“Sóng” thủy sản trên sàn chứng khoán

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Sự tăng trưởng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam năm 2010, đặc biệt trong quý 3 và quý 4 là một trong những lý do đảm bảo cho cổ phiếu thủy sản phát triển bền vững, mở ra triển vọng năm 2011. Trong top doanh nghiệp mạnh trên thị trường chứng khoán Việt Nam, doanh nghiệp thủy sản góp mặt đáng kể.

“Sáng” trong xuất khẩu

Năm 2010, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam có những bước tăng trưởng khá mạnh. Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, 11 tháng đầu năm 2010, giá trị kim ngạch xuất khẩu cả nước 4,49 tỷ USD, tăng 17,86% so với cùng kỳ năm 2009. Và tăng trưởng ở hầu hết các thị trường lớn, thị trường Mỹ tăng 27,26%, Hàn Quốc tăng 17,79%, Nhật Bản tăng 17,44%.

Trong đó, EU vẫn là thị trường trọng tâm. 11 tháng năm 2010, EU đã nhập khẩu trên 300 nghìn tấn thủy sản từ Việt Nam, với giá trị trên 1 tỷ USD, tăng 2,6% về lượng và 6,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2009. Mỹ đứng thứ hai, tốc độ tăng trưởng giá trị của thủy sản Việt Nam trên thị trường này đạt 27,6%. Bên cạnh đó, thủy sản nước ta cũng đang tiếp cận mạnh thị trường các nước Mỹ La tinh và Trung Đông.

Trong danh mục các sản phẩm thủy sản xuất khẩu của Việt Nam, tôm vẫn giữ vai trò chủ lực, chiếm tỷ trọng lớn nhất với 41,7%. 11 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đạt hơn 1,68 tỷ USD. Ước tính, cả năm 2010 xuất khẩu tôm sẽ đạt trên 200 nghìn tấn, kim ngạch 1,8 tỷ USD, mức cao kỷ lục trong những năm qua.

Thủy sản góp mặt vào top doanh nghiệp mạnh trên thị trường chứng khoán Việt Nam            Ảnh: Lê Hoàng Vũ

Giá tôm xuất khẩu cũng tăng đều, bình quân đạt 8.530 USD/tấn. Thị trường tiêu thụ tôm đã vươn tới 90 nước, trong đó 3 thị trường chính (Nhật Bản, Mỹ và EU) chiếm trên 70% tổng kim ngạch xuất khẩu. 11 tháng qua, Nhật Bản đã nhập 55,6 nghìn tấn tôm, trị giá 504 triệu USD, tăng 12,8% về lượng và 18,3% về giá trị so với cùng kỳ 2009. Tiếp đến là Mỹ, với giá trị 459,5 triệu USD, tăng gần 30%, chiếm 26,4% tổng thị phần xuất khẩu tôm của cả nước. Đứng thứ 3 là EU, tổng sản lượng nhập khẩu tôm Việt Nam của EU là 37,9 nghìn tấn, trị giá 275,6 triệu USD, tăng 10,3% về lượng và 18,4% về giá trị.

Vượt qua rất nhiều khó khăn, xuất khẩu cá tra, basa đứng vị trí thứ hai. Dự báo, trong 3 tháng cuối năm, xuất khẩu cá tra, basa sẽ đạt 400 nghìn USD, nâng tổng kim ngạch cả năm lên 1,5 tỷ USD.

 

“Đại gia” thủy sản trên sàn chứng khoán

Vẫn như “thông lệ”, Công ty CP Tập đoàn Thủy hải sản Minh Phú, Công ty CP Hùng Vương và Công ty CP Vĩnh Hoàn vẫn là 3 doanh nghiệp xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam. Trong đó, Minh Phú là nhà xuất khẩu tôm hàng đầu của Việt Nam, còn Hùng Vương dẫn đầu trong chế biến và xuất khẩu cá tra, basa.

Công ty CP Tập đoàn Thủy hải sản Minh Phú (mã CK: MPC) khẳng định vị thế của mình bằng những con số ấn tượng. Tính chung 11 tháng đầu năm 2010, tổng sản lượng xuất khẩu của MCP đạt 20.209 tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 217,16 triệu USD, tăng 53,48% so với cùng kỳ 2009 và vượt 20,64% kế hoạch năm. Trong đó, Mỹ vẫn là thị trường lớn nhất, 11 tháng năm 2010, kim ngạch xuất khẩu của MPC vào thị trường này đạt 98,33 triệu USD, chiếm 45,28% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Ngày 22/12/2010, Minh Phú đã phát hành 200 trái phiếu, mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu, tương ứng tổng giá trị 200 tỷ đồng. Theo kế hoạch, trong tháng 12, MPC sẽ phát hành 700 tỷ đồng trái phiếu có kỳ hạn 3 năm. Đây là loại trái phiếu thông thường, không chuyển đổi, không có bảo đảm bằng tài sản.

Trong báo cáo đầu năm của Công ty Chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (SBSC), Công ty CP Hùng Vương (mã CK: HVG) là 1 trong 3 doanh nghiệp được đánh giá cao về khả năng phát triển cổ phiếu, bởi thị trường xuất khẩu ổn định, quy hoạch nguyên liệu tốt, có tiềm lực tài chính mạnh, thương hiệu lớn tại các thị trường chủ lực và khả năng tăng thị phần nhanh trong các thị trường mới. Hiện, Công ty CP Hùng Vương nắm giữ 51% cổ phiếu và chính thức nắm quyền điều hành Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản An Giang (Agifish, mã CK: AGF).

Quý 3 năm 2010, tổng doanh thu của HVG đạt 1.266,1 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 84,52 tỷ đồng. Tính chung cả 3 quý, lợi nhuận của HVG đạt 229,21 tỷ đồng, trong đó, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 205,48 tỷ đồng, hoàn thành 50,94% kế hoạch năm.

Ngày 30/11 vừa qua, HVG thực hiện trả cổ tức đợt 1 năm 2010 cho cổ đông bằng tiền mặt với tỷ lệ 10% (tương đương 1.000 đồng/cổ phiếu).

 

Gương mặt mới lên sàn

Công ty CP Việt An (Anvifish) là doanh nghiệp nuôi trồng và chế biến xuất khẩu cá tra, basa có quy mô ở ĐBSCL, với 2 xí nghiệp chế biến là An Thịnh (công suất 100 tấn/ngày) và Việt Thắng (công suất 150 tấn/ngày), 1 vùng nuôi hơn 17 ha và 5 vùng liên hết. Ngoài ra, Anvifish còn sở hữu hệ thống kho lạnh với công suất 40.000 tấn tại KCN Long Hậu. Năm 2009, Anvifish vươn lên top đầu các công ty xuất khẩu cá tra, basa của Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu năm 2009 đạt 57,9 triệu USD, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 74 tỷ đồng.

Ngày 23/11/2010, Anvifish chính thức niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán TP Hồ Chí Minh (mã CK: AVF), với khối lượng 22.500.000 cổ phiếu. Trong phiên giao dịch đầu tiên, giá tham chiếu của AVF là 25.000 đồng/cổ phiếu với biên độ dao động giá là +/-20%. Chốt phiên, cổ phiếu AVF tăng 1.000 đồng và có 222.050 cổ phiếu giao dịch thành công.

Ngày 28/12/2010, Công ty CP Vĩnh Hoàn (mã CK: VHC) chính thức tăng số lượng cổ phiếu trên thị trường chứng khoán, với số lượng 11.823.273 cổ phiếu, mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu, tổng giá trị gần 200 tỷ đồng.

Quý 3 năm 2010, tổng doanh thu của Công ty CP Vĩnh Hoàn đạt 681,17 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 67,32 tỷ đồng. Tính chung 3 quý, tổng lợi nhuận sau thuế của VHC đạt 175,68 tỷ đồng, hoàn thành 97,69% kế hoạch năm. Ước tính, kim ngạch xuất khẩu cả năm 2010 của Vĩnh Hoàn đạt 125 triệu USD, bằng 108,7% kế hoạch năm (115 triệu USD) và lợi nhuận sau thuế đạt 220 tỷ đồng, vượt 22,2% kế hoạch năm (180 tỷ đồng).

Sự góp mặt của cổ phiếu Công ty CP Việt An và số lượng cổ phiếu mới của Công ty CP Vĩnh Hoàn trên sàn chứng khoán đã góp phần tăng thêm “sóng” cho cổ phiếu ngành thủy sản Việt Nam.

>> Trong báo cáo “Triển vọng phát triển ngành thủy sản trong quý IV: Tiềm ẩn nhiều cơ hội và rủi ro”, Công ty Chứng khoán SME nhận định: Với tính chất chu kỳ, quý 4 được kỳ vọng sẽ là “mùa” lợi nhuận của các doanh nghiệp thủy sản, do đó triển vọng đầu tư vào cổ phiếu thủy sản là rất tiềm năng. Và cùng với xu thế chung của thị trường, đa số các cổ phiếu thủy sản đều giảm rất sâu về vùng giá hấp dẫn, rất thích hợp đối với các nhà đầu tư trung và dài hạn.

Hồng Hà


Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!