù trồi lên và quẫy đùng đùng khiến nước văng tung tóe. Mê thiệt, ai biết một con cá như vậy trị giá 20 triệu đồng!
Anh Trần Công Biên cũng từ một người nuôi cá thương phẩm, nhưng sau khi học hỏi và tự rút kinh nghiệm, anh đã tự gầy cá giống cho nhu cầu nuôi cá thương phẩm của chính mình. Anh Biên cho hay, tự sản xuất cá giống cũng là giải pháp giảm chi phí đầu vào. “Tuy nhiên, điều quan trọng hơn nữa là chính chúng ta sẽ không bị động nguồn con giống và chuyên nghiệp hóa quy trình nuôi khép kín từ con cá giống đến cá thương phẩm theo tiêu chuẩn và quy trình sản xuất riêng của chúng ta” – anh Biên nhấn mạnh.
Kỹ sư Hà khoe con cá măng vừa gầy giống thành công tại trại nuôi cá giống trên sông Chà Và.
Đầu tư và gặt hái
Câu chuyện ương cá giống được các chuyên gia nuôi trồng kể ra với nhiều tình tiết hấp dẫn. Ví dụ như con cá chẽm khởi đầu là cá đực, rồi khoảng 2 năm sau, thay đổi giới tính thành cá cái ở nửa sau trong chu kỳ sống của chúng. Còn con cá mú thì ngược lại, khởi đầu là cá cái, khi nặng trên 10kg chúng lại đổi giới thành cá đực. Kỹ sư Hà nói: Bầy này cuối tuần sẽ đẻ, bạc tỷ đó nha. Anh Hà ảnh đã quây bạt phía dưới rồi. Sau khi cá đẻ, trứng sẽ nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Chờ từ 2-3 giờ sau khi trứng cá được đẻ ra cho cứng cáp, mình chỉ cần lấy vợt hớt nhẹ, bỏ chậu, hoặc bao, đóng oxy chở về trại giống trong bờ”.
Anh Hữu Thi, Trưởng phòng Nuôi trồng, Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT) giải thích thêm: “Số cá bột này phải tiếp tục ươm nuôi cho đủ lớn, đạt chiều dài thân 6 – 8 cm, giá từ 7.200 – 12.000 đồng/con, tùy từng loại. Trước đây dân phải đặt mua cá giống của Đài Loan hoặc ra tận trung tâm cá giống ngoài Nha Trang. Giờ thì mình đã chủ động được nguồn giống. Hộ nuôi cá thương phẩm cứ mua lần vài chục ngàn con mỗi loại và có đến ½ số hộ nuôi cá trên sông Chà Và mua con giống của trại anh Hòa và trại kỹ sư Hà. “Cũng đôi lúc bán con giống để đó vài tháng mới lấy tiền, coi như vừa giải quyết đầu ra cho sản phẩm của mình, vừa hỗ trợ anh em có con giống nuôi cho kịp mùa vụ” – Anh Hòa nói.
Kỹ sư Hà cho hay, anh đã ương thử nghiệm cá chẽm từ cá hương lên cá thương phẩm ở 2 điều kiện bể xi măng và lồng lưới ngoài nhà lồng bè. Qua khảo sát cho thấy một số ưu điểm cũng như hạn chế của nó như sau: Ương ở bể xi măng hiệu quả thấp vì chất thải của cá, thức ăn thừa sẽ tích tụ trong bể nhanh làm cho môi trường nước dễ bị ô nhiễm. Cá hoạt động trong bể thường cọ xát vào thành bể, thân bị xây sát dẫn đến cá bị nhiễm bệnh vi khuẩn chết. Ngoài ra, ương trong bể thể tích hẹp thì cá dễ tấn công lẫn nhau để ăn thịt. Còn ương cá trong lồng lưới, tuy có ưu điểm lợi dụng được điều kiện môi trường nước chảy tự nhiên, cá sống khoẻ, lớn nhanh. Song lồng lưới thường bị các sinh vật biển bám làm cản trở dòng nước lưu thông cá thường thiếu oxy, lồng mau hư hỏng. Do vậy, việc kết hợp cả 2 môi trường sống sao cho phù hợp, giúp cá phát triển đạt chuẩn và tránh được những điểm hạn chế do tác động của môi trường thì mới đạt hiệu quả kinh tế cao.
>> Kỳ công hơn nữa là từ việc săn từng con cá giống chỉ từ 500 – 700 gram/con do người dân đi đăng, đi lưới rập lưới được ngay trên dòng sông Chà Và này, giờ đây chàng trai trẻ Phạm Thanh Hà có được 200 cặp cá chẽm bố mẹ, 70 cặp cá mú, 30 cặp cá hường, 30 cặp cá măng, mỗi con nặng trên 10 kg, cho khoảng 2,5 triệu trứng/con cái. |